Giải quyết hạn chế, yếu kém trong các dự án BOT

.

Đây là nội dung được nhiều đại biểu quan tâm tại phiên thảo luận về Báo cáo giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) về việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư, khai thác các công trình giao thông theo hình thức BOT của UBTVQH, ngày 15-8.

Ông Trương Quang Nghĩa, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải phát biểu tại phiên họp. Ảnh: TTXVN
Ông Trương Quang Nghĩa, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải phát biểu tại phiên họp. Ảnh: TTXVN

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu nhấn mạnh, chủ trương thực hiện BOT là để chúng ta thực hiện huy động vốn, giải quyết điểm nghẽn của nền kinh tế, đó là một trong ba đột phá chiến lược xây dựng kết cấu hạ tầng cho đất nước. Chính phủ, Quốc hội đã quan tâm hoàn thiện và xây dựng văn bản quy phạm pháp luật để hoàn thiện chủ trương này. Đến nay ta chưa có luật về đối tác công tư, đây là hạn chế lớn nhất, nhưng quy định này lại nằm rải rác trong các luật chuyên ngành: Luật Xây dựng, Luật Đấu thầu... Nhưng văn bản pháp lý cao nhất lại là nghị định của Chính phủ.

Về tình hình thực hiện chính sách pháp luật về BOT, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, qua giám sát, phải tiếp tục khẳng định chủ trương huy động vốn ngoài ngân sách để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông là hoàn toàn đúng đắn. Không thể phủ nhận nhiều công trình trọng điểm quốc gia, nhiều tuyến đường quan trọng được đầu tư xây dựng đàng hoàng đã góp phần nâng thêm một bước kết cấu hạ tầng, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của cả nước, của vùng, địa phương nơi có công trình đi qua.

Bên cạnh đó, việc triển khai quy hoạch giữa các bộ, ngành chưa đồng bộ, thống nhất, thiếu quy hoạch hệ thống giao thông đồng bộ. “Có tuyến đường, có nhà đầu tư đã làm sẵn rồi thì ta lại có đoạn BOT, tức là nâng cấp cải tạo trên con đường sẵn có tạo nên tình trạng phí chồng phí, đã thu phí giao thông đường bộ rồi giờ lại thu phí BOT, nó tạo ra dư luận không tốt trong chủ trương kêu gọi xã hội hoá”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói. Việc quy định trạm thu phí phải phù hợp theo quy hoạch và quy định, cách nhau 70km, nơi nào nhỏ hơn 70km thì Bộ GTVT phải trao đổi với UBND các địa phương và Bộ Tài chính. Nhưng thực tế có trạm đặt không đúng, thậm chí đặt trạm thu phí thu luôn cả tuyến khác cạnh BOT tạo dư luận không tốt.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị phải tiếp tục rà soát chính sách pháp luật về BOT, đánh giá tổng kết về việc thực hiện thời gian qua để nghiên cứu trình Quốc hội dự án luật về đối tác công tư. Chính phủ cần xây dựng quy hoạch tổng thể về hệ thống giao thông Việt Nam, bao gồm tất cả các loại hình, có quy tắc ưu tiên theo thứ tự rõ ràng, chỗ nào cần làm BOT, chỗ nào cần làm trước. Phải nâng cao trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước trong thẩm định, phê duyệt dự án, tránh tình trạng có dự án được giao thì “sang tay” ngay, lấy một khoản chênh lệch rất lớn.

Theo Chinhphu.vn

;
.
.
.
.
.