Hướng mới cho nhân lực du lịch

.

Với sự phát triển mạnh về cơ sở lưu trú, đơn vị khai thác lữ hành tại Đà Nẵng, nhân lực ngành du lịch, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao, là một bài toán khó. Theo đó, một số doanh nghiệp và các cơ sở đào tạo liên kết để có đội ngũ lao động ổn định.

Hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp giúp giải bài toán nguồn nhân lực chất lượng cho ngành du lịch. Trong ảnh: Nhân viên bếp - khách sạn Seven Sea dọn dẹp tại khu vực nhà hàng của khách sạn.                         Ảnh: THU HÀ
Hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp giúp giải bài toán nguồn nhân lực chất lượng cho ngành du lịch. Trong ảnh: Nhân viên bếp - khách sạn Seven Sea dọn dẹp tại khu vực nhà hàng của khách sạn. Ảnh: THU HÀ

Thống kê của Sở Du lịch cho thấy, 6 tháng đầu năm 2017, Đà Nẵng có 617 khách sạn, khu nghỉ dưỡng với 24.009 phòng, nhân lực hoạt động trong ngành du lịch có khoảng 29.715 người. Với sự phát triển của ngành du lịch như hiện nay và số lượng cơ sở lưu trú ngày càng nở rộ, nhu cầu về nguồn nhân lực ngày càng tăng cao.

Theo đánh giá của chị Lê Thị Ái Diệp, Trưởng phòng Quản lý lưu trú - Sở Du lịch, nhận thức của các doanh nghiệp đã thay đổi nhiều; các doanh nghiệp đã thấy tầm quan trọng của công tác đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ nhân viên. Thay vì trả lương cao hơn để “lấy” người của nhau như trước kia, các nhà quản lý quan tâm hơn đến đội ngũ nguồn nhân lực của cơ sở mình bằng nhiều cách như cho nhân viên học thêm các khóa đào tạo ngắn hạn (khối 3 sao trở xuống), liên kết với các cơ sở đào tạo để “đặt hàng” đội ngũ nhân lực (khối 4-5 sao)...

TS. Trương Sỹ Quý, Trưởng khoa Du lịch, Trường Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng) cho rằng, từ nhu cầu thực tế, công tác đào tạo tại trường cũng đã có nhiều cải thiện. 3 năm gần đây, có 6 môn chuyên ngành sinh viên phải có ít nhất 150 giờ lao động (thực hành) mỗi môn ở các cơ sở lưu trú từ 3 sao trở lên thì mới có điểm tuyệt đối. Nghĩa là với mỗi môn học cụ thể, sinh viên phải đi làm thêm, phải có hợp đồng với bên sử dụng lao động; khi kết thúc phải có thanh ký hợp đồng và có thù lao thì mới được xem là đã hoàn thiện môn học.

Cũng theo đánh giá của TS. Trương Sỹ Quý, việc thực hành ở các cơ sở lưu trú lớn là cơ hội để sinh viên cọ sát, học hỏi kinh nghiệm thực tế. “Do tính chất của ngành dịch vụ nên trừ những trường hợp đặc biệt, còn đa số các em đều thực hành hoặc làm thêm tại các cơ sở lưu trú, các em vừa có kinh nghiệm, vừa có lý lịch đẹp để xin việc sau này. Thậm chí, nhiều sinh viên trong quá trình học, đi làm ở cơ sở đến khi ra trường, cơ sở hiểu rõ về năng lực của các em nên nhận vào làm luôn”, TS. Trương Sỹ Quý cho biết thêm.

Theo nhận xét của các nhà quản lý nhân sự các khu nghỉ dưỡng lớn tại Đà Nẵng, các bạn trẻ hiện nay năng nổ, chủ động hơn từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, nên dù làm công việc thời vụ nhưng hòa nhập công việc khá tốt, một phần do xu hướng hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp trong việc đào tạo nhân lực.

Ông Huỳnh Tấn Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng cho rằng, nguồn cung ứng nhân lực du lịch từ các trường đào tạo vẫn còn hạn chế. Tại buổi ký kết hợp tác giữa Trường Đại học Đông Á với các doanh nghiệp hồi tháng 6 vừa qua, ông Vinh đề xuất nên hình thành mô hình hợp tác 4 bên gồm Hiệp hội Du lịch - cơ sở đào tạo du lịch - doanh nghiệp đầu tư dự án du lịch - ngân hàng chính sách/thương mại trong việc xây dựng mạng lưới đào tạo và phát triển chất lượng nhân lực du lịch.

Ông Trần Xuân Mới, Giám đốc Công ty Quản lý du lịch cao cấp châu Á nhận thấy, thực tế nhân lực ngành du lịch của Đà Nẵng đang phát triển rất “nóng”, nguồn nhân lực ở những vị trí chủ chốt thực sự vừa có kinh nghiệm, vừa có năng lực đang thiếu. Cái thiếu lớn nhất là kinh nghiệm quản lý, tổ chức thực hiện, lập kế hoạch quản lý… Để khắc phục những điều này, chủ các doanh nghiệp phải ý thức được vai trò đào tạo đội ngũ nhân viên, như vậy mới có nguồn nhân lực tốt, tạo điều kiện để đội ngũ nhân lực có động lực học tập, cố gắng, khích lệ nhân viên… Cơ quan quản lý cũng phải siết chặt quản lý, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh thay vì cạnh tranh khốc liệt. Quan trọng nhất, cần áp dụng rộng rãi và linh hoạt bộ tiêu chuẩn kỹ năng nghề du lịch Việt Nam (VTOS).

Chị Lê Thị Ái Diệp cho rằng, cùng với việc thay đổi nhận thức trong việc đào tạo nhân lực du lịch, việc ký kết đào tạo giữa các doanh nghiệp và các trường cao đẳng, đại học sẽ là bước chuyển đáng kể giữa đào tạo và tuyển dụng, góp phần nâng cao chất lượng lao động; giúp sinh viên có môi trường học tập, thực hành kỹ năng, kiến thức và quan trọng là giúp các em định hướng tốt trong quá trình phát triển nghề nghiệp sau này.

Thời gian qua, nhiều khu nghỉ dưỡng, khách sạn đã ký kết hợp tác với các trường đào tạo như: Tập đoàn Empire ký kết với 5 trường cao đẳng, đại học gồm Trường Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng), Trường Đại học Đông Á, Trường Đại học Duy Tân, Trường Cao đẳng Pegasus, Trường Cao đẳng Việt Úc. Trường Đại học Đông Á cũng tổ chức ký kết với 7 doanh nghiệp là các khu nghỉ dưỡng, khách sạn 4 sao trên địa bàn thành phố… để hỗ trợ, hợp tác trong các hoạt động tuyển dụng, đào tạo, thực tập, kiến tập, vừa nâng cao chất lượng sinh viên, vừa góp phần giải quyết vấn đề khan hiếm nhân sự chất lượng cho ngành du lịch của thành phố.

THU HÀ

;
.
.
.
.
.