Nên giãn lộ trình tăng thuế giá trị gia tăng

.

Trước đề xuất của Bộ Tài chính về việc tăng thuế suất thuế giá trị gia tăng (VAT) từ 10% lên 12% từ ngày 1-1-2019, một số doanh nghiệp, người tiêu dùng cho rằng cần giãn lộ trình tăng thuế, đồng thời cần cân nhắc kỹ để tránh cho người dân và doanh nghiệp chịu thêm áp lực.

Doanh nghiệp và người tiêu dùng mong muốn giãn lộ trình tăng thuế giá trị gia tăng.  Ảnh: KHÁNH HÒA
Doanh nghiệp và người tiêu dùng mong muốn giãn lộ trình tăng thuế giá trị gia tăng. Ảnh: KHÁNH HÒA

* Ông Trần Minh Dõng, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty Điện tử và Tin học Viettronimex Đà Nẵng: Tăng thuế, sức mua sẽ giảm

VAT là loại thuế suất ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi và thu nhập của người dân, tăng VAT lên 12% trong khi thu nhập của đại bộ phận người dân tăng không đáng kể, phần lớn ở mức thu nhập trung bình và thấp, sẽ khiến họ có tâm lý dè sẻn, cắt giảm nhu cầu chi tiêu.

Từ đó, sức mua sẽ giảm, gây ảnh hưởng không nhỏ đến doanh thu của doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực phục vụ nhu cầu tiêu dùng. Ngoài ra, từ năm 2018, các quy định mới về tăng mức đóng bảo hiểm y tế, tăng tiền lương cho người lao động chính thức có hiệu lực, nếu tiếp tục tăng VAT sẽ khiến doanh nghiệp phải chịu thêm nhiều áp lực về chi phí.

Chính phủ và Bộ Tài chính nên nghiên cứu kỹ trước khi quyết định tăng thuế, nếu được thì giãn lộ trình, giúp doanh nghiệp có thời gian tích lũy nguồn vốn nhằm có đủ nguồn lực tái đầu tư và mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh. Doanh nghiệp làm ăn hiệu quả sẽ tạo việc làm và thu nhập cho người lao động, qua đó góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển, đóng góp vào an sinh xã hội và ngân sách địa phương, quốc gia. Giãn thời hạn tăng thuế, nhất là VAT, cũng sẽ giúp khoan sức dân khi thu nhập của đại bộ phận nhân dân còn thấp.

* Ông Lê Trọng Phú, Trưởng phòng Xuất nhập khẩu Công ty CP Intimex Đà Nẵng: Tập trung vào mặt hàng không thiết yếu có sức tiêu thụ lớn

Chúng tôi luôn ủng hộ chủ trương, chính sách của Nhà nước trong lĩnh vực thuế. Tuy nhiên, tăng thuế phải đi cùng với giảm chi tiêu ngân sách một cách hợp lý và tiết kiệm, tránh tình trạng lạm chi và chi không đúng mục đích, nếu không thì việc tăng thuế chỉ khiến người dân và doanh nghiệp chịu thêm áp lực, trong khi bài toán về tăng thu ngân sách vẫn khó giải quyết.

Tôi cho rằng, các cơ quan chức năng cần thận trọng khi tăng VAT. Nếu chúng ta không kiểm soát chặt sẽ dễ gây ra những hiệu ứng tiêu cực như tăng giá, trốn thuế, cạnh tranh không lành mạnh trong kinh doanh, hàng lậu, hàng giả…

Nên chăng cần có sự lựa chọn hợp lý các mặt hàng để áp dụng mức tăng VAT, không nên thực hiện một cách đại trà. Đơn cử, có thể “đánh mạnh” vào các mặt hàng Nhà nước không khuyến khích nhưng người dân sử dụng nhiều như bia, rượu, thuốc lá…, hay các đối tượng có thu nhập cao từ kinh doanh, sở hữu nhiều bất động sản. Nếu làm tốt, chắc chắn sẽ đem lại nguồn thu tốt và lâu dài cho ngân sách.

* Bà Đinh Thị Mỹ Hạnh, nhân viên Nhà nước, trú phường Thạch Thang, quận Hải Châu: Chống thất thu thuế thay vì tăng thuế

Là cán bộ Nhà nước, toàn bộ thu nhập của tôi và gia đình phụ thuộc vào tiền lương. Với mức lương hiện nay, chúng tôi chỉ đủ chi tiêu cho những nhu cầu thiết yếu, chưa nói đến chuyện tích lũy và mua sắm những tài sản có giá trị. Bản thân tôi nhận thấy mỗi lần tăng lương lại nghe giá rục rịch tăng theo, giờ tăng thuế liệu giá cả có tăng theo hay không.

Hiện nay, mức lương tiếp tục được tăng lên nhưng không đáng kể, thu nhập của chúng tôi vẫn chưa được cải thiện nhiều. Thiết nghĩ, thay vì tăng VAT, nên chăng Nhà nước cần đẩy mạnh các giải pháp chống thất thu thuế, chống gian lận thương mại và buôn lậu, có biện pháp để chống chuyển giá của các công ty đa quốc gia một cách hiệu quả. Đây là nguồn thất thu rất lớn, nếu làm tốt không chỉ mang lại nguồn thu lớn cho ngân sách mà còn tạo được lòng tin trong nhân dân, hạn chế tình trạng tham ô, tham nhũng, trốn thuế.

Trong trường hợp vẫn quyết định tăng VAT thì nên giãn lộ trình hợp lý và thực hiện nghiêm các quy định về việc sử dụng hóa đơn khi mua bán hàng hóa tiêu dùng.

Tháng 8 vừa qua, Bộ Tài chính cho rằng mức thuế suất thông thường đang áp dụng 10% là thấp, chưa phù hợp với thông lệ quốc tế, khó bảo đảm an toàn tài chính quốc gia. Bộ đề nghị nâng VAT theo 2 phương án. Phương án một, tăng từ 10% lên 12% kể từ ngày 1-1-2019. Phương án hai, tăng theo lộ trình lên 12% từ ngày 1-1-2019 và 14% từ ngày 1-1-2021. Trong đó, Bộ đề nghị cân nhắc phương án một.

KHÁNH HÒA ghi

;
.
.
.
.
.