Sang Hàn học làm nông

.

Sau 3 tháng xuất ngoại, 29 nông dân của huyện Hòa Vang được cử sang học tập mô hình sản xuất nông nghiệp hiện đại tại Hàn Quốc đã trở về với nhiều kết quả ngoài mong đợi. Đầu tháng 8 vừa qua, huyện tiếp tục cử 42 nông dân sang học tập kinh nghiệm ở xứ sở kim chi.

Nông dân huyện Hòa Vang đang học kỹ thuật chăm sóc và thu hoạch cải trong trang trại nhà kính tại quận Yeongyang, tỉnh Gyeongsangbuk, Hàn Quốc.						        Ảnh: Nhân vật cung cấp
Nông dân huyện Hòa Vang đang học kỹ thuật chăm sóc và thu hoạch cải trong trang trại nhà kính tại quận Yeongyang, tỉnh Gyeongsangbuk, Hàn Quốc. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Học làm nông nghiệp kỹ thuật cao

Dẫu từ Hàn Quốc về nhà gần 1 tháng nhưng anh Nguyễn Văn Thanh (thôn Phú Hòa, xã Hòa Nhơn) vẫn còn tâm trạng phấn chấn từ chuyến học tập và lao động tại vùng sản xuất nguyên liệu làm nên món kim chi nổi tiếng thế giới. Nguyên là cán bộ Đài truyền thanh xã Hòa Nhơn, anh Thanh xin nghỉ hưu trước tuổi để tập trung xây dựng mô hình kinh tế vườn của gia đình. Khi huyện Hòa Vang triển khai chương trình phối hợp với quận Yeongyang, tỉnh Gyeongsangbuk về đào tạo trình độ cho nông dân, anh Thanh được chọn và tín nhiệm làm trưởng đoàn 29 thành viên sang Hàn Quốc. “Với vốn tiếng Hàn Quốc sơ cấp được đào tạo trước khi lên đường cùng sự hỗ trợ của phiên dịch viên người Việt Nam sống tại địa phương, sang nước bạn, chúng tôi có thể tiếp cận ngay các kỹ thuật canh tác nông nghiệp trên mô hình trang trại lớn với nhiều loại máy móc hỗ trợ. Dù thời tiết lạnh, đất đai ở tỉnh Gyeongsangbuk không màu mỡ bằng ở Việt Nam nhưng với kỹ thuật canh tác hiện đại, năng suất các loại ớt, bắp cải, củ cải rất cao”, anh Nguyễn Văn Thanh cho biết.

Cũng như anh Thanh, sang Hàn Quốc, anh Nguyễn Tưởng (thôn Trước Đông, xã Hòa Nhơn) có 3 tháng học tập kỹ thuật canh tác hiện đại mà khi ở Hòa Vang anh chưa từng trải nghiệm. “Tại các trang trại nông nghiệp, công việc nặng nhọc của người nông dân do máy móc đảm nhiệm. Chúng tôi điều khiển máy móc, học kỹ thuật gieo trồng, cách bón phân và thu hoạch để bảo đảm chất lượng sản phẩm tươi ngon, không bị hao hụt. Ngoài làm việc tại các trang trại, mỗi tuần, chúng tôi được học tập trung 1 buổi lý thuyết tại Trung tâm kỹ thuật nông nghiệp quận Yeongyang với sự hướng dẫn trực tiếp của 24 kỹ sư nông nghiệp chuyên nghiên cứu về đất, giống, phân vi sinh, khí hậu…”,  anh Tưởng chia sẻ.

Theo Chủ tịch UBND xã Hòa Nhơn Nguyễn Tấn Phát, các nông dân được UBND xã chọn đưa đi đào tạo kỹ thuật nông nghiệp tại Hàn Quốc phải là những người có sức khỏe và nhận thức tốt về mục đích của chuyến đi nhằm học tập kinh nghiệm để về ứng dụng tại các mô hình của địa phương, nhất là các mô hình trồng rau, hoa quy mô lớn với các ứng dụng kỹ thuật cao, đưa vào canh tác theo định hướng của thành phố và UBND huyện Hòa Vang. “Sau 3 tháng học tập và lao động tại Hàn Quốc, những nông dân như anh Thanh, anh Tưởng đã mang về thu nhập mỗi người từ 80 đến 110 triệu đồng. Đây là động lực rất lớn để nông dân xã Hòa Nhơn nói riêng, huyện Hòa Vang nói chung tiếp tục tham gia các đợt xuất ngoại vừa học vừa làm trong thời gian đến”, ông Nguyễn Tấn Phát cho biết.

Tính kỷ luật và năng suất lao động

Yeongyang là một trong những địa phương phát triển mạnh trên lĩnh vực nông nghiệp với nhiều sản phẩm đặc trưng như: ớt, củ cải, táo, nấm, nhân sâm, rượu... Nổi bật là việc sản xuất ớt với quy mô rộng 1.300 héc-ta, thu nhập bình quân đầu người từ mô hình này lên đến 70.000 USD/1 năm. Nhờ áp dụng mạnh mẽ tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp nên năng suất cây trồng tại địa phương này rất cao. Do vậy, việc đưa nguồn nhân lực nông nghiệp huyện Hòa Vang sang Hàn Quốc để tiếp cận thực tế sản xuất nông nghiệp hiện đại sẽ mang lại nhiều lợi ích, nhất là trong bối cảnh huyện Hòa Vang đang thực hiện chủ trương của thành phố về phát triển nông nghiệp công nghệ cao.

Theo Bí thư Huyện ủy Hòa Vang Trần Văn Trường, qua đánh giá thực tế chuyến đầu tiên cho thấy, hầu hết nông dân đều nhận thức rõ nét về tính kỷ luật trong lao động, làm việc chăm chỉ mới mang lại năng suất lao động cao. Ý thức sản xuất sạch và an toàn cũng được người nông dân lĩnh hội để áp dụng trên cánh đồng huyện Hòa Vang. “Một số nông dân được chọn qua Hàn Quốc nằm trong diện gia đình còn khó khăn nên khi hoàn thành chuyến học tập và lao động, mỗi người thu nhập từ 80 đến 110 triệu đồng, phần nào giúp gia đình họ thoát nghèo, ổn định cuộc sống”, ông Trần Văn Trường cho hay.

Theo Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang Đặng Thương, huyện Hòa Vang và quận Yeongyang đã trao đổi về việc hợp tác phát triển nông nghiệp, xem đây là bước đi rất quan trọng để Hòa Vang tạo đột phá trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn. Từ đó, nâng cao thu nhập và đời sống của người dân, hướng đến thực hiện nền nông nghiệp sạch. Theo chương trình hợp tác, nông dân Hòa Vang sang Hàn Quốc sẽ trực tiếp lao động, cùng sản xuất, thu hoạch để học tập kinh nghiệm sản xuất, bảo quản sản phẩm và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp tại quận Yeongyang. Về lâu dài, quận Yeongyang sẽ cử cán bộ kỹ thuật sang Hòa Vang tập huấn ứng dụng kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp để tăng năng suất, chất lượng cây trồng, nâng cao thu nhập cho người nông dân Hòa Vang.

DIỆU MINH

;
.
.
.
.
.