Tiếp sức cho kinh tế tư nhân hội nhập

.

Hơn 30 năm trước, Đại hội Đảng lần thứ VI với đường lối đổi mới được coi là nền tảng mở đường cho kinh tế tư nhân (KTTN) “mạnh dạn bước ra từ bóng tối”. Hội nghị lần thứ 5 Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 3-6-2017 tiếp tục xác định “Phát triển KTTN trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN”.

Cải cách hành chính, đơn giản hóa các thủ tục cho doanh nghiệp - một trong những hỗ trợ thiết thực bước đầu cho doanh nghiệp tư nhân. Ảnh: DUYÊN ANH
Cải cách hành chính, đơn giản hóa các thủ tục cho doanh nghiệp - một trong những hỗ trợ thiết thực bước đầu cho doanh nghiệp tư nhân. Ảnh: DUYÊN ANH

Phát triển nhanh doanh nghiệp tư nhân: mừng và lo

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Đà Nẵng, đến nay, thành phố có khoảng 20.000 doanh nghiệp đã được cấp phép hoạt động với tổng số vốn trên 90.000 tỷ đồng; trong đó phần lớn là các doanh nghiệp thuộc thành phần KTTN. Từ đầu năm 2017 đến nay, có khoảng 2.000 doanh nghiệp đăng ký đầu tư mới trên địa bàn. KTTN cũng phát triển theo những thế mạnh trong các lĩnh vực công nghiệp, thương mại, du lịch - dịch vụ và kinh doanh bất động sản… Hiện nay, tỷ lệ đóng góp bình quân của khu vực KTTN vào GRDP của thành phố ước khoảng trên 43% và tăng đều qua các năm với tốc độ 10,6%/năm. Khối doanh nghiệp dân doanh đóng góp 40% tổng thu ngân sách của thành phố, xấp xỉ mức đóng góp của khối doanh nghiệp FDI và cao gấp 2 lần mức đóng góp của khối doanh nghiệp Nhà nước.

Song, các chuyên gia kinh tế cho rằng, không chỉ riêng Đà Nẵng mà KTTN cả nước cũng bộc lộ nhiều tồn tại và yếu kém, chưa đáp ứng được vai trò là động lực quan trọng của nền kinh tế. Tốc độ tăng trưởng của KTTN có xu hướng giảm trong những năm gần đây. KTTN có quy mô nhỏ, chủ yếu vẫn là kinh tế hộ gia đình; trình độ công nghệ, quản trị, năng lực tài chính, chất lượng sản phẩm và sức cạnh tranh thấp; cơ cấu ngành nghề còn bất hợp lý, thiếu liên kết giữa các doanh nghiệp tư nhân (DNTN) với nhau và với các thành phần kinh tế khác…

Phát biểu tại hội thảo “Kinh tế tư nhân - Động lực phát triển kinh tế địa phương” vào cuối tháng 6 vừa qua, ông Nguyễn Tiến Quang, Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - Chi nhánh Đà Nẵng chỉ ra: “Tuy đạt được những kết quả phấn khởi nhưng khả năng cạnh tranh khu vực KTTN vẫn thấp và có xu hướng nhỏ hóa quy mô doanh nghiệp. Đây là những vấn đề thực sự đáng quan ngại. Các doanh nghiệp luôn đối diện với nhiều khó khăn trong tiếp cận các nguồn lực như vốn, đất đai; quyền được đối xử bình đẳng trong kinh doanh với các thành phần kinh tế khác vẫn chưa rõ ràng, chưa thể kết nối thành công vào những chuỗi sản xuất toàn cầu… Rõ ràng, về mặt thể chế kinh tế phải tạo điều kiện cho KTTN phát triển là yêu cầu bức thiết nhằm tạo thế và lực mới cho sự phát triển của đất nước”.

Ông Phạm Bắc Bình, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) thành phố nhìn nhận: “Trong tổng số doanh nghiệp đang hoạt động tại Đà Nẵng, có tới 98% DNNVV, thậm chí siêu nhỏ, đa số yếu về vốn, công nghệ, kỹ năng quản trị, kinh nghiệm thị trường... Khi tham gia Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), Hiệp định Thương mại tự do (FTA), Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), cộng đồng DNNVV phải đối mặt với sự cạnh tranh mạnh mẽ từ các doanh nghiệp quốc tế. Bản thân doanh nghiệp lại không nắm vững các quy trình quản lý; phát triển mối quan hệ cá nhân với các nhà tư vấn, các học giả, chuyên gia kinh tế, các chuyên gia của đoàn đàm phán dần thay cho việc quan hệ với các cơ quan quản lý, cơ quan chức năng, tổ chức, chính quyền”. Đề cập vấn đề này, không ít đại diện DNTN bày tỏ: Doanh nghiệp chưa tiếp cận đầy đủ và hiểu rõ về luật pháp trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Nguyên nhân do hệ thống pháp luật, chính sách chưa đồng bộ và còn nhiều bất cập; thủ tục hành chính còn rườm rà, phức tạp gây khó khăn cho doanh nghiệp; các hoạt động tư vấn, hỗ trợ cho các DNTN còn thiếu và đôi khi nửa vời.

Những năm qua, thành phố Đà Nẵng luôn đồng hành, sát cánh với doanh nghiệp, có nhiều chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính… Nhờ đó, số lượng doanh nghiệp trên địa bàn thành phố có tốc độ tăng trưởng nhanh và ổn định. Song, chính quyền và doanh nghiệp phải cùng suy nghĩ về các giải pháp, định hướng lâu dài. Ngoài nỗ lực của bản thân doanh nghiệp, KTTN cũng cần nhiều sự hỗ trợ của Nhà nước.

Hỗ trợ mạnh mẽ để doanh nghiệp hội nhập

Đề cập giải pháp phát triển DNTN, ông Phan Hải - Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ thành phố cho biết: “Thời gian qua, những chính sách của Đà Nẵng vẫn chưa khuyến khích lực lượng KTTN phát triển. Đà Nẵng là địa phương liên tục dẫn đầu chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), nhưng khu vực KTTN của thành phố vẫn chưa phát triển tương xứng. Đà Nẵng cũng có rất ít những thương hiệu KTTN mang tầm cả nước. Do đó, Đà Nẵng phải phát triển được lực lượng KTTN, bởi đây là nguồn lực mới, là động lực phát triển thành phố. Muốn phát triển bền vững, đầu tiên thành phố phải tìm được những dự án lớn có tính lan tỏa. Thứ hai, phải chuẩn bị đầy đủ cơ sở hạ tầng chất lượng cao để đón đầu làn sóng đầu tư. Thứ ba, cần có những chính sách cụ thể hơn đối với khu vực KTTN như hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn đầu tư ưu đãi. Trước khi có những quyết sách cụ thể, lãnh đạo thành phố phải xác định phát triển KTTN làm động lực, làm mũi nhọn và hỗ trợ hết mình cho lực lượng này”.

Bên cạnh đó, muốn tạo động lực phát triển KTTN, tất yếu phải thực hiện đồng bộ các giải pháp để cải thiện tốt nhất môi trường đầu tư kinh doanh. Đó là các giải pháp liên quan đến cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội, giải pháp liên quan đến đất đai, cấp phép xây dựng, thủ tục đầu tư, tiếp cận nguồn vốn vay, thành lập doanh nghiệp… “Đà Nẵng muốn có một cộng đồng DNTN khỏe mạnh, có năng lực cạnh tranh, tạo thêm nhiều việc làm cho người dân thì cần đổi mới thể chế kinh tế, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, phát huy năng lực đội ngũ cán bộ quản lý Nhà nước. Ở đây, không chỉ những lãnh đạo cao nhất của thành phố nhận thức DNTN cần được quan tâm, mà nhìn một cách tổng thể, đối tượng trung gian (các sở, ban, ngành, hiệp hội, tổ chức) phải thay đổi tư duy theo sát, làm bạn với doanh nghiệp. Ý chí của người đứng đầu thành phố thôi chưa đủ, mà các cấp dưới quyền phải thực sự có những cải cách theo hướng phục vụ cho lợi ích của doanh nghiệp, bởi doanh nghiệp mới chính là những người đóng góp nguồn ngân sách cho thành phố phát triển”, ông Nguyễn Hồng Sơn, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thạch Bàn miền Trung nói.

Chương trình hành động của Thành ủy Đà Nẵng thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa XII) đặt ra nhiều mục tiêu quan trọng để kinh tế tư nhân (KTTN) thực sự trở thành động lực tăng trưởng kinh tế. Trong đó, phấn đấu đến năm 2020, thành phố có từ 30.000 doanh nghiệp tư nhân (DNTN), với 3-5% doanh nghiệp có quy mô lớn, 1-2 tập đoàn KTTN có trụ sở trên địa bàn thành phố; KTTN đóng góp khoảng 60% GRDP, đầu tư của dân cư và DNTN chiếm 75% tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội. Mục tiêu đến năm 2025 có khoảng 50.000 DNTN và năm 2030 có khoảng 70.000 DNTN.

"Nghị quyết số 10-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân (KTTN) trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN rất sát sườn với địa phương và có ảnh hưởng nhất định đến sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Nghị quyết đã tạo ra luồng gió mới, hành lang pháp lý cho KTTN phát triển, là sự động viên, khích lệ rất to lớn cho cộng đồng doanh nghiệp cả nước nói chung và Đà Nẵng nói riêng. Nghị quyết khẳng định sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với KTTN, là cơ hội để doanh nghiệp tư nhân phát triển đúng với ý nghĩa, vai trò và sự đóng góp đối với đất nước cũng như thành phố… Làm sao để doanh nghiệp tự tin, để doanh nghiệp cảm nhận mình được cổ vũ, động viên, hỗ trợ giúp đỡ. Tinh thần là phải truyền cảm hứng để doanh nghiệp có niềm tin vào chính quyền"

Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Xuân Anh phát biểu tại hội nghị quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa XII) do Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng tổ chức ngày 11-8.

DUYÊN ANH

;
.
.
.
.
.