Tìm vốn khởi nghiệp

.

Sau 2 năm kể từ khi Đà Nẵng có hệ sinh thái khởi nghiệp, số lượng “bà đỡ” hỗ trợ nguồn vốn ban đầu cho các dự án vẫn chỉ đếm trên đầu ngón tay. Tuy nhiên, từ nay đến cuối năm, dự kiến tình hình sẽ có nhiều khởi sắc.

Với mong muốn mang các loại đậu, mè, gạo của quê hương giới thiệu với người dùng trong và ngoài nước, một cựu sinh viên ngành công nghệ thông tin ở Đà Nẵng quyết định khởi nghiệp bằng bột ngũ cốc tự làm. Anh tự tìm nguồn nguyên liệu, tự mày mò công thức pha chế, rồi lại tự rang sấy, xay bột… Mỗi lần có người đặt hàng, anh tự đóng gói, tự giao hàng trên xe máy của mình. Sau 2 năm, anh có một mạng lưới khách hàng quen tại thành phố và một số địa phương lân cận. Tuy vậy, anh bảo: “Chẳng dám nghĩ tới khởi nghiệp, chỉ coi đây là việc làm thêm để cải thiện thu nhập”. Câu nói có chút ngậm ngùi, bởi trước đó, anh từng viết thư đến Vườn ươm doanh nghiệp (DN) Đà Nẵng để tìm hiểu về khởi nghiệp và các chính sách hỗ trợ khởi nghiệp của thành phố. Thiếu vốn - dù chỉ là vài chục triệu đồng cho các loại máy rang, sấy, xay, đóng gói, việc “sản xuất” của anh hiện chỉ gói gọn trong căn bếp nhỏ của gia đình.

Câu chuyện của cựu sinh viên trên không phải là cá biệt. Đầu năm 2017, một kỹ sư trẻ ở Đà Nẵng chế tạo thành công chiếc máng heo thông minh, nhờ đó giành nhiều giải thưởng khởi nghiệp của thành phố và toàn quốc. Tâm huyết với ngành nông nghiệp, anh bỏ công tìm hiểu thị trường, cải tiến sản phẩm, rồi đến từng hộ nhà nông thí nghiệm, chào bán… Chỉ vài tháng sau, thịt heo trượt giá thảm hại, các trại chăn nuôi không dám nhận mua máng heo của anh nữa. Thiếu vốn, anh đành tạm gác lại giấc mơ khởi nghiệp.

Hình thành từ cuối năm 2015, đến nay, hệ sinh thái khởi nghiệp Đà Nẵng vẫn thiếu một thành tố quan trọng, đó là cơ chế, chính sách về hỗ trợ hay đầu tư tài chính cho các dự án DN khởi nghiệp tiềm năng. Trên địa bàn thành phố hiện vẫn chưa có quỹ đầu tư mạo hiểm, trong khi mạng lưới nhà đầu tư thiên thần còn ít ỏi. Ông Đoàn Ngọc Vui, Phó Giám đốc Quỹ đầu tư phát triển Đà Nẵng cho hay: “Khởi nghiệp vốn có nhiều rủi ro. Những người khởi nghiệp trẻ lại thường chưa có kinh nghiệm, chưa có bộ máy điều hành quản trị doanh nghiệp. Họ không chứng minh được tính khả thi, lịch sử kinh doanh, tài sản bảo đảm…, việc vay vốn ngân hàng gần như không thể. Nhà đầu tư có tiền nhưng cũng chưa dám tin tưởng”.

Sự e ngại của các nhà đầu tư được thể hiện khá rõ qua việc thành lập Vườn ươm DN thành phố. Theo chia sẻ của một lãnh đạo vườn ươm, lúc thành lập theo hình thức hợp tác công - tư, nhiều doanh nhân thay đổi ý kiến vào phút chót, quyết định không góp vốn hoặc góp không đủ như cam kết ban đầu khiến công ty phải tăng tỷ lệ vốn Nhà nước. Cũng do phần vốn Nhà nước chiếm tỷ lệ cao, Vườn ươm DN gặp khó khăn trong việc đầu tư vốn vào các DN khởi nghiệp. Trước tình hình đó, đầu năm 2017, UBND thành phố ban hành Đề án Phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Đà Nẵng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó, việc xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ khởi nghiệp, trong đó có hỗ trợ vốn, được xem là 1 trong 5 trụ cột của hệ sinh thái khởi nghiệp. Trước mắt, trong năm 2017, Đà Nẵng sẽ thành lập Quỹ hỗ trợ khởi nghiệp thành phố. Đây sẽ là “bà đỡ” để tiếp tục huy động, kết nối các nguồn lực tài chính trong và ngoài nước về với thành phố. Dự kiến đến năm 2020, hệ sinh thái khởi nghiệp Đà Nẵng phải có 3-5 quỹ đầu tư mạo hiểm, cùng cơ chế hợp tác, thu hút nguồn đầu tư từ cộng đồng. Ngoài ra, thành phố sẽ nghiên cứu hình thành quỹ hỗ trợ sáng tạo, ưu tiên cấp vốn hoặc cho vay đối với các dự án khởi nghiệp dựa trên sáng chế của sinh viên, giảng viên, nghiên cứu viên các trường đại học, cao đẳng tại Đà Nẵng. Theo ông Vui, cần xác định rõ quỹ hỗ trợ khởi nghiệp là quỹ đầu tư mạo hiểm, nhưng là mạo hiểm “có cơ sở”. “Nhà nước cần có hành lang pháp lý cụ thể, có các chính sách cho quỹ như “vốn mồi” ban đầu, thuế ưu đãi giúp thu hút đầu tư”, ông Vui nói.

Tháng 4 vừa qua, Đà Nẵng có “mạng lưới nhà đầu tư thiên thần” đầu tiên với tên gọi Công ty CP Đầu tư Flying Fish (Cá Chuồn). 10 nhà đầu tư đầu tiên của công ty gồm đội ngũ điều hành Vườn ươm DN thành phố và những người đang gián tiếp hỗ trợ khởi nghiệp Đà Nẵng. Ông Trần Vũ Nguyên, Giám đốc Điều hành Vườn ươm DN cho rằng: “Đầu tư cho khởi nghiệp luôn là danh mục bất cứ nhà đầu tư chuyên nghiệp nào cũng muốn sở hữu, vì nó không chỉ là những con số nhảy múa trên bảng điện của thị trường chứng khoán hay những cú lướt sóng trên sàn bất động sản. Nó là những câu chuyện của tương lai, của những người đang miệt mài làm nên những điều đẹp đẽ”.

KHANG NINH

;
.
.
.
.
.