Vay vốn sản xuất rau an toàn

.

Thực hiện Nghị quyết 14/NQ-CP ngày 5-3-2014 của Chính phủ về cho vay thí điểm phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) - Chi nhánh Đà Nẵng đã ký hợp đồng tín dụng tài trợ vốn cho Công ty CP Sản xuất và Thương mại Việt Thiên Ngân (gọi tắt là Công ty Việt Thiên Ngân) thực hiện dự án “Đầu tư sản xuất, liên kết sản xuất, tiêu thụ rau an toàn tại Đà Nẵng”, bước đầu hiệu quả, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương.

Nông dân thu hoạch rau tại khu sản xuất rau của Công ty Việt Thiên Ngân.
Nông dân thu hoạch rau tại khu sản xuất rau của Công ty Việt Thiên Ngân.

Đến trang trại sản xuất rau của Công ty Việt Thiên Ngân tại xã Hòa Phước (huyện Hòa Vang) khi nông dân đang triển khai thu hoạch rau và gối đầu gieo trồng rau đợt tiếp, chúng tôi được hướng dẫn đi thăm các luống rau với đủ loại dền, bồ ngót, mồng tơi, rau muống; các loại quả bầu, mướp, khổ qua, cà tím, bí đao...

Bà Phạm Thị Phương Thảo, Phó Giám đốc Công ty Việt Thiên Ngân cho biết, tại xã Hòa Phước, công ty đã làm rau trên diện tích 1ha và đang xin mở rộng thêm khoảng 2ha để trồng rau hữu cơ, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường. Quy trình sản xuất rau khép kín từ khâu trồng, chăm sóc, đóng gói đến phân phối tận tay người tiêu dùng.

Công ty Việt Thiên Ngân vay vốn của Agribank - Chi nhánh Hòa Vang với hạn mức cho vay 6 tỷ đồng để đầu tư sản xuất rau an toàn. Tùy thời điểm, mùa vụ, công ty vay những khoản tiền khác nhau để đầu tư máy móc, trang trại, nhà lưới... phù hợp.

Trước đây, công ty sản xuất nhỏ lẻ, sau nhờ tiếp cận được nguồn vốn vay nên mạnh dạn mở rộng quy mô, đầu tư mua thêm các trang thiết bị như máy gieo hạt hơn 100 triệu đồng phục vụ ươm giống, sản xuất cây trồng, xe đông lạnh chuyên chở hàng hóa phân phối ra thị trường nhằm bảo đảm chất lượng các loại rau, củ. Hiện trung bình mỗi tháng, Việt Thiên Ngân đưa ra thị trường khoảng 3-4 tấn rau sạch các loại. Nguồn vốn vay đang mang lại cho công ty những hiệu quả thiết thực, bình quân doanh thu mỗi năm khoảng 3-6 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho khoảng 30 lao động địa phương.

Ngoài địa bàn xã Hòa Phước, Công ty Việt Thiên Ngân cũng đang đầu tư sản xuất 2 trang trại rau sạch tại Điện Phương (thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) với 6ha. Các sản phẩm rau của Việt Thiên Ngân đã được cấp giấy chứng nhận rau an toàn. Thị trường tiêu thụ chủ yếu là các siêu thị, khách sạn trên địa bàn Đà Nẵng và thành phố Hội An (tỉnh Quảng Nam).

Bà Phương Thảo cho biết thêm, khi sản xuất ổn định, công ty sẽ hướng đến liên kết, bao tiêu sản phẩm và cung ứng sản phẩm rau an toàn cho địa phương. Song, bà Thảo mong tiếp tục được thành phố và các ngành hỗ trợ, tạo điều kiện để phát triển mở rộng vùng rau cũng như liên kết thành chuỗi trong sản xuất, tiêu thụ rau an toàn.

Ông Ông Hùng Cường, Phó Giám đốc Agribank - Chi nhánh Hòa Vang cho biết, mô hình cho vay liên kết trong nông nghiệp theo Nghị quyết 14/NQ-CP tại Đà Nẵng được thí điểm đối với Công ty Việt Thiên Ngân. Đây là đơn vị sản xuất khá ổn định, các món vay luôn được trả đúng hạn. Hiện nay, dư nợ tín dụng của công ty tại ngân hàng còn khoảng 3 tỷ đồng.

Chương trình cho vay thí điểm phục vụ phát triển nông nghiệp đã góp phần mở ra một hướng đi mới, cách làm mới có hiệu quả kinh tế trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Thông qua chương trình, ngành ngân hàng không những giải quyết các vấn đề về vốn cho nông nghiệp mà còn hướng sản xuất nông nghiệp từ nhỏ lẻ, manh mún sang sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, liên kết hiệu quả, có tính cạnh tranh cao, từng bước nâng cao đời sống nhân dân và thực hiện mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Vì vậy, nếu thí điểm hiệu quả, mô hình sẽ được nhân rộng cho nhiều doanh nghiệp lĩnh vực nông nghiệp tiếp cận và tham gia.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Quyết định 1050/QĐ-NHNN ngày 28-5-2014 hướng dẫn thực hiện chương trình cho vay thí điểm theo Nghị quyết 14/NQ-CP ngày 5-3-2014 của Chính phủ về cho vay thí điểm phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, với một số cơ chế tín dụng đặc thù như lãi suất cho vay ưu đãi thấp hơn lãi suất cho vay thông thường từ 1 - 1,5%/năm, mức cho vay có thể lên đến 90% giá trị dự án. Tại Đà Nẵng, sau một thời gian triển khai, chương trình đã góp phần giúp doanh nghiệp phát triển, người nông dân có thêm việc làm, chất lượng nông sản được kiểm soát và nâng cao.

Bài và ảnh: THANH TÌNH

;
.
.
.
.
.