Ý kiến

Cần tăng thanh toán điện tử

.

Nhiều năm gần đây, nhờ sự phối hợp tích cực và hiệu quả giữa các ngân hàng thương mại với các nhà cung ứng dịch vụ (cấp điện, cấp nước, viễn thông…) trong việc cung cấp các tiện ích dịch vụ thanh toán hóa đơn, người dân không còn cảnh xếp hàng, chen lấn, mất thời gian nhiều giờ, thậm chí nhiều ngày để chầu chực nộp tiền tại các điểm thu. Các loại hình kênh thanh toán do các ngân hàng cung cấp rất đa dạng và hiện đại, có thể giao dịch tại quầy ngay trong giờ làm việc, hoặc giao dịch mọi nơi mọi lúc (24/7) trên điện thoại di động thông minh, hệ thống máy ATM, POS, hoặc Internet Banking…

Bên cạnh đó, hệ thống ngân hàng cũng đã kết nối với hệ thống Kho bạc Nhà nước, Hải quan để đa dạng hóa các kênh thu thuế, phí, lệ phí… góp phần giảm tải thủ tục hành chính, rút gọn quy trình thanh toán, được doanh nghiệp và người dân đồng tình. Thông qua việc ủy thác cho ngân hàng thu hộ, các công ty cung ứng dịch vụ đã tiết kiệm một khoản chi phí đáng kể khi cắt giảm được phần lớn nhân lực đi thu tiền tại nhà, giảm thiểu thủ tục kế toán, thủ quỹ, tăng nhanh vòng quay vốn… Nhìn chung, không chỉ người dân mà cả xã hội đều có lợi, từng bước nếp sống văn minh hiện đại gắn với công nghệ thanh toán không dùng tiền mặt được nâng cấp.

Vấn đề đáng quan tâm hiện nay là vẫn còn số lượng rất lớn người dân còn duy trì thói quen sử dụng tiền mặt, chưa biết hoặc chưa có điều kiện tiếp cận sử dụng các phương tiện thanh toán hiện đại. Điều này dẫn đến nhiều trở ngại, khó khăn cho các ngân hàng trong khâu phục vụ. Do đặc thù các khoản thanh toán điện, nước, viễn thông, thuế, phí, lệ phí… đa phần nhỏ lẻ, nhưng số lượng rất lớn, nhất là vào những lúc cao điểm, ngân hàng sẽ không đủ nhân lực bố trí kiểm đếm tiền, gây tốn kém chi phí giấy tờ, thời gian chờ đợi, không thuận lợi, mất an toàn.

Để góp phần cải thiện tình hình trên, khách hàng chỉ cần mở tài khoản tiền gửi giao dịch, ủy thác cho ngân hàng thanh toán theo định kỳ hoặc tự mình giao dịch trên các thiết bị tự động thì sẽ giải tỏa và đáp ứng được hầu hết các nhu cầu thanh toán phát sinh.  

Giữa các công ty cung ứng dịch vụ, hệ thống Kho bạc Nhà nước và ngân hàng thương mại cần có sự hợp tác chặt chẽ hơn nữa trong việc hướng dẫn khách hàng, đưa ra các điều khoản cam kết phục vụ, góp phần hình thành nên cung cách thói quen sử dụng các dịch vụ thanh toán hiện đại. Cần nhận thức rằng đây không chỉ là cách thức giao dịch văn minh mà còn là khuôn khổ pháp lý thanh toán do Nhà nước quy định. Theo đó, cần yêu cầu người dân/khách hàng phải mở tài khoản giao dịch, hạn chế đến mức thấp nhất việc sử dụng tiền mặt, trừ các trường hợp hãn hữu vì lý do sức khỏe, già yếu, không đủ khả năng tự mình thực hiện các giao dịch tự động cần phải có sự trợ giúp riêng. Cùng với đó là áp dụng chính sách thu phí lũy tiến đối với các giao dịch tiền mặt. Có cơ chế bắt buộc chuyển khoản qua ngân hàng đối với các khoản thanh toán có liên quan đến giao địch bất động sản, các khoản thu nộp ngân sách, hoặc các khoản thanh toán lớn từ 20 triệu đồng trở lên (tương đồng với quy định của Bộ Tài chính đối với các giao dịch mua bán phải thanh toán qua ngân hàng mới được khấu trừ thuế VAT đầu vào).

Phúc Vinh

;
.
.
.
.
.