Cần đột phá trong thu hút đầu tư

.

Môi trường đầu tư và kinh doanh tại Đà Nẵng ngày càng được cải thiện theo hướng thông thoáng, minh bạch với các chính sách khuyến khích đầu tư hấp dẫn. Song, đứng trước nhiều thách thức như: áp lực cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, nhu cầu đầu tư phát triển của thành phố không ngừng gia tăng, Đà Nẵng cần những đột phá mới trong việc thu hút đầu tư.

Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ trao giấy chứng nhận đầu tư cho doanh nghiệp tại Diễn đàn đầu tư  Đà Nẵng 2017.
Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ trao giấy chứng nhận đầu tư cho doanh nghiệp tại Diễn đàn đầu tư Đà Nẵng 2017.

Bài 1: Đổi mới công tác xúc tiến, thu hút đầu tư

Theo thống kê của Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), 10 tháng đầu năm 2017, hơn 4.000 doanh nghiệp (DN), đơn vị đã được thành phố cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động với tổng số vốn 21.098 tỷ đồng, tăng 4% về số DN và tăng 66% về vốn so với cùng kỳ năm ngoái. Đến nay, thành phố có 22.040 DN với tổng số vốn đăng ký đạt 142.600 tỷ đồng. Đặc biệt, có 89 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cấp mới với tổng vốn đầu tư đăng ký 75,7 triệu USD (tăng 4,3 lần so với cùng kỳ năm ngoái). Lũy kế đến nay, thành phố có 533 dự án FDI với tổng vốn đầu tư hơn 3 tỷ USD. Đây là kết quả khá ấn tượng nhưng so với giai đoạn 2006-2010 vẫn chưa đạt yêu cầu.

Lý giải về nguyên nhân giảm sút đầu tư trong thời gian gần đây, Phó Giám đốc Ban Xúc tiến và hỗ trợ đầu tư thành phố Nguyễn Kỳ Anh cho rằng: “Việc chuyển hướng sang thu hút đầu tư có chọn lọc, ưu tiên những lĩnh vực ít tác động đến môi trường như: du lịch, dịch vụ, công nghệ thông tin, điện tử, cơ khí chính xác, logistics, nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ… là một trong những nguyên nhân thu hút đầu tư chưa nhiều. Song, vẫn có hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ đang đầu tư tại Đà Nẵng, điển hình như Singapore, Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc... Đáng chú ý, Đà Nẵng đang mạnh dạn đổi mới công tác xúc tiến đầu tư và tập trung các thị trường trọng điểm. Việc thay đổi cách tiếp cận nhà đầu tư, chuyển sang thu hút đầu tư có chọn lọc nhằm phục vụ định hướng phát triển bền vững, ổn định lâu dài và bảo đảm môi trường sống cho thành phố”.

Cũng theo đánh giá của Ban Xúc tiến và hỗ trợ đầu tư thành phố, khi Đà Nẵng chuyển dần sang định hướng thu hút đầu tư mới, công tác xúc tiến đầu tư cũng dần có những thay đổi. Đó là chủ động gõ cửa, mời gọi nhà đầu tư, cụ thể là các chuyến xúc tiến đầu tư của lãnh đạo thành phố đến các thị trường trọng điểm, tập đoàn tiềm năng, mời gọi các tập đoàn đến Đà Nẵng tìm hiểu, nghiên cứu đầu tư các dự án... Việc tiếp tục đổi mới phương thức xúc tiến đầu tư thông qua các hoạt động xúc tiến đầu tư phù hợp với từng đối tượng đầu tư, đặc biệt là các tập đoàn xuyên quốc gia, các tập đoàn lớn trong nước; tăng cường tổ chức các hội nghị, hội thảo xúc tiến đầu tư theo chuyên đề và đối tác cụ thể; đẩy mạnh quan hệ hợp tác với các cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài tại Việt Nam, các tổ chức như: JETRO (Nhật Bản), BOI (Thái Lan), KCCI (Hàn Quốc), IE (Singapore)... Các chính sách thu hút đầu tư ở thời điểm hiện tại cho thấy thành phố hướng đến thu hút các dự án đầu tư có nguồn nguyên liệu, nhiên liệu, sử dụng công nghệ sạch, công nghệ cao, tạo ra sản phẩm an toàn, không gây ô nhiễm môi trường, ít hao tốn nhiên liệu...

Tuy nhiên, theo nhìn nhận của đại diện Hiệp hội Các nhà đầu tư Đà Nẵng, môi trường đầu tư của Đà Nẵng đã tốt, nhưng tốt ở giai đoạn này chưa hẳn phù hợp trong tương lai. Vì vậy, thành phố cần xây dựng nền tảng cho môi trường đầu tư, từ đó liên tục cập nhật và điều chỉnh để hỗ trợ nhà đầu tư ngày càng tốt hơn. Bên cạnh đó, vấn đề quy hoạch cũng rất quan trọng, mọi định hướng kinh doanh, đầu tư của DN đều dựa trên quy hoạch tổng thể của địa phương. Quy hoạch có tầm nhìn và càng ổn định thì càng tốt cho nhà đầu tư. Một vấn đề quan trọng nữa là phải biết tận dụng những lợi thế đã và đang có như thương hiệu “Thành phố đáng sống”, “Bãi biển hấp dẫn nhất hành tinh”, “Hạ tầng tốt nhất Việt Nam”, “Thành phố sự kiện”... Tại Diễn đàn đầu tư Đà Nẵng 2017 hồi tháng 10 vừa qua, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ khẳng định, với chủ trương nhất quán trong thu hút đầu tư và tháo gỡ khó khăn cho DN, thành phố sẽ tiếp tục đồng hành với DN nhằm xây dựng môi trường đầu tư bền vững với lực lượng DN tự tin, đầy sức sống. Điều này góp phần tạo thêm nhiều cơ hội phát triển kinh tế, giảm nghèo, nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống của người dân.

Đà Nẵng phấn đấu trở thành điểm thu hút đầu tư lớn của khu vực miền Trung. Vì vậy, cũng tại Diễn đàn đầu tư Đà Nẵng 2017, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo Đà Nẵng nên nghiên cứu đề xuất đường bay thẳng từ châu Âu, Mỹ đến Đà Nẵng để biến Đà Nẵng thành trung tâm hội nghị quốc tế, trung tâm tài chính kinh doanh và công nghệ cũng như lan tỏa sang các tỉnh lân cận; đồng thời, phải vun đắp, bảo vệ các điều kiện tài nguyên và môi trường, giữ môi trường trong lành, bảo tồn các hệ sinh thái tự nhiên, kiểm soát chất lượng nguồn nước, không khí, quản lý chất thải…

Trong 10 tháng qua, Ban Ban Xúc tiến và hỗ trợ đầu tư thành phố đã làm việc trực tiếp hơn 140 đoàn với 700 lượt nhà đầu tư từ Nhật Bản, Úc, Hàn Quốc, Singapore, Hong Kong... Thành phố đã cấp quyết định chủ trương đầu tư cho 18 dự án với tổng mức đầu tư 20.770 tỷ đồng, trong đó có 4 dự án chưa khởi công với tổng vốn đầu tư 7.357 tỷ đồng, 14 dự án đã khởi công với tổng vốn đầu tư 13.413 tỷ đồng.

Đối với đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), đã trao giấy chứng nhận đầu tư cho 4 dự án với tổng vốn đầu tư gần 29 triệu USD; đồng thời đang xúc tiến 17 dự án với tổng vốn đầu tư dự kiến gần 600 triệu USD ở các lĩnh vực y tế, giáo dục, năng lượng, công nghệ thông tin, công nghiệp, logistics... Từ đầu năm đến nay, nhà đầu tư nước ngoài thực hiện góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp trong các tổ chức kinh tế ở 5 dự án với tổng vốn 60,1 tỷ đồng.

35.293 tỷ đồng là tổng vốn của 27 dự án dự kiến đầu tư vào Đà Nẵng. 27 dự án này được Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư tại Diễn đàn đầu tư Đà Nẵng 2017 ngày 15-10 vừa qua.

Bài và ảnh: THÀNH LÂN

;
.
.
.
.
.