Làm giàu từ nguồn vốn vay

.

Với sự hỗ trợ nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), nhiều thanh niên trên địa bàn huyện Hòa Vang đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển kinh tế hộ gia đình.

Chị Lê Thị Thủy đang chăm sóc vườn ươm cây giống.
Chị Lê Thị Thủy đang chăm sóc vườn ươm cây giống.

Chỉ tay về phía rừng keo lá tràm, chị Lê Thị Thủy (thôn Trung Nghĩa, xã Hòa Ninh) hồ hởi khoe, 11ha keo phát triển từ nguồn vốn vay NHCSXH đã chuẩn bị thu hoạch, nếu thuận lợi, mỗi héc-ta cũng cho tầm 60-70 triệu đồng (trừ chi phí).

Lập gia đình năm 2010, thời điểm ấy vợ chồng chị Thủy không có vốn làm ăn. Nhờ NHCSXH cho vay 25 triệu đồng, vợ chồng chị Thủy tập trung khai khẩn đất đai trồng trọt, ươm cây giống và trồng rừng. Khi mới bắt đầu làm, do chưa có kinh nghiệm nên mô hình ươm cây giống, chăn nuôi gặp nhiều khó khăn. Vừa học hỏi vừa sản xuất và chắt lọc kinh nghiệm, vợ chồng chị Thủy đã thành công với mô hình ươm cây, trồng trọt, chăn nuôi trên vùng đất khó khăn.

Từ hai bàn tay trắng, chị Thủy đã phát triển lên mô hình kinh tế trang trại với 11ha rừng keo lá tràm sắp cho thu hoạch, 20 con bò và hơn 250 con gà. Trang trại không chỉ đem lại thu nhập cao cho gia đình mà còn tạo được việc làm cho 3 lao động thường xuyên và 10 lao động thời vụ. Nguồn vốn vay đã giúp gia đình chị ổn định cuộc sống, vươn lên làm giàu.

Anh Lê Tiến (thôn Phước Thuận, xã Hòa Nhơn) cũng là một trong những thanh niên phát triển kinh tế gia đình hiệu quả từ nguồn vốn vay NHCSXH. Sinh ra trong gia đình khó khăn, sau khi tốt nghiệp THPT, anh Tiến trải qua nhiều công việc như nuôi tôm, làm công nhân... nhưng thu nhập không ổn định. Cuối cùng, anh Tiến quyết định quay về quê phát triển kinh tế bằng việc chăn nuôi. Mới đầu, anh tìm hiểu và đầu tư nuôi ếch bằng số vốn dành dụm được nhưng việc nuôi ếch không thành công do anh chưa làm chủ được kỹ thuật và thời tiết không thuận lợi. Anh Tiến lại tiếp tục học hỏi và chuyển sang mô hình nuôi heo kết hợp nuôi gà, vịt. Hằng ngày, anh Tiến đi thu gom thức ăn thừa tại các nhà hàng, tận dụng rau phế phẩm nông nghiệp để giảm bớt chi phí thức ăn. Khi mô hình phát triển khá ổn định, anh Tiến mạnh dạn vay vốn giải quyết việc làm từ NHCSXH với số tiền 20 triệu đồng để sửa lại chuồng trại, mua thêm heo giống, gà, vịt và thức ăn chăn nuôi. Không dừng lại, anh tiếp tục củng cố kỹ thuật, tái đầu tư để phát triển đàn heo. Đến nay, anh Tiến có hơn 50 con heo thịt, trên 150 con gà, vịt và 5 con bò. Giờ đây không phải đi làm xa, anh Tiến có thể ở nhà vừa phát triển kinh tế vừa có thời gian chăm lo cho 3 con đang tuổi ăn tuổi học và bố mẹ già yếu.

Theo NHCSXH huyện Hòa Vang, hiện ngân hàng cho gần 600 hộ vay hỗ trợ việc làm, duy trì và mở rộng việc làm. Ngoài ra, ngân hàng còn cho hơn 100 hộ vay theo chính sách hộ nghèo, hơn 460 hộ vay theo diện cận nghèo và hơn 350 hộ vay mới thoát nghèo. Ông Đoàn Ngọc Cẩm, Giám đốc NHCSXH huyện Hòa Vang nhìn nhận, các chương trình cho vay của ngân hàng đã khuyến khích người vay duy trì và mở rộng việc làm tại hộ gia đình. Người vay hầu hết trong độ tuổi lao động và ý thức trả nợ cao.

Bài và ảnh: THANH TÌNH

;
.
.
.
.
.