Nhiều cách làm kinh tế của phụ nữ nông thôn

.

Những năm qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Hòa Vang là đơn vị được đánh giá đã thực hiện khá thành công các mô hình phụ nữ làm kinh tế gia đình, nhờ đó nhiều hộ đã trở nên khấm khá.

Nhờ nuôi chim cút, chị Châu Thị Hoa ổn định kinh tế và truyền kinh nghiệm cho nhiều hội viên phụ nữ về mô hình này.
Nhờ nuôi chim cút, chị Châu Thị Hoa ổn định kinh tế và truyền kinh nghiệm cho nhiều hội viên phụ nữ về mô hình này.

Nhận thấy nuôi heo, gà hiệu quả kinh tế không cao, năm 2010, chị Châu Thị Hoa (Chi hội trưởng Phụ nữ thôn Nhơn Thọ 1, xã Hòa Phước) đã chuyển sang nuôi chim cút. Đến nay, trại của chị Hoa trên 5.000 con cút đẻ. Trại nuôi được xây dựng rất cơ bản, cách biệt với nhà ở khá xa. Chị cho biết, nếu không chuyển nhanh sang nuôi cút, có lẽ đến nay đời sống gia đình vẫn còn rất khó khăn. Sau khi trừ hết chi phí, ngày nào chị cũng thu được từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng từ bán trứng cút. Ngoài việc nuôi lấy trứng, chị còn tận dụng nguồn phân chim bán cho các nhà vườn bón cây để tăng thu nhập.

Sau khi nuôi chim cút thành công, chị Hoa đã “bật mí” kinh nghiệm cho nhiều hội viên phụ nữ trong thôn cùng phát triển mô hình này. Như chuồng trại phải cao ráo, thoáng mát về mùa hè, ấm về mùa đông và luôn sạch sẽ, 2 ngày phun tiêu độc khử trùng/lần và bảo đảm các quy định trong cung ứng nguồn sản phẩm “sạch” cho thị trường. Đến nay, trên địa bàn xã mô hình nuôi chim cút phát triển rất mạnh với trên 50 hộ phụ nữ nuôi chim cút. Hộ thấp nhất là 5.000 con, nhiều nhất là trên 10.000 con. Nhận thấy mô hình này rất hiệu quả trong việc giúp chị em thoát nghèo, những năm qua, Hội LHPN huyện và Hội LHPN xã đã tín chấp cho hội viên vay vốn từ các nguồn. Tại các chi hội đã thành lập các mô hình góp vốn quay vòng, giúp chị em có nguồn vốn ổn định để đầu tư nuôi chim cút, phát triển kinh tế gia đình.

Chị Lê Thị Yến, Chủ tịch Hội LHPN xã Hòa Phước cho biết, mô hình phụ nữ liên kết nuôi cút thương phẩm và lấy trứng đã và đang là thế mạnh kinh tế của phụ nữ xã Hòa Phước. Hiện tại, Hội LHPN xã tiếp tục nhân rộng mô hình này ra một số thôn khác, hướng đến giúp nhiều hộ phụ nữ trên địa bàn có việc làm ổn định, thoát nghèo, vươn lên khá.

Ngoài chăn nuôi, phát triển các mô hình cây ăn trái cũng được phụ nữ địa phương chú trọng. Trên mảnh đất khô cằn, bỏ hoang nhiều năm, chị Phạm Thị Kiêm (xã Hòa Sơn) đã nỗ lực khai hoang trồng cây chanh không hạt, còn gọi là chanh tứ quý. Thời gian đầu, chưa có kinh nghiệm nên chanh ít quả. Sau đó, nhờ học được kỹ thuật chăm bón, vườn chanh của chị luôn sai quả và cho quả quanh năm. Trung bình một năm, mỗi gốc cây chanh không hạt cho thu trái từ 50 đến 100kg, mang lại thu nhập ổn định cho gia đình. Ngoài vườn chanh không hạt, chị Kiêm hiện còn trồng thêm 60 cây bưởi. Nếu cố gắng chăm bón, 2 năm sau, vườn bưởi này sẽ đem lại thu nhập khá. Từ vốn tích lũy, chị Kiêm còn mạnh dạn đầu tư nuôi gà, vịt, trồng rau, để cải thiện bữa ăn gia đình và tăng thêm thu nhập.

“Nhờ vườn chanh này, tôi có thu nhập ổn định, nuôi con cái trưởng thành và xây được ngôi nhà mới khang trang. Nói thật, nếu cách đây 10 năm, đó là điều tôi có mơ cũng không được”, chị Kiêm phấn khởi nói.

Bà Lê Huyền Trâm, Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện cho biết, giải quyết việc làm và nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế hiệu quả được Hội chú trọng. Năm 2017, nhiều mô hình được triển khai như: Tổ hợp tác phụ nữ trồng rau an toàn Giáng Nam 1” tại xã Hòa Phước, “Tổ hợp tác dịch vụ nấu cỗ Hòa Khương” tại xã Hòa Khương, “Tổ hợp tác trồng hoa thôn 5” tại xã Hòa Ninh... Ngoài ra, từ công trình “Mỗi hố rác, một cây xanh” đã hình thành nên các “Vườn trái cây tập trung” vừa giúp phụ nữ phát triển kinh tế, bước đầu hình thành các vườn trái cây phục vụ du lịch sinh thái tại huyện nhà.

Bài và ảnh: HÀ THU

;
.
.
.
.
.