Công nghiệp gặp khó

.

Năm 2017, mặc dù giá trị sản xuất công nghiệp đạt 50.248 tỷ đồng, tăng trưởng (8,8%) so với năm 2016 nhưng theo nhìn nhận từ Sở Công thương, kết quả này chưa đúng với kỳ vọng của thành phố. Ngành công nghiệp của Đà Nẵng vẫn còn nhiều khó khăn như: thiếu mặt bằng, chưa thu hút được nhiều dự án đầu tư quy mô lớn, chưa được quan tâm đúng mức, nhiều phân ngành giảm sút so với năm 2016...

Một số doanh nghiệp của thành phố hoạt động trong ngành công nghiệp phải giải thể vì không chịu nổi áp lực cạnh tranh.  (Ảnh chụp tại nhà máy Tân Long thuộc Công ty TNHH Kiến trúc và thương mại Á Châu, đơn vị chuyên sản xuất - kinh doanh giấy và bao bì từ giấy. (Ảnh mang tính minh họa)Ảnh: KHÁNH HÒA
Một số doanh nghiệp của thành phố hoạt động trong ngành công nghiệp phải giải thể vì không chịu nổi áp lực cạnh tranh. (Ảnh chụp tại nhà máy Tân Long thuộc Công ty TNHH Kiến trúc và thương mại Á Châu, đơn vị chuyên sản xuất - kinh doanh giấy và bao bì từ giấy. (Ảnh mang tính minh họa)Ảnh: KHÁNH HÒA

Ông Hà Ngọc Thống, Giám đốc Công ty TNHH Kiến trúc và thương mại Á Châu - đơn vị gần 20 năm hoạt động trong ngành sản xuất giấy và bao bì cho biết, chưa có thời điểm nào mà ngành sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy gặp khó khăn như năm 2017.

Lần đầu tiên sau gần 2 thập kỷ, giá nguyên liệu đầu vào tăng hơn 40% đã tạo sức ép lớn lên doanh nghiệp. Nhiều đơn vị trên cả nước nói chung, Đà Nẵng nói riêng vì  không đủ nội lực để cạnh tranh về giá cả và chi phí đã tuyên bố phá sản hoặc chuyển sang kinh doanh ở ngành, nghề khác.

Tuy nhiên, theo ông Thống, đây không phải là điều quá bất ngờ vì từ 3-4 năm trước, họ đã được cảnh báo từ Hiệp hội giấy và bột giấy Việt Nam cũng như các chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước. “Chúng tôi đứng trước 2 lựa chọn: sẵn sàng thay đổi để thích nghi, hoặc bỏ nghề.

Sau năm 2017 đầy biến động và thử thách đã cho thấy một thực tế là nhiều doanh nghiệp hoạt động trong ngành công nghiệp ở Đà Nẵng quy mô còn nhỏ, nội lực yếu nên sức cạnh tranh thấp. Đến thời điểm này, những ai còn trụ vững đã chứng minh được nội lực của chính mình.

Năm qua, doanh thu của chúng tôi đạt 230 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận chiếm khoảng 1%, nộp ngân sách Nhà nước 14,4 tỷ đồng. Năm 2018 được dự đoán là năm khởi sắc hơn với ngành giấy, riêng công ty chúng tôi tin tưởng sẽ đạt được kết quả tích cực sau một vài năm đầu tư nâng cấp hệ thống máy móc và đến nay đã đi vào guồng sản xuất chuyên nghiệp”, ông Thống nói.

Ở khía cạnh khác, ông Lê Đức Hoài, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại - dịch vụ và sản xuất Huỳnh Đức (gọi tắt là Công ty Huỳnh Đức) cho rằng, trong khi doanh nghiệp gặp nhiều áp lực cạnh tranh thì ngành công nghiệp hỗ trợ tại Đà Nẵng vẫn còn yếu, sự hỗ trợ từ thành phố chưa có nhiều vượt trội và hấp dẫn so với nhiều địa phương khác; thành phố cũng chưa thu hút được nhiều nhà đầu tư lớn vào ngành công nghiệp nên những doanh nghiệp như Công ty Huỳnh Đức ít khai thác được bạn hàng lớn ngay tại địa bàn thành phố.

Hiện nay, đơn vị chủ yếu ký kết hợp đồng với các đối tác Nhật Bản, Mỹ, châu Âu và một số doanh nghiệp FDI ở các địa phương khác trên cả nước. Ông Hoài cho rằng, thời gian qua, mặc dù thành phố hỗ trợ cho doanh nghiệp về vốn, mặt bằng, công nghệ… nhưng còn quá ít, bản thân doanh nghiệp chủ yếu phải tự chủ động.

Để khai thác khách hàng, nâng cao năng lực cạnh tranh, hằng năm, Công ty TNHH Thương mại - dịch vụ và sản xuất Huỳnh Đức đầu tư hơn 1,5 triệu USD nhằm mua sắm và cải tiến máy móc thiết bị.

Báo cáo từ Sở Công thương cho thấy, năm 2017, bên cạnh các ngành có chỉ số sản xuất công nghiệp tăng so với năm cũ như công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9%; khai khoáng tăng 25,5%; sản xuất và phân phối điện tăng 11,8%; cung cấp nước, quản lý và xử lý rác, nước thải tăng 10,4%... thì có 6 phân ngành giảm gồm: giày da giảm 11%, sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy giảm 6,7%, in ấn giảm 4,2%, dệt giảm 2,5%, sản xuất vật liệu xây dựng giảm 2,1%, sản xuất phương tiện khác (trừ ô-tô) giảm 0,27%.

Nguyên nhân chủ yếu dẫn tới sự sụt giảm ở 6 phân ngành này là do năng lực cạnh tranh thấp, khó khăn về thị trường tiêu thụ (đơn hàng giảm), hoặc do cơ cấu lại sản xuất (Công ty Sasaki Việt Nam thuộc phân ngành dệt đang giảm dần sản xuất tại Đà Nẵng để tập trung cho sản xuất tại tỉnh Quảng Nam).

Mặc dù tổng tỷ trọng của 6 phân ngành này chỉ chiếm khoảng 12,5% cơ cấu tổng giá trị sản xuất công nghiệp thành phố nhưng cho thấy ngành công nghiệp Đà Nẵng đang đứng trước những khó khăn, cần được quan tâm hơn nữa nhằm tăng sức cạnh tranh trong xu thế hội nhập.

“Tôi mong với chủ đề năm 2018 là “Năm đẩy mạnh thu hút đầu tư”, Đà Nẵng sẽ có thêm nhiều nhà đầu tư lớn vào ngành công nghiệp để các doanh nghiệp hoạt động ở ngành công nghiệp hỗ trợ như chúng tôi có “mảnh đất màu mỡ” nhằm khai thác và phát triển. Chúng tôi cũng dự đoán với những động thái vừa qua của thành phố, năm 2018 kỳ vọng sẽ là năm thuận lợi và khả quan hơn cho cộng đồng doanh nghiệp”, ông Hoài nói.

Đồ họa: THANH HUYỀN
Đồ họa: THANH HUYỀN

Đồng quan điểm, ông Hà Ngọc Thống cũng kỳ vọng, trong năm 2018, thành phố sẽ có sự quan tâm hơn nữa đến ngành công nghiệp nhằm tạo niềm tin và chỗ dựa cho doanh nghiệp trong việc mạnh dạn đầu tư sản xuất, mở rộng quy mô đơn vị nhằm tăng sức mạnh nội lực, vững tin hơn trước sức ép cạnh tranh khốc liệt của thị trường.

Nhìn nhận về những khó khăn của ngành công nghiệp trong vài năm trở lại đây, bà Nguyễn Thị Thúy Mai, Phó Giám đốc Sở Công thương cho hay, thời gian qua, cơ cấu kinh tế của thành phố tập trung vào lĩnh vực thương mại - dịch vụ - du lịch…; chính sách ưu tiên, ưu đãi đối với ngành công nghiệp không có gì hấp dẫn, thu hút hơn những địa phương khác; quỹ đất cho công nghiệp hết sức hạn hẹp, thậm chí giá thuê đất còn cao hơn một số tỉnh, thành.

Thu hút đầu tư vào công nghiệp của Đà Nẵng không nhiều, quy mô dự án không lớn, Đà Nẵng không có những thương hiệu lớn trong ngành công nghiệp. Lũy kế từ đầu năm đến nay, các khu công nghiệp và khu công nghệ cao của thành phố đã thu hút được 32 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký 1.700 tỷ đồng, trong đó có 11 dự án FDI có tổng vốn trên 1.021 tỷ đồng (53,28 triệu USD), chiếm trên 60% tổng vốn thu hút.

Dù vậy, bà Nguyễn Thị Thúy Mai bày tỏ, thành phố đã có những nhìn nhận lại đối với vai trò của ngành công nghiệp, nhất là đóng góp quan trọng vào ngân sách Nhà nước. Năm 2017, thành phố đề xuất lên Chính phủ thành lập 3 khu công nghiệp (KCN) mới gồm: KCN Hòa Nhơn, KCN Hòa Ninh và KCN Hòa Cầm giai đoạn 2 với tổng diện tích trên 1.000ha và một vài cụm công nghiệp.

Để giải quyết những khó khăn mà ngành công nghiệp đang gặp phải, theo bà Mai, trong thời gian tới, ngoài giải bài toán về quỹ đất, thành phố cần đề xuất và có cơ chế chính sách nhằm tăng cường thu hút đầu tư, trong đó có đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là thủ tục về đất đai nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, tạo nét hấp dẫn trong thu hút đầu tư; tăng nguồn lực đầu tư cho ngành công nghiệp. Tập trung triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ đã ban hành như chính sách phát triển thương hiệu, chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ, chính sách đổi mới và phát triển công nghệ…

KHÁNH HÒA

;
.
.
.
.
.
.