Không để ngư dân khai thác hải sản bất hợp pháp

.

Chỉ còn vài tháng để Việt Nam nỗ lực khắc phục “thẻ vàng” do Liên minh châu Âu (EU) áp dụng cảnh báo đối với sản phẩm hải sản xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường khu vực này do việc khai thác thủy sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU).

Nếu đến ngày 23-4-2018, Việt Nam không khắc phục được những thiếu sót, tồn tại theo 9 khuyến nghị của EU thì sẽ bị chuyển sang cảnh báo “thẻ đỏ”, đồng nghĩa việc bị cấm xuất khẩu các mặt hàng hải sản sang EU.

Ngư dân Đà Nẵng được tuyên truyền không đánh bắt tại các vùng biển nước ngoài. Ảnh: HOÀNG HIỆP
Ngư dân Đà Nẵng được tuyên truyền không đánh bắt tại các vùng biển nước ngoài. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Theo Tổng cục Thủy sản, từ năm 2010 đến nay, Việt Nam có 1.340 tàu cá với 11.028 ngư dân vi phạm đánh bắt hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài (Úc, Philippines, Indonesia, Malaysia…) bị bắt giữ, xử lý. Các tỉnh có tàu cá và ngư dân bị bắt giữ nhiều gồm: Kiên Giang, Quảng Ngãi, Bà Rịa-Vũng Tàu, Cà Mau, Bình Định, Bến Tre, Bình Thuận, Khánh Hòa, Phú Yên, Tiền Giang.

Trao đổi với phóng viên, nhiều chủ tàu cá của Đà Nẵng cho rằng, tất cả tàu của Đà Nẵng đều đánh bắt hải sản bằng nghề câu, lưới, không hoạt động nghề lặn. Nhiều tàu của các tỉnh khác hoạt động nghề lặn để đánh bắt bào ngư và một số loại hải sản nên tàu phải tiến đến hoạt động ở các đảo, gần đảo đang tranh chấp hoặc thuộc chủ quyền của nước ngoài…

“Tàu cá của các tỉnh bị các nước bắt giữ nhiều do hoạt động trái phép thường rơi vào các tàu, nhóm tàu hoạt động nghề lặn. Tàu của Đà Nẵng chủ yếu đánh lưới, câu trên mặt biển nên cũng không lại gần các đảo, nhóm đảo đang tranh chấp hoặc thuộc chủ quyền của nước khác.

Trong thời gian qua, chúng tôi cập nhật thông tin, tình hình về khắc phục “thẻ vàng” và tuyệt đối không khai thác hải sản bất hợp pháp, nhất là khai thác ở vùng biển thuộc chủ quyền của nước ngoài”, ông Trần Văn Mười (quận Sơn Trà), chủ tàu cá ĐNa 90777 TS cho biết.

Thực hiện Chỉ thị số 45/CT-TTg ngày 13-12-2017 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để khắc phục cảnh báo của EU chống IUU, trong thời gian qua, các đơn vị liên quan phối hợp với chính quyền các địa phương tuyên truyền các quy định đến chủ tàu cá.

Bộ đội Biên phòng thành phố đã nhắc nhở, hướng dẫn ngư dân chấp hành các quy định của pháp luật trên biển, nâng cao ý thức bảo vệ chủ quyền vùng biển và không xâm phạm vùng biển của các nước…

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết đã tuyên truyền, quán triệt các chủ tàu cá khai thác trên biển không khai thác thủy sản mà không có giấy phép khai thác thủy sản, hoặc khai thác không đúng nội dung quy định trong giấy phép khai thác thủy sản; không ghi, nộp nhật ký hoặc báo cáo khai thác thủy sản theo quy định; khai thác trong vùng cấm khai thác trong thời gian cấm khai thác; khai thác, vận chuyển hoặc đưa lên tàu các loài thủy sản cấm khai thác; sử dụng loại nghề, ngư cụ khai thác bị cấm hoặc không đúng quy định; khai thác trong vùng biển thuộc quyền quản lý của tổ chức quản lý nghề cá khu vực và quốc gia khác mà không có giấy phép khai thác hợp lệ… Các trường hợp vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định.

Đối với các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản, Sở NN&PTNT yêu cầu lập hồ sơ đề nghị chứng nhận thủy sản khai thác, xác nhận nguyên liệu thủy sản khai thác theo đúng quy định; đồng thời, không thu mua các sản phẩm thủy sản khai thác có nguồn gốc từ các tàu cá có hoạt động khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định.

Ngoài ra, Chi cục Thủy sản thành phố không xác nhận khi lô hàng có nội dung không đúng với kê khai trong giấy xác nhận nguyên liệu thủy sản khai thác hoặc sử dụng nguyên liệu từ tàu cá khai thác bất hợp pháp; không chứng nhận khi lô hàng có nội dung không đúng với kê khai trong hồ sơ hoặc sử dụng nguyên liệu từ tàu cá khai thác bất hợp pháp.

Bài và ảnh: NAM TRÂN

;
.
.
.
.
.
.