Niềm vui mùa kiệu

.

Mỗi năm, vào vụ đông xuân, nhiều người dân ở xã Hòa Nhơn (huyện Hòa Vang) lại bắt tay trồng kiệu. Đến nay, mùa thu hoạch đã sẵn sàng để phục vụ nhu cầu tiêu thụ trong dịp Tết. Công việc này cũng giúp tăng thu nhập đáng kể cho người dân nơi đây.

Chị Luyện trồng kiệu trên những khu đất trống gần nhà.  Trong ảnh: Hội Liên hiệp Phụ nữ cơ sở và Ban công tác Mặt trận thôn tìm hiểu về việc trồng kiệu của chị Luyện.
Chị Luyện trồng kiệu trên những khu đất trống gần nhà. Trong ảnh: Hội Liên hiệp Phụ nữ cơ sở và Ban công tác Mặt trận thôn tìm hiểu về việc trồng kiệu của chị Luyện.

Tại thôn Thạch Nham Đông, chị Nguyễn Thị Luyện (44 tuổi) có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Chồng mất khi con mới tròn 1 tuổi, một mình chị nuôi con nhỏ và cha già bệnh tật nằm một chỗ. Nhà có 2 sào ruộng nhưng những năm gần đây mạch nước nguồn chảy từ đỉnh núi xuống bị phá vỡ, nước không còn chảy theo khe cũ để xuống chứa tại đập Hố Như, vì vậy ruộng bỏ hoang.

Chị phải mưu sinh bằng nghề thu gom nhựa phế liệu, làm thuê, chăn nuôi bò… Mấy năm gần đây, địa phương đã tạo điều kiện cho chị trồng kiệu trên những khu đất trống gần nhà.

“Tôi bắt đầu trồng từ tháng 8. Đến nay, thu hoạch dần và bán từng bó nhỏ, mỗi bó chỉ 20.000 đồng, còn lại chủ yếu bán vào dịp gần Tết, được giá hơn. Sau khi trừ chi phí, kiếm được khoảng 3-4 triệu đồng. Số tiền tuy không lớn nhưng rất quý, đặc biệt trong dịp Tết cần nhiều chi tiêu”, chị Luyện chia sẻ.

Tương tự, chị Yến (52 tuổi, thôn Thạch Nham Tây) cho biết, với đặc tính chịu hạn, ít bị sâu bệnh, mùa kiệu giúp chị kiếm thêm thu nhập. Vụ đông xuân năm nay, chị Yến trồng khoảng 250m2 trên các vùng đồi. Theo chị Yến, trồng khoảng 5 tháng thì cho thu hoạch, nếu được giá vào dịp Tết sẽ kiếm được khoảng gần chục triệu đồng.

Bà Ngô Thị Kim Tuyến, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Hòa Nhơn cho biết, nhờ trồng kiệu, nhiều hội viên phụ nữ trên địa bàn xã có thêm nguồn thu nhập. Hội LHPN cơ sở phối hợp Ban công tác Mặt trận thôn động viên các hộ phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn tận dụng đất bỏ hoang để trồng kiệu, đặc biệt ở những địa phương có đất khô cằn, không thể trồng các loại cây khác ngoài kiệu như Thạch Nham Đông, Thạch Nham Tây, Phước Thuận.

“Không để hoang đất đai, các chị tận dụng trồng kiệu, tăng thu nhập cho gia đình. Đối với những địa phương có thổ nhưỡng tốt, chúng tôi vận động trồng rau sạch, giá đỗ, chăn nuôi… Khi đất nông nghiệp bị thu hẹp, cần phải nghĩ đến những mô hình kinh tế phù hợp, cải thiện đời sống phụ nữ”, chị Tuyến nói.

Ông Trần Văn Thu, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Nhơn cho biết, bên cạnh những hộ gia đình trồng kiệu nhỏ lẻ, từ năm 2016, toàn xã đã triển khai dự án “Phục hồi nghề làm kiệu Hương”, đến nay đã là vụ thứ 3 (mỗi năm được 2 vụ, 4 tháng/vụ). Vụ thứ 3 này có quy mô gần 1,1ha với sự tham gia của 33 hộ. Các hộ được xã hỗ trợ 100% giống kiệu, 30% phân bón và cử cán bộ kỹ thuật xuống hướng dẫn tận tình cho bà con trong quá trình gieo trồng cũng như chăm sóc, thu hoạch.

“Qua quan sát, chúng tôi thấy rằng trồng kiệu cho năng suất và thu nhập cao hơn cây lúa. Một sào kiệu (tương đương 500m2) thu khoảng 45-50 triệu đồng (nếu trúng mùa) hoặc 30-35 triệu đồng (vụ bình thường). Sau khi trừ chi phí sẽ thu được lợi nhuận khoảng 20 triệu đồng. Con số này cao gấp 4-5 lần so với trồng lúa trên diện tích tương tự. Hơn nữa, trồng kiệu tốn ít chi phí cho nguồn giống và lại dễ trồng, dễ chăm sóc, năng suất cao. Với những vùng đất gò đồi, bạc màu, cằn cỗi thì chỉ có cây kiệu tồn tại được”, ông Thu phân tích.

Cũng theo ông Thu, thời gian tới xã sẽ vận động nhiều người dân tham gia mô hình trồng kiệu thay vì trồng manh mún như những năm qua. Tương lai, không chỉ Hòa Nhơn mà sẽ còn nhiều địa phương khác trên địa bàn huyện Hòa Vang áp dụng mô hình trồng kiệu để vừa cải thiện chất lượng cuộc sống vừa có thể qua đó giới thiệu một món ăn đặc trưng hương vị quê hương đến người tiêu dùng của thành phố và trên cả nước.

Bài và ảnh: HÀ THU

;
.
.
.
.
.
.