Thanh niên làm kinh tế giỏi

.

Từ đồng vốn ít ỏi, nhiều đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) có ý tưởng, cách làm hay, từng bước vươn lên ổn định cuộc sống, trở thành thanh niên tiêu biểu làm kinh tế giỏi của địa phương.

Chị Tâm đang sắp xếp lại những lô vải mới nhập về cửa hàng.
Chị Tâm đang sắp xếp lại những lô vải mới nhập về cửa hàng.

Vừa xếp lại lô vải mới nhập từ Thành phố Hồ Chí Minh, chị Nguyễn Lê Hạnh Tâm (sinh năm 1985), chủ cửa hàng vải Hoàng Tâm; đồng thời là Bí thư Đoàn Thanh niên phường Hòa Khê (quận Thanh Khê) chia sẻ, năm 2013, khi vừa lập gia đình, chị là Phó Bí thư Đoàn Thanh niên phường. Công việc ổn định nhưng kinh tế còn khó khăn, chị tính chuyện làm thêm ngoài giờ hành chính để cải thiện thu nhập, ý tưởng mở cửa hàng vải đến từ đó. “Lúc đầu tôi chỉ có 30 triệu đồng vốn từ tiền tích cóp nhưng cũng “đánh liều” kinh doanh. Trong quá trình mở cửa hàng, do mới làm ăn nên tôi gặp không ít khó khăn. Mặt hàng vải rất nhiều loại, tôi lại không chuyên nên việc phân biệt vải tốt, vải chưa tốt có lúc còn nhầm lẫn. Rồi tôi lên mạng tìm hiểu thông tin, mẫu mã mới, trong quá trình bán chú ý học hỏi kinh nghiệm nên dần ổn định hơn”, chị Tâm chia sẻ.

Hiện cửa hàng vải Hoàng Tâm không những bán tại chỗ mà còn cung cấp cho nhiều tiểu thương ở các chợ. Không dừng lại, chị Tâm tìm hiểu các mẫu thiết kế, tận dụng vải để may đồ trẻ em. Với mô hình kinh tế này, chị Tâm đã tạo được việc làm cho 2-3 ĐVTN có hoàn cảnh khó khăn…

Anh Lê Ngọc Tú (SN 1986), phường Thọ Quang, quận Sơn Trà cũng là một ĐVTN mạnh dạn khởi nghiệp và thành công. Anh Tú sinh ra trong một gia đình khó khăn, bố làm nghề biển, mẹ làm nước mắm và bán cá. Năm 2009, với đồng vốn ít ỏi, vợ chồng anh Tú vay mượn thêm từ bạn bè, gia đình và Ngân hàng Chính sách Xã hội quận Sơn Trà để mở cơ sở sản xuất nước lọc tinh khiết mang nhãn hiệu “Rin Rin”. Anh Tú cho biết, tại phường Thọ Quang, nhiều hộ dân vẫn còn sử dụng nước giếng phục vụ sinh hoạt. Gia đình nào có điều kiện thì mua bình lọc về sử dụng, còn lại dùng trực tiếp hoặc để lắng cặn bằng cách bơm lên bồn. Thấy nguồn nước của người dân sử dụng chưa bảo đảm vệ sinh nên anh Tú nghĩ đến việc mở công ty sản xuất nước tinh khiết.

Thời gian đầu, công ty anh Tú gặp không ít khó khăn do chưa có thị trường, kinh nghiệm và thiếu nhân lực. Qua thời gian tìm hiểu thị trường, học hỏi kinh nghiệm từ những công ty lớn, hiện trung bình mỗi ngày công ty anh Tú cung cấp ra thị trường 200-300 bình nước loại 20 lít và khoảng 500 chai nước 350ml. Không những đủ trang trải cuộc sống, vợ chồng anh Tú còn giải quyết việc làm cho khoảng 10 lao động là ĐVTN có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn. Ngoài phát triển kinh tế, anh Tú còn là một ĐVTN tích cực tham gia các hoạt động do địa phương phát động, luôn sẵn sàng giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm làm ăn cho những thanh niên có ý tưởng và muốn phát triển các mô hình sản xuất kinh doanh.

Bài và ảnh: THANH TÌNH

;
.
.
.
.
.
.