Đà Nẵng thật sự hấp dẫn nhà đầu tư

Bài 4: 2018 - năm "mở" thu hút đầu tư

.

Để hoàn thành mục tiêu đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 phấn đấu trở thành trung tâm du lịch, dịch vụ chất lượng cao và công nghệ cao của Việt Nam, đồng thời đóng vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển đô thị quốc gia, ngoài nỗ lực nội tại, Đà Nẵng rất cần sự chung tay góp sức của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Với kỳ vọng đó, thành phố đặc biệt quan tâm, ban hành nhiều chính sách ưu đãi vượt trội để thu hút nhà đầu tư.

Công nhân làm việc tại Công ty Tokyo Keiki Precision Technology, Khu Công nghệ cao Đà Nẵng. 									Ảnh: KHANG NINH
Công nhân làm việc tại Công ty Tokyo Keiki Precision Technology, Khu Công nghệ cao Đà Nẵng. Ảnh: KHANG NINH

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Kỳ Minh cho biết, đến năm 2020, Đà Nẵng phấn đấu thực hiện thành công 3 đột phá về phát triển kinh tế- xã hội, gồm: phát triển các ngành dịch vụ, nhất là du lịch, thương mại; tập trung thu hút đầu tư vào công nghiệp - công nghệ cao (CNC), công nghệ thông tin (CNTT); đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ và có trọng điểm; xây dựng và phát triển văn hóa, văn minh đô thị, xây dựng thành phố môi trường; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho cả khu vực công lẫn khu vực tư nhân.

Theo đó, thành phố đã ban hành và công khai danh mục 68 dự án trọng điểm kêu gọi đầu tư trong giai đoạn 2017-2020. Trong đó, lĩnh vực y tế có 5 dự án; du lịch, dịch vụ, thương mại: 9 dự án; nông nghiệp ứng dụng CNC: 7 dự án; đầu tư cơ sở hạ tầng: 17 dự án; công nghiệp - CNC: 22 dự án và lĩnh vực môi trường: 3 dự án.

Thành phố cũng đã rà soát, lựa chọn danh mục các địa điểm đầu tư phù hợp để giới thiệu, kêu gọi các dự án đầu tư; xem xét đưa ra giá thuê đất tham khảo để tạo thuận lợi cho nhà đầu tư tính toán chi phí đầu tư. Mặt khác, tổ chức hiệu quả các đoàn xúc tiến đầu tư, tiếp cận nhà đầu tư chiến lược tại các thị trường trọng điểm như: Nhật Bản - Hàn Quốc; Singapore - Úc; Mỹ - Canada; châu Âu...

Ngoài ra, thông tin kết cấu hạ tầng đô thị, hướng dẫn thủ tục các dự án PPP phục vụ kêu gọi đầu tư, như dự án nâng cấp và mở rộng cảng Tiên Sa giai đoạn 2, dự án cảng Liên Chiểu, dự án di dời nhà ga đường sắt Đà Nẵng, trung tâm logistics; dự án khu liên hợp xử lý chất thải rắn... đã và đang được hoàn thiện.

Theo Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư, thành phố đã chính thức ban hành “bộ tiêu chí” với hàng loạt cơ chế ưu đãi lớn, tập trung chủ yếu về hỗ trợ đất đai (tiền thuê và sử dụng đất), thuế doanh nghiệp (DN), vay vốn, xây nhà ở công nhân, đào tạo nguồn nhân lực chất luợng cao… Các lĩnh vực, khu vực được chú trọng như Khu CNC, Khu CNTT tập trung, công nghiệp hỗ trợ, xuất khẩu phần mềm, giáo dục - y tế, nông nghiệp ứng dụng CNC, phát triển cầu tàu du lịch và hỗ trợ đổi mới công nghệ.

Đối với các dự án đầu tư vào Khu CNC từ ngày 20-2-2018 được hỗ trợ tiền thuê đất, ưu đãi thuế thu nhập, thuế nhập khẩu, tín dụng và nhiều chính sách ưu đãi khác, theo Nghị định 04/2018/NĐ-CP của Chính phủ (gọi tắt là Nghị định 04) quy định cơ chế, chính sách ưu đãi đối với Khu CNC Đà Nẵng.

Ông Phùng Tấn Viết, Trưởng ban Quản lý Khu CNC Đà Nẵng cho rằng, cùng với Nghị định 04, bộ danh mục các ưu đãi vượt trội do thành phố triển khai sẽ giải phóng tiềm năng phát triển của Khu CNC Đà Nẵng.

Hơn nữa, trong bối cảnh hiện nay của thành phố, Nghị định 04 sẽ giúp giải tỏa nhiều vấn đề và là cơ hội để thành phố thực hiện thành công chủ đề của năm 2018 - “Năm đẩy mạnh thu hút đầu tư”, phát triển khu phía tây thành phố thành “đô thị công nghiệp CNC”.

“Với lợi thế này, năm 2018, chúng tôi đã xây dựng kế hoạch tăng tốc thu hút đầu tư vào Khu CNC và được UBND thành phố phê duyệt. Chúng tôi đặt mục tiêu thu hút được 4-5 dự án với tổng giá trị 70-80 triệu USD. Mục tiêu là như vậy nhưng chúng tôi kỳ vọng và có cơ sở để kỳ vọng sẽ đưa được 7-8 dự án với giá trị 150-200 triệu USD về Khu CNC”, ông Phùng Tấn Viết nói.

Đặc biệt, lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao được thành phố chú trọng với các cơ chế hỗ trợ về giới thiệu nguồn nhân lực có chất lượng đối với DN; hỗ trợ kinh phí đào tạo nghề cho người lao động 500.000 đồng/người/ tháng, không quá 50 lao động/nhà đầu tư, thời gian đào tạo không quá 3 tháng/người với các DN có dự án đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ...

Ông Lê Minh Phúc, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Khu du lịch biển VinaCapital Đà Nẵng cho rằng, việc ban hành cơ chế ưu đãi đối với đào tạo nguồn lực chất lượng cao thể hiện tầm nhìn chiến lược của thành phố vì không chỉ tạo ra lợi thế về lâu dài cho Đà Nẵng trong việc đáp ứng nhu cầu lao động và định hướng phát triển của thành phố mà còn góp phần đưa Đà Nẵng trở thành cái “nôi” cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng cho cả khu vực miền Trung, nhất là các tỉnh, thành lân cận như Quảng Nam, Quảng Ngãi…

Ông Phan Hải, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Đà Nẵng chia sẻ: “Việc thành phố nhanh chóng ban hành cụ thể các cơ chế ưu đãi vượt trội, nhằm tăng cường thu hút đầu tư cũng như hỗ trợ DN là kịp thời. Tuy vậy, cần quan tâm hơn nữa đến DN trong nước bởi thời gian qua, chính quyền triển khai nhiều chính sách hỗ trợ DN nước ngoài, nhưng lại còn nhiều ràng buộc đối với DN địa phương. Điều quan trọng nhất vẫn là ổn định lòng tin cho DN trụ vững và phát triển”.

Ông Nguyễn Kỳ Anh, Phó Giám đốc Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư thành phố cho biết, trước mắt, trong năm 2018, thành phố đẩy mạnh xúc tiến một số dự án trọng điểm có tác động đến việc phát triển kinh tế-xã hội để tiến tới cấp phép đầu tư. Thành phố tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các dự án trên địa bàn mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh, tăng vốn đầu tư. Bên cạnh đó, Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư tích cực tiếp cận các nhà đầu tư chiến lược, tìm kiếm các dự án tiềm năng làm cơ sở cho hoạt động xúc tiến đầu tư và cấp phép đầu tư trong những năm tiếp theo.

KHÁNH HÒA - THÀNH LÂN - KHANG NINH

;
.
.
.
.
.
.