Đà Nẵng thực sự thu hút nhà đầu tư

Bài cuối: Đi tìm giải pháp đột phá

.

Để việc thu hút đầu tư đạt hiệu quả, bên cạnh việc tăng cường quảng bá bên ngoài, Đà Nẵng còn phải chuẩn bị chu đáo từ bên trong. Trong đó, việc nâng cao năng lực doanh nghiệp địa phương có ý nghĩa rất quan trọng. Ngoài ra, thành phố còn phải giải quyết triệt để những vướng mắc lâu nay.

Vấn đề nhân lực là bài toán cần có lời giải để Đà Nẵng thu hút đầu tư mạnh mẽ hơn nữa. Ảnh: THÀNH LÂN
Vấn đề nhân lực là bài toán cần có lời giải để Đà Nẵng thu hút đầu tư mạnh mẽ hơn nữa. Ảnh: THÀNH LÂN

Giải bài toán công  nghiệp phụ trợ và nhân lực

Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Đặng Việt Dũng nhìn nhận, trong nhiều năm qua, Đà Nẵng phải đối mặt với bài toán làm thế nào để tiếp thu tối đa lợi ích mà việc thu hút đầu tư đem lại, chứ không chỉ dừng ở những con số tổng dự án, tổng vốn thu hút. Một trong những mục đích của thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chính là kỳ vọng được chuyển giao công nghệ. Điều này mang ý nghĩa đặc biệt quan trọng, góp phần phát triển nội lực địa phương, giúp nhanh chóng rút ngắn khoảng cách với các nước phát triển.

Tuy nhiên, ông Đặng Việt Dũng đánh giá, trên thực tế, Đà Nẵng đã từng rơi vào tình huống thu hút đầu tư xong, đến khi nhà đầu tư hoàn thành công việc và rút vốn thì thành phố chẳng còn lại gì. Lý do chính của thực trạng này là năng lực doanh nghiệp (DN) địa phương còn thấp. Tại buổi nói chuyện chuyên đề do Ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng tổ chức vào cuối tháng 2 vừa qua, Chủ tịch Phòng Thương mại – Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc cho biết, đây gần như là vấn đề chung của cả nước, khi khu vực FDI như một “ốc đảo” trong nền kinh tế Việt Nam, không liên kết được với các DN nội. Hệ số chuyển giao công nghệ từ các DN FDI sang các DN Việt Nam đứng vị thứ 89 trong số 137 nền kinh tế do Diễn đàn Kinh tế thế giới khảo sát. “Đó là vì lực lượng DN nhỏ và vừa của chúng ta chưa đủ mạnh, chưa kết nối được vào chuỗi giá trị toàn cầu, chưa thể trở thành nhà cung cấp địa phương cho các DN FDI được”, ông Lộc nói.

Trước tình hình ấy, chính quyền và cộng đồng DN Đà Nẵng đã có nhiều biện pháp nhằm nâng cao năng lực DN địa phương, thúc đẩy các ngành công nghiệp phụ trợ phát triển, trong đó chú trọng đến việc đổi mới công nghệ của DN, hình thành các DN khoa học và công nghệ (KH&CN).

Phó Giám đốc Sở KH&CN Trần Văn Hoàng cho biết, Đà Nẵng đã ban hành Quyết định 36/2016/QĐ-UBND quy định một số chính sách hỗ trợ DN đổi mới công nghệ trên địa bàn thành phố, thành lập Quỹ Phát triển KH&CN và dự án “Nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm hàng hóa của DN nhỏ và vừa đến năm 2020”. Ngoài ra, Sở KH&CN tiến hành khảo sát công nghệ đối với hơn 600 DN trên 11 lĩnh vực khác nhau để có cái nhìn toàn diện và cụ thể về trình độ và năng lực đổi mới công nghệ của DN, từ đó phân tích, lập bản đồ công nghệ, làm cơ sở xây dựng các chính sách hỗ trợ.

Công ty CP Công nghệ QCM là một trong các DN tiêu biểu trong việc nghiên cứu các sản phẩm công nghệ mới, trong đó có các máy chuyên phục vụ cho ngành thủy sản như máy phân cỡ tôm, máy khò da cá hồi. Ông Nguyễn Thành Chương, Giám đốc công ty chia sẻ, các hỗ trợ của thành phố giúp công ty giảm bớt khó khăn để tiếp tục nghiên cứu, cải tiến sản phẩm công nghệ. Đầu năm 2017, công ty đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho dự án trung tâm nghiên cứu và phát triển công nghệ ứng dụng trong công nghiệp thủy sản và nông nghiệp trong Khu Công nghệ cao (CNC) Đà Nẵng. Ông Ngô Tấn Trung Dũng, Giám đốc Công ty TNHH Châu Đà - nghiên cứu và chế tạo thành công nhiều loại máy công nghiệp (máy cắt plasma CNC, máy CNC router, máy đột CNC), bày tỏ: “Chúng tôi cũng mong muốn thành phố có thêm nhiều phương án hỗ trợ cho vay để tiếp tục mở rộng nghiên cứu.”

Bên cạnh đổi mới công nghệ, việc cải thiện chất lượng nguồn nhân lực cũng là một yêu cầu đặt ra để nâng cao năng lực DN địa phương. Theo khảo sát của Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội đối với các DN FDI của 4 thị trường lớn tại Đà Nẵng, có 3 khó khăn về nhân lực chính mà các DN thường gặp, gồm: khó tuyển dụng cán bộ kỹ thuật; khó tuyển dụng cán bộ quản lý, giám sát và chi phí lao động (tuyển dụng, đào tạo, lương) tăng nhanh hơn năng suất lao động. Thậm chí, một số DN phải chọn phương án đào tạo lại nhân sự, hoặc thuê lao động từ nơi khác đến. Theo các chuyên gia kinh tế, đây cũng là lý do khiến nhiều DN chỉ đặt nhà máy tại Việt Nam cho khâu gia công - vốn có giá trị thấp nhất trong chuỗi giá trị toàn cầu và không có động lực để chuyển giao các công nghệ hiện đại.

Tổng hợp từ Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư vào cuối năm 2016 cho thấy, các DN FDI tại Đà Nẵng đưa ra nhiều kiến nghị đối với thành phố về việc phát triển nguồn nhân lực, trong đó có việc xây dựng chính sách phát triển đào tạo nghề, đặc biệt là ngành công nghệ thông tin (CNTT), CNC, các ngành liên quan đến dịch vụ du lịch, may mặc. Bên cạnh đó, cần hỗ trợ nâng cao trình độ ngoại ngữ của công nhân trong DN FDI, nhất là các DN Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc. Ông Lê Minh Phúc, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Du lịch biển Vinacapital Đà Nẵng, Phó Chủ nhiệm CLB FDI Đà Nẵng cho rằng, thành phố cần đẩy mạnh việc phát triển hệ thống giáo dục hướng đến mục tiêu đào tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao, không chỉ đảm bảo nguồn cung cho thành phố mà còn một số địa phương lân cận. Thời gian qua, thành phố đã làm tốt việc đào tạo nguồn nhân lực cho khu vực công và đạt được kết quả tích cực khi chất lượng dịch vụ hành chính công được nâng cao. Và đây chính là thời điểm chín muồi để thành phố tập trung đào tạo nguồn nhân lực cho khu vực tư. Để làm được điều này cần quy hoạch, xây dựng, mở rộng và nâng tầm các cơ sở giáo dục, nhất là giáo dục quốc tế với các chuẩn mực đào tạo ngang tầm trong khu vực cũng như thế giới, có thể đáp ứng được yêu cầu khắt khe của các nhà tuyển dụng. Trong tình hình các địa phương lân cận như Quảng Nam, Quảng Ngãi đang có bước tăng tốc về thu hút đầu tư thì việc Đà Nẵng đón đầu xu hướng để cung ứng các dịch vụ vượt trội cũng là một cách để thu hút nhà đầu tư hiệu quả. 

Chính quyền giải quyết nút thắt

Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư cho biết, trong “Năm đẩy mạnh xúc tiến đầu tư 2018”, chính quyền thành phố tập trung giải quyết các vấn đề căn cơ, những vướng mắc còn tồn đọng của các nhà đầu tư như đất đai, chính sách…, tạo điều kiện thông thoáng nhất để thu hút các nhà đầu tư chiến lược, có khả năng làm động lực phát triển của thành phố. Giữa năm 2017, trong buổi làm việc để đánh giá hiệu quả và các giải pháp tiếp tục đầu tư “Phát triển ngành công nghiệp thành phố Đà Nẵng đến năm 2020”, đại diện các sở, ngành đã chỉ ra một bất cập tại Đà Nẵng, đó là do hạn chế về nguồn vốn, việc triển khai Khu CNC và Khu CNTT tập trung còn chậm. Tỷ lệ các dự án hoạt động không hiệu quả trong các Khu Công nghiệp (KCN) còn lớn, song vẫn chưa có cách xử lý triệt để. Trong khi đó, có rất nhiều DN ngoài KCN có nhu cầu thuê đất để mở rộng sản xuất nhưng không được, hoặc phải thuê lại của các DN khác với giá cao.

“Vướng mắc lớn nhất của nhà đầu tư hiện nay là tiếp cận đất đai rất khó khăn, đặc biệt là đất ngoài KCN; vì nhà đầu tư gặp phải rào cản về đền bù, xác định giá đất để giao đất, thủ tục đấu thầu sử dụng đất. Để giải quyết bài toán này, thành phố cần tiếp tục đầu tư các KCN dở dang và xây dựng các KCN mới. Trong đó, ưu tiên đầu tư các cụm công nghiệp vừa và nhỏ để giải quyết nhu cầu rất lớn của các DN siêu nhỏ, nhỏ và vừa”, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Trần Văn Sơn nói. Theo kế hoạch, thành phố sẽ tập trung hoàn thiện hạ tầng Khu công nghệ cao và tăng tốc thi công Khu CNTT (theo kế hoạch sẽ hoàn thành giai đoạn 1 vào cuối năm 2018) - 2 KCN trọng điểm nằm trong định hướng thu hút đầu tư có chọn lọc của Đà Nẵng.

Trong năm 2018, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ khẳng định, thành phố sẽ tập trung chỉ đạo giải quyết khó khăn, vướng mắc của DN liên quan đến đất đai và quy hoạch. Trong bối cảnh quỹ đất không còn nhiều, thành phố sẽ rà soát và ưu tiên cho các dự án có hiệu suất sử dụng đất cao, đem lại nhiều lợi ích kinh tế - xã hội; đồng thời, không để xảy ra tình trạng chiếm dụng đất, thuê đất nhưng không thực hiện đúng quy hoạch và tiến độ đã cam kết. Tại buổi làm việc với Sở Tài nguyên và Môi trường vào đầu tháng 3, Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa nhận định, tài nguyên đất cần được bảo vệ tối đa và hết sức cân nhắc khi cấp phép khai thác, nhưng không vì thế mà gây khó dễ trong thủ tục cho nhà đầu tư, cần công khai, minh bạch quy hoạch ngay từ đầu để nhà đầu tư nắm chủ trương của thành phố.

Đối với cơ chế xúc tiến đầu tư, trong những năm qua, Đà Nẵng vẫn chưa có sự chặt chẽ trong phối kết hợp giữa các ngành nhằm hỗ trợ DN trước, trong và sau khi cấp phép đầu tư. Hậu quả là thời gian bị kéo dài, các hoạt động xúc tiến dàn trải và chồng chéo. Trong quá trình cấp phép, vẫn chưa có cơ chế phối hợp giữa cơ quan đăng ký đầu tư và cơ quan đăng ký DN. Sau khi cấp phép đầu tư, DN còn phải đến nhiều cơ quan khác nhau để làm các thủ tục cấp phép khác… Để giải quyết vấn đề này, Chủ tịch UBND thành phố sẽ trực tiếp chỉ đạo công tác thu hút đầu tư, đồng thời ban hành quy trình phối hợp giữa các sở, ban, ngành, địa phương trong công tác thu hút đầu tư, công tác hỗ trợ trước, trong và sau cấp phép đầu tư đối với các dự án ngoài KCN, Khu CNC. Bên cạnh đó, đẩy mạnh cải cách hành chính liên quan đến đầu tư và hoạt động sản xuất kinh doanh. Trong thời gian tới, Đà Nẵng sẽ nâng mức độ ứng dụng CNTT trong cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư lên mức 3.

Như vậy, để thúc đẩy thu hút và triển khai hiệu quả việc đầu tư trong và ngoài nước trên địa bàn thành phố, cùng với việc hoạch định chiến lược phát triển ổn định, bền vững, đã đến lúc cần nhìn nhận và đưa ra giải pháp căn cơ và tổ chức thực hiện hiệu quả trên các lĩnh vực liên quan, vì sự phát triển thịnh vượng của thành phố và DN; để từ đó, Đà Nẵng luôn là mảnh đất lành cho nhà đầu tư. 

KHÁNH HÒA - THÀNH LÂN - KHANG NINH

;
.
.
.
.
.
.