Làm mới sản phẩm du lịch biển

.

Vào mùa du lịch, ngoài việc tận dụng thế mạnh những bãi biển dài và đẹp, thành phố Đà Nẵng đang có kế hoạch từng bước làm mới các sản phẩm du lịch biển nhằm thu hút du khách.

Biển Đà Nẵng đang là điểm đến thu hút khách, góp phần làm nên thương hiệu du lịch biển.Ảnh: THU HÀ
Biển Đà Nẵng đang là điểm đến thu hút khách, góp phần làm nên thương hiệu du lịch biển.Ảnh: THU HÀ

Đà Nẵng có đường bờ biển dài nhưng dịch vụ du lịch phát triển tập trung chủ yếu tại các bãi biển thuộc quận Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn với các bãi tắm chính như Phạm Văn Đồng, Mỹ Khê, T18… Để phát huy lợi thế bãi biển phía đường Nguyễn Tất Thành, đầu năm 2018, UBND thành phố phê duyệt kinh phí hơn 46 tỷ đồng để đầu tư phát triển và khai thác các dịch vụ du lịch.

Đề án được triển khai tại bãi biển dài 9km dọc đường Nguyễn Tất Thành (từ ngã ba đường Tôn Thất Đạm đến cuối đường Nguyễn Tất Thành), tập trung quy hoạch, sắp xếp 7 bãi biển chính gồm: Xuân Hà, Phú Lộc, Hồ Tùng Mậu, Trần Đình Tri, Nguyễn Chánh, Nam Xuân Thiều và Nam Ô.

Ông Trần Đại Nghĩa, Phó ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng (gọi tắt là BQL) cho hay, đề án “Quản lý và khai thác du lịch tại các bãi biển thuộc tuyến đường Nguyễn Tất Thành giai đoạn 2018-2020” được phân kỳ đầu tư các hạng mục cụ thể như: mua sắm thiết bị, dụng cụ phục vụ công tác cứu hộ như phao cứu hộ; an ninh trật tự; vệ sinh môi trường...; qua đó, từng bước xây dựng các tiện ích cơ bản như bãi tắm nước ngọt, bãi tắm đêm, điện thắp sáng, hệ thống nước, cây xanh, nhà vệ sinh, ghế đá… bằng cách kêu gọi nguồn xã hội hóa. Khu vực biển bố trí các hộ kinh doanh dịch vụ, cụm dịch vụ thể thao dưới nước, quy hoạch cụm cà-phê, massage, quy hoạch khu bán hàng lưu niệm, vỉa hè…

Để tạo sự khác biệt, tuyến đường này sẽ phát triển theo hướng du lịch cộng đồng (theo mô hình du lịch cộng đồng tại đảo Boracay của Philippines), hướng đến phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí của người dân địa phương và du khách.

Nhiều người dân địa phương cũng kỳ vọng bãi biển Nguyễn Tất Thành sẽ sớm “lột xác”, thu hút cư dân và du khách đến vui chơi, tắm biển sôi động như khu vực trước Công viên Biển Đông đến bãi tắm T20.

Anh Trần Trung Nghĩa (trú phường An Khê, quận Thanh Khê) cho hay: “Từ nhỏ, tôi thường ra tắm biển ở bãi Xuân Hà. Trước kia, bãi tắm thoải dài và đẹp. Nhưng rồi các dịch vụ tự phát nhiều, người dân đi biển về úp thúng mọi nơi, cỏ mọc tràn ra bãi cát nên chỉ còn lại dân địa phương ra tắm. Hy vọng sau khi được đầu tư, tuyến đường biển này sẽ sầm uất”.

Ngoài việc tập trung phát triển các dịch vụ trên tuyến đường Nguyễn Tất Thành, năm 2018, thành phố cũng có kế hoạch nâng cấp các bãi tắm Sao Biển, Phước Mỹ; các bãi tắm số 1, 2, 3 tại phía đường Trường Sa - Võ Nguyên Giáp - Hoàng Sa với kinh phí trên 30 tỷ đồng; đầu tư thêm 9 bảng tên bãi biển (trên 50 triệu đồng/bảng) bằng các tảng đá lớn, có khắc chữ, đặt ở các vị trí của bãi tắm Mỹ An, Mỹ Khê, Phước Mỹ, Mân Thái, Thọ Quang…

Ngoài ra, BQL đề xuất bố trí thêm 2 cụm dịch vụ tại bãi tắm Mân Thái gồm các quầy uống nước ngắm biển, các dịch vụ thân thiện với thiên nhiên; nâng cấp hệ thống dù màu cho các tổ kinh doanh dịch vụ và bố trí theo từng cụm kinh doanh. Theo đó, sẽ có 5 cụm dù màu khác nhau dành cho 15 tổ kinh doanh dịch vụ, tạo sự rực rỡ cho bãi biển hè năm nay.

Bãi biển đẹp được đồng bộ hệ thống dù, ghế sẽ làm bãi biển trong mùa hè năm nay thêm rực rỡ.
Bãi biển đẹp được đồng bộ hệ thống dù, ghế sẽ làm bãi biển trong mùa hè năm nay thêm rực rỡ.

Nhiều hộ kinh doanh dịch vụ tại đây đang hồ hởi chuẩn bị sơn sửa lại bàn ghế, đầu tư trang thiết bị cho quầy hàng đồng bộ để đưa vào hoạt động từ cuối tháng 3, đầu tháng 4. Chị Ngọc Hà, tổ kinh doanh dịch vụ số 2 cho biết, việc đồng bộ hóa về dù, ghế cũng như đồng phục cho đội ngũ nhân viên sẽ góp phần đón tiếp du khách chuyên nghiệp hơn.

Ngoài hệ thống ghế nằm, dù ở bãi biển, chị Hà cũng đầu tư nâng cấp quầy với hệ thống dù, ghế phù hợp. Bên cạnh cơ sở vật chất, người kinh doanh thừa nhận, thái độ phục vụ niềm nở của đội ngũ nhân viên cũng là yếu tố quyết định việc thu hút khách.

Ông Hồ Văn Ban, tổ kinh doanh dịch vụ số 1 cho rằng, việc đầu tư đồng bộ sẽ làm bộ mặt bãi biển khang trang, đẹp hơn. Hộ kinh doanh của ông Ban trước đó đã đầu tư hàng trăm triệu đồng để mua sắm ghế nằm, dù và hệ thống rửa sàn bãi tắm...

Ông Trần Đại Nghĩa còn cho hay, năm 2018, BQL sẽ đề nghị thành phố lắp đặt, làm mới khu vui chơi dành cho trẻ em trên biển và bố trí ở những vị trí công cộng là khu vực trước Lăng Ông và trước Công viên Biển Đông; đồng thời đề nghị thêm cụm dịch vụ khu ẩm thực, lưu niệm về đêm tại một số vị trí cuối đường Nguyễn Văn Thoại - Võ Nguyên Giáp để kéo dài thời gian lưu trú và vui chơi của khách du lịch về đêm.

“Cùng với các hoạt động thường niên được tổ chức như: Khai trương mùa du lịch biển, Điểm hẹn mùa hè, các hoạt động thể thao biển, những hoạt động về đêm trên biển sẽ là điểm nhấn dành cho du khách”, ông Nghĩa chia sẻ.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến băn khoăn rằng, để phát triển tuyến biển Nguyễn Tất Thành, cần có sự vào cuộc quyết liệt của các địa phương, đơn vị, bởi hiện vẫn còn tình trạng bán cá ở vỉa hè đường; tập kết thuyền thúng tại bãi cát; các hộ đang kinh doanh vỉa hè cần bố trí quy hoạch nền nếp; phối hợp trồng thêm cây xanh ven biển… Điều khiến nhiều người lo ngại là hệ thống xả thải ra biển. Cần xử lý triệt để vấn đề này thì người dân mới yên tâm tắm biển và phát triển du lịch trên tuyến biển Nguyễn Tất Thành.

Bài và ảnh: THU HÀ

;
.
.
.
.
.
.