Tìm giải pháp chống thất thu thuế

.

Những năm qua, mặc dù công tác chống thất thu thuế ở lĩnh vực nhà hàng, khách sạn, giao dịch bất động sản… được các cấp, ngành, cùng cơ quan thuế đẩy mạnh nhưng tình trạng thất thu lớn vẫn xảy ra. Vì vậy, cần có những giải pháp căn cơ để chống thất thu thuế, bảo đảm nguồn thu ngân sách thành phố.

Với sự phát triển mạnh mẽ về hạ tầng và kinh tế, việc kiểm soát, chống thất thu thuế trên lĩnh vực nhà hàng, khách sạn, bất động sản cần được chú trọng, bảo đảm thu ngân sách và đầu tư cho phát triển. Ảnh: ĐỖ HỮU TIẾN
Với sự phát triển mạnh mẽ về hạ tầng và kinh tế, việc kiểm soát, chống thất thu thuế trên lĩnh vực nhà hàng, khách sạn, bất động sản cần được chú trọng, bảo đảm thu ngân sách và đầu tư cho phát triển. Ảnh: ĐỖ HỮU TIẾN

Bài 1: Kẽ hở từ hóa đơn giá trị gia tăng

Bán hàng không xuất hóa đơn hoặc xuất hóa đơn nhưng có giá trị thấp hơn giá thực tế là “chiêu” trốn thuế thường thấy ở nhiều đơn vị kinh doanh. Trong khi đó, thói quen mua hàng không lấy hóa đơn của đại bộ phận người dân vô tình tiếp tay cho hành vi trốn thuế. Có những đơn vị kinh doanh có doanh thu và lợi nhuận “khủng”, nhưng đóng thuế chưa tới 1 tỷ đồng/năm, hoặc cố tình lách thuế từ việc kê khai giảm doanh thu, không xuất hóa đơn khi bán hàng…

Thất thu vẫn lớn

Đầu tháng 2-2018, gia đình bà Trần Thị Khánh Hà (ở phường Hòa Thuận Đông, quận Hải Châu) tổ chức tiệc sinh nhật cho con trai tại nhà hàng B.A (ở quận Sơn Trà) với chi phí gần 5 triệu đồng. Bà Hà cho biết, gia đình bà thường xuyên đến một số nhà hàng hải sản lớn trên địa bàn như B.A, M.H, L.G…; thanh toán mỗi lần vài triệu đồng nhưng hầu như đều không hỏi lấy hóa đơn.

Tương tự, gia đình anh Bùi Hoàng Hải (ở phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ) cũng không lấy hóa đơn thanh toán tại nhiều nhà hàng lớn trên địa bàn thành phố. “Có vài lần tôi hỏi quầy thu ngân về việc lấy hóa đơn thì được hẹn lần sau, nhà hàng khác yêu cầu cộng thêm 10% thuế giá trị gia tăng (VAT). Thủ tục rắc rối nên qua vài lần, tôi không muốn lấy hóa đơn nữa, dù có khi chi phí thanh toán lên tới 7-8 triệu đồng”, anh Hải cho biết.

Bà Hà hay anh Hải chỉ là hai trong rất nhiều trường hợp người dân không lấy hóa đơn khi mua hàng, vô tình tiếp tay cho người kinh doanh lách thuế.

Nhiều năm triển khai công tác chống thất thu thuế, lãnh đạo các chi cục thuế địa phương cho rằng, thất thu thuế (nhất là ở lĩnh vực nhà hàng - khách sạn) diễn ra thường xuyên. Trong khi đó, cơ quan thuế cũng như các địa phương chưa có giải pháp căn cơ để xử lý tình trạng này.

“Trong khi người bán hàng thường có tâm lý lách thuế, người mua hàng không lấy hóa đơn là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng thất thu thuế kéo dài, thì ngành chức năng lại thiếu cơ chế xử phạt. Ngoài ra, việc các hộ kinh doanh có doanh thu lớn, nhưng không chịu đăng ký lên doanh nghiệp (DN) cũng gây khó khăn cho cơ quan thuế trong việc xác định doanh thu và áp dụng các biện pháp quản lý thuế chặt chẽ hơn”, ông Ngô Việt Tiến, quyền Chi cục trưởng Chi cục Thuế quận Hải Châu nói.

Theo ông Lê Bá Tiến, Chi cục trưởng Chi cục Thuế quận Sơn Trà, đơn vị hiện quản lý 2.593 DN, trong đó có 2.488 đơn vị đang hoạt động. Năm 2017, Chi cục chọn 435 DN để kiểm tra, qua đó điều chỉnh 42 hồ sơ khai thuế với số thuế điều chỉnh tăng 205,8 triệu đồng. Qua kiểm tra, có 225 DN vi phạm về thuế, truy thu và phạt gần 11,1 tỷ đồng, giảm lỗ gần 53 tỷ đồng…

Bên cạnh đó, kiểm tra 371 hộ kinh doanh, đã điều chỉnh 235 trường hợp, doanh thu tăng gần 26 tỷ đồng, số thuế điều chỉnh tăng hơn 1,3 tỷ đồng. Đối với 51 DN được lựa chọn kiểm tra, hoạt động ở lĩnh vực kinh doanh khách sạn, ăn uống, lữ hành, vận tải…, điều chỉnh tăng 13,8 triệu đồng thuế thu nhập cá nhân (TNCN) phải nộp; truy thu và phạt gần 1,7 tỷ đồng, giảm lỗ gần 20 tỷ đồng.

Kết quả này cho thấy, công tác chống thất thu hằng năm luôn mang lại nguồn thu gia tăng cho quận Sơn Trà, nhưng cũng đồng nghĩa số thuế thất thu rất lớn khi số thuế được điều chỉnh vẫn tăng liên tục qua từng năm.

Thiếu cơ sở pháp lý và giải pháp căn cơ, mang tính đột phá nên việc triển khai công tác chống thất thu thuế vẫn bị đánh giá chưa thực sự sát với tốc độ phát triển doanh thu trên thực tế, đặc biệt trong xu thế ngành dịch vụ, du lịch ngày càng tăng trưởng mạnh.

Đơn cử, trong tháng 1-2018, qua khảo sát hộ kinh doanh nhà hàng tiệc cưới, Chi cục Thuế quận Hải Châu quyết định lập bộ với tỷ lệ tăng doanh thu 180%, tỷ lệ tăng số thuế 180%, trong đó hộ có mức doanh thu, số thuế tăng thấp nhất là 27%, hộ có mức doanh thu, số thuế tăng cao nhất là 600% so với lập bộ tháng 9-2017.

Khảo sát 16 hộ kinh doanh ăn uống, đã điều chỉnh thuế của 9 hộ kinh doanh từ tháng 9-2017 với mức doanh thu tăng 180,9 triệu đồng/tháng và mức thuế tăng 8,1 triệu đồng/tháng; kiểm tra 30 DN ở lĩnh vực ăn uống, truy thu và phạt 567,7 triệu đồng, giảm lỗ gần 3 tỷ đồng…

Số liệu từ Cục Thuế Đà Nẵng cho thấy, năm 2017, toàn ngành kiểm tra tại 74 đơn vị nhà hàng, khách sạn; xử lý truy thu và phạt 3,8 tỷ đồng, giảm lỗ 32,4 tỷ đồng, giảm khấu trừ 105 triệu đồng.

Trong đó, Cục Thuế đã chọn ra 100 cơ sở kinh doanh nhà hàng kê khai doanh thu và số thuế phải nộp không sát với thực tế kinh doanh đưa vào diện giám sát đặc biệt và thông báo lý do phải thực hiện giám sát đến các cơ sở kinh doanh; định kỳ hoặc đột xuất khảo sát thực tế kinh doanh.

Qua thời gian giám sát đặc biệt này, đến nay, các cơ sở kinh doanh nhà hàng thuộc diện giám sát kê khai doanh thu phát sinh bình quân tăng 23% và VAT phải nộp tăng 29% so với cùng kỳ năm trước.

Toàn ngành cũng thực hiện giám sát hồ sơ khai thuế của 20 khách sạn và 15 khu nghỉ dưỡng ven biển, đối chiếu với quy mô, năng lực kinh doanh cùng với các thông tin được cung cấp từ các sở, ngành để phát hiện các trường hợp kê khai doanh thu, số thuế phải nộp thấp hơn so với thực tế phát sinh và yêu cầu người nộp thuế phải giải trình.

Kết quả, đã điều chỉnh doanh thu kê khai tăng 37% và VAT phải nộp tăng 22% so với năm 2016. Ngoài ra, qua kiểm tra 11 đơn vị kinh doanh khách sạn có phát sinh việc thanh toán các khoản chi phí phải trả từ hoạt động đặt phòng, quảng cáo, tiếp thị được sử dụng qua các trang mạng trong và ngoài nước, qua đó xác định doanh thu phát sinh 48,9 tỷ đồng, kê khai và nộp ngân sách Nhà nước 4,9 tỷ đồng tiền thuế.

Đồng thời, qua kiểm tra 1.187 hồ sơ khai thuế, đã điều chỉnh tăng thuế 448 triệu đồng, giảm lỗ 5,4 tỷ đồng. Kiểm tra, khảo sát 22 hộ kinh doanh nhà hàng, đã điều chỉnh tăng doanh thu khoán đối với 16 hộ kinh doanh tương ứng với doanh thu khoán được điều chỉnh tăng trung bình 618 triệu đồng/hộ/quý, thuế khoán tăng 22 triệu đồng/hộ/quý…

Chống thất thu thuế ở lĩnh vực nhà hàng, khách sạn, bất động sản là để bảo đảm môi trường kinh doanh bình đẳng, minh bạch. (Ảnh mang tính minh họa)
Chống thất thu thuế ở lĩnh vực nhà hàng, khách sạn, bất động sản là để bảo đảm môi trường kinh doanh bình đẳng, minh bạch. (Ảnh mang tính minh họa)

Nguy cơ thất thu cao từ bất động sản

Một vài năm gần đây, hoạt động giao dịch BĐS mang lại nguồn thu tăng cao cho nhiều địa phương cũng như ngân sách thành phố. Tuy vậy, đây cũng là lĩnh vực tiềm ẩn nguy cơ thất thu thuế lớn nếu không kịp thời quản lý, giám sát chặt chẽ.

Số liệu từ Cục Thuế thành phố cũng chứng minh điều này khi một trong những nguồn thu phát sinh lớn nhất trong năm 2017 là từ hoạt động giao dịch BĐS, đơn cử số thu từ tiền thuê đất đạt 600,6% dự toán và bằng 387,2% so với năm 2016, thu tiền sử dụng đất đạt 82,5% dự toán, tăng 68,2% so với 2016… Các khoản thu như thuế thu nhập DN từ chuyển nhượng BĐS tăng 107,1% với 356,3 tỷ đồng, thuế TNCN tăng 41% (tương đương 169,9 tỷ đồng), lệ phí trước bạ nhà, đất tăng 64,3% (tương đương 73,3 tỷ đồng).

Tại quận Sơn Trà, số thuế TNCN từ hoạt động chuyển nhượng BĐS năm 2017 đạt hơn 100 tỷ đồng, chiếm gần 1/5 trên tổng thu ngân sách toàn quận với 598,896 tỷ đồng, góp phần giúp quận Sơn Trà hoàn thành và vượt dự toán thu ngân sách Nhà nước ngay từ quý 3-2017.

Theo ông Lê Bá Tiến, Chi cục trưởng Chi cục Thuế quận Sơn Trà, qua dự đoán nguồn thu, năm 2018, giao dịch BĐS, trong đó mua bán và chuyển nhượng căn hộ tiếp tục là “mỏ vàng” để quận khai thác nguồn thu. Tương tự, tại quận Ngũ Hành Sơn, số thu BĐS cũng chiếm tỷ trọng rất lớn trong tổng thu ngân sách năm 2017 và dự đoán tiếp tục là nguồn thu lớn cho địa phương trong năm 2018.

Mặc dù giao dịch BĐS góp phần quan trọng làm tăng thu ngân sách năm 2017 nhưng đây là lĩnh vực thất thu thuế lớn, thậm chí tiềm ẩn rủi ro cao hơn nhiều so với các lĩnh vực như nhà hàng, khách sạn, hộ kinh doanh... Năm 2017, cơ quan thuế kiểm tra 19 đơn vị trong lĩnh vực BĐS mang lại nguồn thuế truy thu và phạt lên tới 69 tỷ đồng.

Tại hội nghị tổng kết công tác thu ngân sách năm 2017 của ngành thuế, Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Văn Miên cho biết, riêng việc cho thuê đất cũng thất thu mạnh khi giá cho thuê đất của thành phố thấp hơn rất nhiều so với giá thị trường; nếu tiếp tục cho thuê trong thời gian kéo dài (50 hoặc 70 năm) sẽ gây nguồn thất thu lớn khi thành phố không kịp điều chỉnh giá.

Bài và ảnh: HOÀNG LINH

;
.
.
.
.
.
.
.