"Tọa đàm Mùa Xuân 2018": Hướng đến sự phát triển thịnh vượng của Đà Nẵng và doanh nghiệp

.

Ngày 8-3, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa chủ trì Chương trình “Tọa đàm Mùa Xuân 2018” giữa Ban Thường vụ Thành ủy với cộng đồng doanh nghiệp, đại diện các hội, hiệp hội doanh nghiệp, doanh nhân trên địa bàn thành phố.

Tọa đàm chia thành 3 phiên, phiên đầu tiên diễn ra với sự tham dự của 20 doanh nghiệp FDI đến từ nhiều nước, phiên thứ 2 là tọa đàm với các doanh nghiệp Nhật Bản và phiên thứ 3 lãnh đạo thành phố gặp mặt, tọa đàm với hơn 500 đại biểu đại diện cho các hội, hiệp hội doanh nghiệp, doanh nhân đóng trên địa bàn thành phố.

Tham dự có Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Võ Công Trí, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ, Phó Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Nho Trung, các Phó Chủ tịch UBND thành phố cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành.

Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa (phải) trao đổi cùng các đại biểu bên lề buổi tọa đàm.				                    			                         Ảnh: ĐẶNG NỞ
Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa (phải) trao đổi cùng các đại biểu bên lề buổi tọa đàm. Ảnh: ĐẶNG NỞ

Tại buổi tọa đàm, Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa khẳng định: Đây là buổi gặp, tọa đàm với doanh nghiệp FDI và đại diện cho các hội, hiệp hội, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân đầu tiên kể từ khi được phân công về làm Bí thư Thành ủy Đà Nẵng.

Theo người đứng đầu Đảng bộ thành phố, năm 2017 là năm đánh dấu chặng đường 20 năm phát triển của Đà Nẵng và cũng là năm nhiều thành công của thành phố. “Đà Nẵng chọn chủ đề năm 2018 là “Năm đẩy mạnh thu hút đầu tư” với mục tiêu rà soát, xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2035, tầm nhìn 2050, chuẩn bị cơ chế, chính sách và hạ tầng cần thiết làm tiền đề thu hút các nhà đầu tư chiến lược, tạo các bước đột phá về kinh tế - xã hội cho Đà Nẵng.

Để đạt được những mục tiêu lớn này, thành phố mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ về tài lực và trí tuệ của cộng đồng doanh nghiệp thông qua những đóng góp, hiến kế, đề xuất, sáng kiến để giúp thành phố cải thiện môi trường đầu tư hiệu quả hơn, hướng đến sự phát triển thịnh vượng của Đà Nẵng và của doanh nghiệp trong tương lai”, Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa đề nghị và đặt niềm tin ở doanh nghiệp.

Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, phát triển nguồn nhân lực

Phát biểu với lãnh đạo thành phố, ông Nguyễn Tiến Quang, Giám đốc Chi nhánh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại Đà Nẵng (VCCI – Đà Nẵng) cho rằng, chính quyền thành phố cần rà soát hoàn thiện quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội, rà soát quỹ đất công và tài sản công, rà soát các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, thực hiện cơ chế một cửa trong xúc tiến thương mại, đầu tư.

“Trước đây việc xét duyệt hỗ trợ doanh nghiệp thường dựa vào hồ sơ, thành phố cần mạnh dạn áp dụng việc xét duyệt dựa trên các yếu tố như: doanh số, lĩnh vực ưu tiên, nguồn lực để hỗ trợ nhằm giảm cơ chế xin cho, nhũng nhiễu trong các thủ tục hành chính.

Đặc biệt là có chiến lược đào tạo nguồn nhân lực trong doanh nghiệp, gắn đào tạo với nhu cầu thị trường; thành lập các trung tâm thương mại phi thuế quan khuyến khích chi tiêu, tiêu dùng nhằm giới thiệu sản phẩm của Đà Nẵng cũng như các địa phương lân cận”, ông Nguyễn Tiến Quang hiến kế.

Theo Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Đà Nẵng Takizawa Toru, chất lượng nguồn nhân lực của thành phố với nhiều ưu điểm như: đức tính cần cù, ham học hỏi… Tuy nhiên, ông Takizawa Toru lưu ý rằng hiện nay các ngành công nghiệp trên địa bàn thành phố có tốc độ tăng trưởng ngày càng tăng nhanh dẫn đến nhu cầu về nguồn nhân lực tăng vọt.

Do đó, thành phố cần xây dựng chính sách bảo đảm nguồn nhân lực cho doanh nghiệp trong sản xuất, cũng như tích cực cải thiện môi trường sống của công nhân, xây dựng các cơ sở giáo dục - đào tạo, hỗ trợ những kiến thức nghiệp vụ, kỹ năng sống cho công nhân.

Thu hút đầu tư để phát triển du lịch bền vững

Các doanh nghiệp FDI đề nghị Đà Nẵng tiếp tục kiên trì với mục tiêu xác định phát triển du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn. Hiện nay, ngành du lịch chiếm đến 24% tổng sản phẩm xã hội địa phương (GRDP), giải quyết 25% việc làm cho lao động trên địa bàn thành phố.

Trong phát triển, thành phố cần hạn chế những dự án, công trình có tác động gây hại đến thiên nhiên, môi trường sống, nhất là môi trường biển. Tất cả các dự án du lịch phải đáp ứng những tiêu chuẩn chung của thành phố về bảo vệ môi trường.

Theo Tổng Giám đốc Indochina Capital Đà Nẵng Peter Ryder, hiện nay, thành phố có 40 cửa xả thải ra biển; một số cửa xả đã vượt quá công suất nên chưa được xử lý hoàn toàn trước khi thải ra biển. Nếu không sớm được xử lý, về lâu dài sẽ tác động lớn đến môi trường biển của thành phố.

Thành phố cũng cần hạn chế việc cho phép xây dựng nhiều nhà cao tầng sát biển. Về thu hút đầu tư, ông Peter Ryder mong lãnh đạo thành phố tích cực kêu gọi đầu tư vào phát triển du lịch, vì đây là lĩnh vực mà Đà Nẵng có thế mạnh, đặc biệt là phát triển du lịch thân thiện với môi trường.

Để thực hiện tốt việc này, thành phố tập trung phát triển một cách bền vững hệ sinh thái. Ông Đặng Minh Trường, Tổng Giám đốc Sun Group kiến nghị thành phố cần đẩy mạnh chính sách kêu gọi đầu tư vào các hoạt động chợ đêm, phố đi bộ; nghiên cứu áp dụng chính sách ưu đãi, xuyên suốt với các lĩnh vực phát triển du lịch; ban hành chính sách nhất quán kêu gọi đầu tư vào Đà Nẵng; xúc tiến mở đường bay mới, tránh phụ thuộc vào một hoặc hai thị trường nhất định.

Phó Tổng Lãnh sự danh dự Tây Ban Nha tại Đà Nẵng Jose Sanschez Barroso đề nghị thành phố cần thêm nhiều sản phẩm dịch vụ khác như tổ chức các lễ hội và sự kiện quốc tế theo chủ đề: điện ảnh, sân khấu, âm nhạc, hoạt động ngoài trời và thể thao.

Thành phố cần kêu gọi đầu tư vào các sản phẩm giải trí lành mạnh về đêm để giữ chân du khách như: chợ đêm ở các khu vực dành cho người đi bộ, nơi khách du lịch có thể tìm thấy các đặc sản địa phương được “sản xuất tại Việt Nam” và xây dựng khu triển lãm nghệ thuật ngoài trời, triển lãm ẩm thực quốc tế, đài phun nước, trình diễn ánh sáng; các hoạt động thể thao tại bãi biển.

Ông Huỳnh Tấn Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch thành phố cho rằng, để thu hút khách du lịch hơn nữa, thành phố không chỉ đầu tư cơ sở hạ tầng, mà cũng cần phải quan tâm, bảo tồn các giá trị truyền thống, gìn giữ cảnh quan thiên nhiên.

Quang cảnh buổi tọa đàm. 							             Ảnh: TTXVN
Quang cảnh buổi tọa đàm. Ảnh: TTXVN

Hình thành chính quyền cảng, phát triển công nghiệp phần mềm

Ông Phạm Kim Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp phần mềm Đà Nẵng chỉ ra rằng, ngành công nghiệp phần mềm của thành phố đang chững lại, trong 10 năm qua gần như không có đầu tư đúng mức cho lĩnh vực này.

Để từng bước khắc phục những tồn tại, hạn chế này, ông Phạm Kim Sơn đề nghị thành phố tăng cường giải pháp thực hiện các chính sách đã ban hành, kết hợp với lộ trình cụ thể.

Giải đáp nội dung này, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ cho rằng phát triển ngành công nghiệp phần mềm định hướng đúng đắn, ít tốn kém, tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao, qua đó cũng thống nhất ý kiến lãnh đạo thành phố luôn xem việc phát triển ngành công nghiệp phần mềm là mục tiêu hàng đầu, phải ưu tiên trong cơ cấu phát triển kinh tế-xã hội của thành phố trong những năm tới.

Về phát triển logistics, ông Nguyễn Hữu Sia, Tổng Giám đốc Công ty CP Cảng Đà Nẵng cho rằng trong quy hoạch cảng Liên Chiểu không nên tách rời cảng với các dịch vụ logistics; đặc biệt là thuê các chuyên gia tư vấn các vấn đề liên quan đến logistics như: thị trường, quy hoạch, thiết kế…theo hướng dài hạn, tránh những bất cập phát sinh về sau.

Liên quan đến vấn đề này, Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa khẳng định việc xây dựng cảng Liên Chiểu có vai trò quan trọng với phát triển kinh tế-xã hội Đà Nẵng nói riêng, khu vực miền Trung - Tây Nguyên nói chung. “Khi đưa vào hoạt động, cảng Liên Chiểu nên triển khai thí điểm mô hình chính quyền cảng, đồng thời cũng đề nghị cảng Tiên Sa thực hiện thí điểm mô hình vận chuyển hàng hóa từ cảng Tiên Sa đến cảng Liên Chiểu để thích nghi sớm lộ trình vận chuyển”, Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa nhấn mạnh.

Cần xây dựng trường học, bệnh viện đạt chuẩn quốc tế

Theo các doanh nghiệp FDI, hiện nay nguồn lực lao động của Đà Nẵng rất hạn chế, không đủ đáp ứng ổn định cho các doanh nghiệp cũng như nhu cầu tuyển dụng của những nhà đầu tư Nhật Bản mới vào thành phố. Đặc biệt, trong xu thế  các tỉnh, thành lân cận như: Quảng Nam, Quảng Ngãi…đang có nhiều dự án đầu tư, sẽ tạo việc làm cho lao động trên địa bàn của họ. Điều này cũng sẽ gây ra thiếu hụt lao động cho Đà Nẵng. Do vậy, thành phố nên chú trọng vấn đề đào tạo, giải quyết nguồn nhân lực cho doanh nghiệp.

Ông Ricky Tan, Chủ tịch Tập đoàn giáo dục Kinderworld, nêu: Một trong những điểm yếu của Đà Nẵng mà các doanh nghiệp thường ca thán là nguồn nhân lực không đủ điều kiện đáp ứng cho nhu cầu của các đối tác, các nhà đầu tư đến từ bên ngoài. Đây là hạn chế nhưng cũng là cơ hội để Đà Nẵng đẩy mạnh xây dựng các trường đạt chuẩn quốc tế, không chỉ cho địa phương, mà còn cung cấp cho các vùng lân cận. Phải đào tạo làm sao để Đà Nẵng có những nhân lực cao cấp, có thể nhận mức lương vài ngàn USD/tháng. “Có một thực tế là, hằng năm có hàng ngàn thanh niên Việt Nam ra nước ngoài du học với khoản chi phí cực lớn, vậy tại sao Đà Nẵng không có các trường học đáp ứng được nhu cầu và khai thác được nguồn lợi này”, ông Ricky Tan trăn trở.

Một số ý kiến khác đề nghị Đà Nẵng thu hút thêm nhiều dự án FDI thì cũng cần tính đến việc xây dựng các cơ sở y tế và nhiều bệnh viện đẳng cấp quốc tế phục vụ các nhà đầu tư và du khách nước ngoài du lịch đến thành phố.

Cộng đồng doanh nghiệp trở thành người định hình diện mạo đô thị và nền kinh tế Đà Nẵng

Phát biểu bế mạc tại buổi tọa đàm, Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa bày tỏ lời cảm ơn và đánh giá cao những ý kiến tham gia đầy trách nhiệm, chất lượng của các hội, hiệp hội và các doanh nghiệp đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Đà Nẵng.

Đồng thời khẳng định những ý kiến tâm huyết này sẽ là cơ sở quan trọng để thành phố xây dựng cơ chế, chính sách, quy hoạch, định hướng, cũng như có sự chỉ đạo, điều hành sát hơn trong thực tiễn. “Sau buổi gặp mặt hôm nay, lãnh đạo thành phố rất mong cộng đồng doanh nghiệp tiếp tục trao đổi, phản ánh những khó khăn, vướng mắc; đồng thời cũng trách nhiệm, thẳng thắn tư vấn, hiến kế giúp lãnh đạo thành phố những giải pháp thiết thực, hiệu quả, những cơ chế, chính sách đột phá để thành phố phát triển nhanh hơn, mạnh hơn, bền vững hơn, nhất là trong việc tạo lập một môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, minh bạch, xây dựng hình ảnh một Đà Nẵng thân thiện, năng động, hiện đại và sáng tạo trong thời gian đến”, Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa khẳng định.  

Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa yêu cầu các cơ quan của thành phố tham mưu giải quyết ngay những ý kiến về vướng mắc cụ thể của doanh nghiệp. Theo Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa, đã đến lúc thành phố cần bình tĩnh, nhìn nhận lại quy hoạch tổng thể trên tất cả các lĩnh vực với trách nhiệm cao nhất “Để phát triển du lịch một cách bền vững thì bảo vệ môi trường phải là công việc hàng đầu.

Thời gian tới, việc bảo vệ môi trường, đặc biệt giải quyết những điểm nóng về ô nhiễm nước thải khu vực ven biển sẽ được lãnh đạo thành phố tập trung thực hiện, từng bước giải quyết dứt điểm trong năm 2018. Tôi cũng mong rằng các doanh nghiệp phối hợp với các đơn vị thành phố quan tâm đề xuất, xây dựng các sản phẩm du lịch kéo dài thời gian lưu trú của khách du lịch tại Đà Nẵng”, Bí thư Trương Quang Nghĩa nhấn mạnh.    

Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa chỉ ra 5 nhóm vấn đề quan trọng, mang tầm chiến lược liên quan đến sự phát triển bền vững và lâu dài của thành phố, đó là: quy hoạch; kết nối phát triển; môi trường đầu tư, kinh doanh; môi trường sống, an sinh xã hội và tổ chức bộ máy quản lý của chính quyền thành phố.

Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa đề nghị các hội, hiệp hội doanh nghiệp phát huy vai trò là cầu nối giữa các doanh nghiệp với các cơ quan quản lý Nhà nước, là “bệ đỡ” cho các doanh nghiệp. Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa nhấn mạnh, thành phố luôn xác định thành công của doanh nghiệp, nhà đầu tư chính là sự phát triển của thành phố; đồng thời khẳng định lãnh đạo thành phố sẽ cam kết cải thiện mạnh mẽ hơn nữa môi trường đầu tư kinh doanh; luôn đồng hành, sát cánh và tạo điều kiện thuận lợi nhất để các doanh nghiệp, doanh nhân phát huy tối đa tài năng, trí tuệ, tâm huyết, nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh của mình…

“Tôi mong muốn cộng đồng doanh nghiệp Đà Nẵng sẽ trở thành những người định hình nên diện mạo đô thị và nền kinh tế Đà Nẵng trong những năm tới, trở thành động lực quan trọng hiện thực ước mơ và khát vọng phồn vinh của người dân Đà Nẵng. Chúng ta hãy cùng đồng sức, đồng lòng vì một “Đà Nẵng với chuẩn mực toàn cầu, thân thiện và tiên phong” Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa nhấn mạnh.

Doanh nghiệp hiến kế

Trong chương trình “Tọa đàm Mùa Xuân 2018” diễn ra sáng 8-3, nhiều doanh nghiệp, đầu tư trong và ngoài nước tham gia hiến kế, đóng góp vào công tác nghiên cứu, quy hoạch phát triển thành phố cũng như thu hút đầu tư.

* Ông Trần Sĩ Cương, Chủ tịch điều hành Tranivest PTE, LTD: Xây dựng Đà Nẵng thành đô thị  toàn cầu, bền vững

Công tác quy hoạch của Đà Nẵng đang khá lúng túng. Thành phố phải mạnh dạn có quy hoạch 100 năm, hướng đến một đô thị toàn cầu, là nơi đến của bất cứ ai trên toàn thế giới. Việc quy hoạch có tầm nhìn giới hạn 20-30 năm như hiện nay dễ bị rơi vào tình trạng chắp vá khi tốc độ tăng trưởng vượt nhanh hơn tầm nhìn.

Thực tế, “tấm áo” quy hoạch của thành phố bắt đầu có những dấu vết rạn nứt. Nếu không sớm có tầm nhìn xa hơn và làm bài toán đếm ngược cụ thể để đặt nền móng cho sự phát triển bền vững, chỉ trong vòng vài năm tới, chúng ta sẽ đánh mất cơ hội lịch sử. Đó là xây dựng Đà Nẵng đáng sống của Việt Nam trở thành một thành phố toàn cầu văn minh không những cho địa phương mà còn là một động lực và đầu tàu cho sự phát triển của khu vực miền Trung và cả nước.

* Ông Lê Minh Phúc - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Du lịch biển VinaCapital, Phó Chủ nhiệm CLB FDI Đà Nẵng: Công khai, minh bạch và đúng luật các thủ tục đầu tư

Nhiều nhà đầu tư nước ngoài cho rằng, thành phố cần tập trung đầu tư các cơ sở du lịch chất lượng cao để khai thác lượng khách này, mang lại nguồn thu lớn cho thành phố trong thời gian tới. Cần thu hút thêm các trường đào tạo trong lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ cao, nhất là những đơn vị trong top 200 của thế giới từ Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc… nhằm tạo ra nguồn nhân lực tại chỗ cho thành phố trong 10-20 năm tới; đồng thời, hướng đến xây dựng các công trình giao thông công cộng như tàu điện ngầm, các bãi đậu, đỗ xe thông minh…

Đặt mục tiêu từ 10-15 năm nữa, Đà Nẵng sẽ có một khu nội đô không có xe máy. Bên cạnh đó, cần tối đa hóa tất cả các không gian, công suất của sân bay quốc tế Đà Nẵng và cảng du lịch quốc tế Đà Nẵng nhằm nâng cao chất lượng phục vụ. Để thu hút đầu tư hiệu quả, các thủ tục đầu tư cần minh bạch, nhanh chóng, thuận lợi và đúng pháp luật.

* Bà Yukiko Hirai - Công ty Selfwing Việt Nam: Xây dựng thành phố ươm mầm giáo dục

Tôi cho rằng, không chỉ xây dựng thành phố khởi nghiệp mà Đà Nẵng cũng đủ mọi điều kiện để trở thành một đô thị giáo dục, trung tâm ươm mầm giáo dục; xây dựng thương hiệu thành phố khởi nghiệp thông qua đầu tư vào hoạt động giáo dục. Chúng tôi mong muốn được đầu tư vào lĩnh vực này, nhưng hiện gặp vướng mắc vì thời gian làm thủ tục hành chính, thủ tục đầu tư và cấp phép còn kéo dài.

* Ông Nguyễn Tiến Quang, Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp (VCCI) Việt Nam - Chi nhánh Đà Nẵng: Cần chuyên nghiệp hơn trong xúc tiến đầu tư

VCCI Đà Nẵng đã gửi 14 kiến nghị đến lãnh đạo thành phố Đà Nẵng, trong đó tập trung một số nội dung như: thành phố cần mạnh dạn áp dụng cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp một cách chuyên nghiệp, giảm cơ chế xin cho. Thành phố nên hợp nhất các cơ quan xúc tiến đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp nhằm thực hiện cơ chế một cửa, góp phần thuận lợi cho doanh nghiệp trong thực hiện các thủ tục xúc tiến đầu tư, cải cách thủ tục hành chính, tránh chồng chéo và phân tán nguồn lực, đồng thời nâng cao tính chuyên nghiệp trong xúc tiến đầu tư.

* Ông Đặng Minh Trường, Phó Chủ tịch, Tổng Giám đốc Tập đoàn Sun Group: Sớm hoàn thiện công tác quy hoạch dài hạn, bền vững

Chúng tôi hy vọng thành phố sớm hoàn thiện công tác quy hoạch dài hạn, bền vững, trong đó tập trung vào hạ tầng giao thông, nước sạch, xử lý rác thải… Thành phố cần nhanh chóng kêu gọi đầu tư hoàn thiện hạ tầng giao thông, những khu vui chơi, lễ hội hấp dẫn.

Nghiên cứu và ban hành các chính sách hỗ trợ xuyên suốt đối với các dự án đầu tư lớn, lâu dài. Bên cạnh đó, cần nhất quán trong ban hành chính sách, quy hoạch thu hút đầu tư… Tiếp tục xúc tiến, mở thêm những đường bay mới kết nối Đà Nẵng với nhiều nước trên thế giới nhằm tránh phụ thuộc vào một số thị trường như hiện nay, đồng thời có thể xem xét tiếp tục áp dụng chính sách miễn thị thực nhập cảnh (visa) cho thị trường một số nước châu Âu.

* Ông Phạm Kim Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp phần mềm thành phố Đà Nẵng: Thiếu đầu tư hạ tầng cho công nghiệp phần mềm

Doanh thu của ngành công nghệ thông tin Đà Nẵng cách đây 10 năm là con số 0, nhưng đến nay đạt 15.000 tỷ đồng, riêng công nghiệp phần mềm là 3.000 tỷ đồng; lao động trong ngành công nghệ phần mềm năm 2003 là 300 người, nay gần 10.000 người.

Điều này cho thấy, một trong những thành tựu của thành phố trong 10 năm qua là hình thành ngành công nghiệp phần mềm. Tuy nhiên, hạ tầng cơ sở của ngành này trong 10 năm không được đầu tư thêm và hiện nay không đủ khả năng để bảo đảm tốc độ phát triển, trong khi nguồn nhân lực vô cùng hạn hẹp. Chúng tôi kiến nghị phải quyết liệt triển khai các giải pháp để phát triển ngành công nghệ thông tin, trong đó có công nghiệp phần mềm.

* Ông Lee Yai Sin - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Massda Land: Thu hút nhà đầu tư mới, nhưng đừng quên “bạn cũ”

Ông Lee Yai Sin phát biểu tại buổi tọa đàm. 					   Ảnh:  THÀNH LÂN
Ông Lee Yai Sin phát biểu tại buổi tọa đàm. Ảnh: THÀNH LÂN

Tôi mong rằng, thành phố tập trung thu hút những nhà đầu tư mới, nhưng cũng đừng quên những “người bạn cũ” - những người đã đầu tư vào thành phố từ vài thập niên qua, trong đó có nhà đầu tư từ Malaysia.

Hiện nay, chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn trong việc triển khai mở rộng dự án Khu công nghiệp An Đồn lên 4ha, mặc dù chúng tôi đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cho phép chủ trương này. Tuy nhiên, đến nay dự án vẫn chậm được triển khai do vướng mắc về thủ tục hành chính.

* Ông Niwa Dai - Công ty TNHH Niwa Foundry Việt Nam: Phát triển theo mô hình Internet vạn vật

Đà Nẵng cần những chính sách vượt trội để phát triển. Đặc biệt, hiện nay, quỹ đất của thành phố rất hạn chế, gây khó khăn trong thu hút đầu tư và phát triển thành phố trong tương lai.

Tôi cho rằng, thành phố nên tăng cường phát triển dịch vụ logictis, giảm thiểu chi phí, thời gian về thủ tục hành chính. Đà Nẵng là thành phố trẻ, đang trên đà phát triển nên việc áp dụng và ban hành các chính sách vượt trội để phát triển cũng khá dễ dàng. Mong thành phố tiếp tục thu hút các ngành có công nghệ cao, năng lực sản xuất lớn; phát triển thành phố theo mô hình Internet vạn vật, đón đầu xu thế của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

* Ông Phạm Bắc Bình, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) Đà Nẵng: Quan tâm bố trí mặt bằng cho doanh nghiệp

Cộng đồng DNVVN mong thành phố quan tâm, bố trí mặt bằng sản xuất, hỗ trợ tiếp cận mặt bằng trong các khu công nghiệp; cho thuê mặt bằng với thời hạn thanh toán nhiều lần, phù hợp với năng lực tài chính; bên cạnh đó nhanh chóng triển khai xây dựng các khu công nghiệp vừa và nhỏ.

Thành phố cần xem xét xã hội hóa một số dịch vụ công; công khai minh bạch các cơ chế hỗ trợ, dự án của thành phố để DNVVN có thể tiếp cận… Ngoài ra, sớm xây dựng và hoàn thiện cảng cá Thọ Quang theo hướng văn minh, hiện đại, xanh - sạch - đẹp; sớm di dời nhà ga lên Liên Chiểu, xây dựng khu vực này thành khu đô thị mới. Thành phố tập trung đầu tư những công trình công cộng, công viên cây xanh, hạn chế phân lô bán nền.

KHÁNH HÒA - THÀNH LÂN ghi

Sau 1 ngày làm việc tích cực, nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư bày tỏ sự hài lòng đối với sự cầu thị, lắng nghe và phản hồi chi tiết, thẳng thắn từ phía lãnh đạo thành phố trong các phiên đối thoại của “Tọa đàm Mùa Xuân 2018”.

Ông Takizawa Toru, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Đà Nẵng: Cơ hội quý cho doanh nghiệp, nhà đầu tư và chính quyền thành phố

Qua hơn 2 giờ làm việc, chúng tôi nhận thấy sự cầu thị lớn từ phía lãnh đạo thành phố Đà Nẵng trong việc lắng nghe những ý kiến đóng góp cũng như những khó khăn, vướng mắc mà cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản tại Đà Nẵng đang gặp phải.

Hầu hết những vấn đề chúng tôi nêu ra đều được Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa trả lời cụ thể, rõ ràng. Qua cuộc gặp, chúng tôi cũng nắm được định hướng phát triển của thành phố trong thời gian tới, đây là những thông tin rất bổ ích để chúng tôi truyền tải lại cho những doanh nghiệp, nhất là những đơn vị đang muốn đầu tư vào thành phố. Chúng tôi rất trân trọng những cuộc gặp gỡ thế này và xem đây là cơ hội quý để doanh nghiệp, nhà đầu tư và chính quyền thành phố cùng chung tay vì sự phát triển của Đà Nẵng.

Ông Peter R.Ryder -  Tổng Giám đốc Indochina Capital Đà Nẵng

Chương trình có độ cởi mở rất cao

Trước đây, thành phố Đà Nẵng đã nhiều lần tổ chức các chương trình gặp gỡ, lắng nghe nhằm tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp nhưng tôi nhận thấy Tọa đàm Mùa Xuân 2018 là một chương trình có độ cởi mở rất cao. Riêng buổi gặp mặt giữa Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa với các doanh nghiệp FDI diễn ra một cách thân thiện, thẳng thắn và hiệu quả. Nhiều vấn đề liên quan đến quy hoạch, phát triển kinh tế - xã hội, giáo dục, y tế… được đặt ra rất chi tiết và nhận được phản hồi thấu đáo từ lãnh đạo thành phố.

Ông Lê Minh Phúc – Tổng Giám đốc Công ty TNHH Du lịch biển Vinacapital

Doanh nghiệp, nhà đầu tư thể hiện tâm huyết đối với thành phố

Qua buổi tọa đàm này, tôi nghĩ rằng lãnh đạo thành phố sẽ nắm bắt lại tình hình của các doanh nghiệp, nhà đầu tư; ngược lại, chúng tôi cũng có cơ hội nắm bắt được những thông tin chính thức về định hướng, mục tiêu phát triển của Đà Nẵng trong thời gian tới. Tôi cho rằng, những ý kiến đóng góp của các doanh nghiệp, nhà đầu tư rất thẳng thắn, thể hiện tâm huyết đối với thành phố.

Đồng thời, lãnh đạo thành phố, nhất là Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa, đã trả lời cụ thể, chi tiết nhiều vấn đề được chúng tôi đưa ra. Đây cũng là cơ hội để các nhà đầu tư vào Đà Nẵng cùng ngồi lại, thể hiện trách nhiệm không chỉ riêng với doanh nghiệp của mình mà còn với thành phố.

Khánh Hòa (ghi)

S.TRUNG - Q.KHẢI

;
.
.
.
.
.
.
.