Cẩn trọng khi mua sắm trực tuyến

.

Những kênh bán hàng trực tuyến đem lại nhiều thuận tiện cho người tiêu dùng trong hoạt động mua sắm nhưng cũng tiềm ẩn không ít rủi ro. Để đảm bảo an toàn và tránh mất tiền oan, người dân cần thận trọng, tìm hiểu kỹ trước khi mua hàng cũng như lựa chọn những trang mua bán lớn, có uy tín.

Mua sắm trực tuyến tiềm ẩn nhiều rủi ro nhưng cũng rất thuận tiện.
Mua sắm trực tuyến tiềm ẩn nhiều rủi ro nhưng cũng rất thuận tiện.

Những kênh bán hàng trực tuyến đem lại nhiều thuận tiện cho người tiêu dùng trong hoạt động mua sắm nhưng cũng tiềm ẩn không ít rủi ro. Để đảm bảo an toàn và tránh mất tiền oan, người dân cần thận trọng, tìm hiểu kỹ trước khi mua hàng cũng như lựa chọn những trang mua bán lớn, có uy tín.

Những câu chuyện “cười ra nước mắt” khi mua hàng trên mạng hiện nay đã không còn xa lạ. Phổ biến nhất là những trường hợp hàng nhận về khác xa so với hình ảnh minh họa, tập trung chủ yếu vào các sản phẩm ở lĩnh vực thời trang như: giày dép, quần, áo… hay đồ dùng bằng điện, thiết bị gia dụng có kích thước, thông số kỹ thuật, chất liệu… không đúng như quảng cáo.

Chị Trần Vân Anh (ở đường Phạm Như Xương, quận Liên Chiểu) cho biết, bản thân có đặt mua một cặp áo dài cách tân trên mạng.

Mặc dù đã hỏi kỹ về chất liệu, số đo, màu sắc… cùng lời cam kết từ người bán hàng: “Áo đẹp như hình, thanh toán khi nhận hàng, đổi hàng trong vòng 10 ngày”, vậy nhưng, khi nhận về mới tá hỏa vì áo quá mỏng, đường chỉ không đều, không đúng số đo.

“Lỡ rồi nên tôi đành “ngậm bồ hòn làm ngọt” vì họ chỉ cho đổi lấy sản phẩm khác chứ không hoàn tiền. Cũng tại mình chủ quan, không tìm hiểu kỹ thông tin và ham áo rẻ”, chị Vân Anh chia sẻ.

Bên cạnh hàng mua về không đúng như quảng cáo hay mua phải hàng nhái, hàng kém chất lượng, không ít người tiêu dùng còn phải chịu cảnh mất tiền oan vì bị lừa. Hiện nay, một số đối tượng đã lập tài khoản ảo, đánh cắp thông tin, hình ảnh của những người bán hàng uy tín để lừa người mua hàng.

Anh Trần Văn, nhân viên một cửa hàng điện tử trên đường Điện Biên Phủ chia sẻ, bản thân từng là nạn nhân khi mua bộ kim móc len tulip mới, giảm giá còn 1 triệu đồng. Qua nhắn tin trao đổi, người bán hàng yêu cầu chuyển tiền gấp với lý do… con nhỏ đang ốm.

Anh Văn nhanh chóng chuyển tiền nhưng 8-3 đã qua và hàng không thấy vận chuyển về. Nhắn tin vào tài khoản facebook trên thì bị chặn. Bức xúc, anh chụp ảnh đăng lên mạng cảnh báo mọi người thì bất ngờ hơn khi biết hình ảnh và thông tin của tài khoản facebook bán hàng đó là của một người khác đã bị đánh cắp.

Những rủi ro mà chị Anh, anh Văn gặp phải hiện nay khá phổ biến khi mua sắm trực tuyến. Theo thống kê của Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng thành phố Đà Nẵng, đa số các cuộc gọi phản ánh của người tiêu dùng khi mua hàng trực tuyến trong thời gian qua đều xuất phát từ nguyên nhân mua phải hàng kém chất lượng, không đúng nguồn gốc xuất xứ như quảng cáo hoặc địa chỉ người bán, công ty giới thiệu khi bán hàng không đúng với thực tế nên không thể liên hệ đổi trả.

Để trở thành người tiêu dùng thông thái khi mua hàng trực tuyến, chị Trần Vân Anh cho rằng, nên chọn những kênh bán hàng uy tín, có nhiều người mua, thông tin giao dịch rõ ràng. Đặc biệt, không nên tham hàng giá rẻ và thận trọng với các chương trình khuyến mãi, “giảm giá kịch sàn” hay thanh lý lỗ vốn…


Hiện nay, Nhà nước cũng đã ban hành hệ thống khung pháp lý khá chặt chẽ để bảo vệ người tiêu dùng nói chung và người mua hàng trực tuyến nói riêng. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất vẫn là bản thân mỗi người tiêu dùng phải sáng suốt, tự bảo vệ quyền lợi của chính mình.

Bài và ảnh: Bích Thủy
 

;
.
.
.
.
.
.