Nuôi cá lồng bè tự phát ở vịnh Mân Quang

.

Tại khu vực vịnh Mân Quang (thuộc các phường Thọ Quang và Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà), hiện có hàng trăm hộ dân đầu tư nuôi hải sản lồng bè theo kiểu tự phát.

Dù biết rõ nguồn nước nơi đây thường xuyên bị ô nhiễm, có thể xảy ra tình trạng hải sản chết hàng loạt bất cứ lúc nào nhưng người dân vẫn mạo hiểm đầu tư hàng chục triệu đồng để nuôi các loại hải sản.

Trong khi đó, các cơ quan chức năng mới chỉ dừng lại ở mức khuyến cáo không nuôi hải sản, chứ chưa có biện pháp ngăn chặn triệt để.

Các lồng bè cá tự phát ở vịnh Mân Quang.
Các lồng bè cá tự phát ở vịnh Mân Quang.

Bất chấp rủi ro

Ở vùng biển khu vực vịnh Mân Quang, nơi tiếp giáp với âu thuyền Thọ Quang hiện có hàng trăm hộ dân các phường Mân Thái, Nại Hiên Đông, Thọ Quang làm các nhà chồ nuôi cá, nghêu lồng bè. Hằng ngày, người dân sinh sống ngay trên lồng bè để chăm sóc, bảo vệ các loại hải sản.

Ông Nở (trú phường Nại Hiên Đông) cho biết, gia đình ông đầu tư nuôi cá lồng bè chục năm nay. Năm nào nguồn nước không bị ô nhiễm, cá, nghêu không chết thì cũng lãi vài chục triệu đồng. Còn chẳng may gặp nguồn nước ô nhiễm, cá chết thì “trắng tay”.

Ông Nở cho biết thêm, hầu hết các hộ nuôi hải sản lồng bè ở đây đều tự phát; cơ quan chức năng, chính quyền địa phương cũng không cấm, chỉ khuyến cáo không nên nuôi. Khi nào bị đẩy đuổi, yêu cầu tháo dỡ thì các hộ chấp hành.

Những năm gần đây, tình trạng hải sản lồng bè của các hộ dân bị chết xảy ra liên tục. Tuy nhiên, số lượng lồng bè nuôi ở đây vẫn không có xu hướng giảm. “Biết là đầu tư tại khu vực nguồn nước ô nhiễm nguy cơ rủi ro cao nhưng hầu hết các hộ nuôi cá lồng bè là dân biển, nuôi đã lâu và đây là nguồn thu nhập chính của gia đình. Vì vậy, không nuôi cá lồng bè ở vịnh Mân Quang này thì biết lấy gì sống”, ông Nở nói.

Theo ông Lê Thái Ngọc Long, cán bộ phụ trách thủy sản - nông - lâm phường Thọ Quang, ở khu vực vịnh Mân Quang có hàng trăm hộ dân đầu tư nuôi hải sản lồng bè. Chỉ tính riêng trên địa bàn phường Thọ Quang (số liệu thống kê đến tháng 9-2017) có 118 hộ nuôi các loại hải sản như nghêu, cá.

Nguồn nước khu vực này thường xuyên bị ô nhiễm, dễ xảy ra tình trạng hải sản chết. Chính quyền địa phương khuyến cáo, vận động người dân không tổ chức nuôi cá lồng bè. Tuy nhiên, hầu hết các hộ này có hoàn cảnh khó khăn, xưa nay sống bám vào biển, vào nghề nuôi cá lồng bè trên vịnh Mân Quang nên họ khó bỏ nghề.

Cần chính sách hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề

Ông Võ Đình Công, Chủ tịch UBND phường Thọ Quang xác nhận, dù nguồn nước khu vực vịnh Mân Quang thường xuyên bị ô nhiễm, nhiều lần xảy ra tình trạng cá nuôi trong lồng bè chết, nhưng vì nghề truyền thống cũng như hoàn cảnh kinh tế gia đình, nhiều người vẫn nuôi cá lồng bè.

Để tránh thiệt hại cho bà con, các cơ quan chức năng thành phố và chính quyền địa phương khuyến cáo, vận động người dân dần tháo dỡ, chấm dứt nuôi cá lồng bè. Hiện khu vực này nằm trong vùng dự án, để tiến tới thực hiện nhanh chủ trương tháo dỡ lồng bè, thành phố cần có chính sách hỗ trợ, khuyến khích chuyển đổi ngành nghề, để người dân ổn định cuộc sống sau này.

“Sau khi được hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề, nếu người dân vẫn tiếp tục nuôi cá lồng bè ở khu vực vịnh Mân Quang, chính quyền địa phương sẽ xử lý nghiêm”, ông Công nói.

Một lãnh đạo văn phòng UBND quận Sơn Trà cũng khẳng định, lâu nay, các cơ quan chức năng thành phố và chính quyền địa phương tuyên truyền, khuyến cáo không được nuôi cá lồng bè trên vịnh Mân Quang nhưng người dân vẫn bất chấp quy định. Mỗi khi cá chết do nguồn nước ô nhiễm, họ lại “kêu” chính quyền địa phương.

Cũng theo vị lãnh đạo này, ngoài nguy cơ thiệt hại kinh tế nếu chẳng may hải sản chết, tình trạng người dân ăn ở, sinh hoạt trên lồng bè thải các loại rác…, làm khu vực này thêm ô nhiễm nặng nề. Vì vậy, UBND quận Sơn Trà đã giao cơ quan chức năng, chính quyền địa phương giám sát, vận động người dân tháo dỡ các lồng bè trên khu vực vịnh Mân Quang.

Bài và ảnh: ANH THY

;
.
.
.
.
.
.