Đà Nẵng mở cửa đón nhà đầu tư-Bài 1: Nhiều chính sách ưu đãi

.

Đà Nẵng chọn năm 2018 là “Năm đẩy mạnh thu hút đầu tư” với kỳ vọng sẽ tạo hấp lực mạnh mẽ đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Để tạo ra những cú hích mới, chính quyền thành phố đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi cũng như nỗ lực trong cải cách hành chính, hoàn thiện kết cấu hạ tầng, bảo đảm môi trường sống lành mạnh, an toàn cho nhà đầu tư.

Không chỉ vậy, thành phố luôn lắng nghe các ý kiến đóng góp, hiến kế của các chuyên gia, doanh nghiệp, nhà đầu tư, người dân… nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội trong giai đoạn mới.

Trên cơ sở chính sách pháp luật, hàng loạt cơ chế, chính sách ưu đãi được Đà Nẵng ban hành và triển khai rộng rãi nhằm mở hướng tiếp cận các nhà đầu tư (NĐT) chiến lược, tìm kiếm các dự án tiềm năng vào thành phố.

Những chính sách ưu đãi của Đà Nẵng đã thu hút nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước.  TRONG ẢNH: Sản xuất ở Công ty TNHH T.T.T.I – Chi nhánh Đà Nẵng.Ảnh: THÀNH LÂN
Những chính sách ưu đãi của Đà Nẵng đã thu hút nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước. TRONG ẢNH: Sản xuất ở Công ty TNHH T.T.T.I – Chi nhánh Đà Nẵng.Ảnh: THÀNH LÂN

Đà Nẵng hiện có 6 KCN gồm: Hòa Khánh, Hòa Khánh mở rộng, Đà Nẵng, Liên Chiểu, Hòa Cầm và KCN dịch vụ thủy sản Đà Nẵng với tổng diện tích trên 1.066 ha; trong đó, tỷ lệ lấp đầy 84,01% và thu hút trên 74.300 lao động.

Bên cạnh đó, Khu Công nghệ cao (CNC) Đà Nẵng có diện tích 1.500ha; dự án Khu Công nghệ thông tin (CNTT) 341ha. Vừa qua, Đà Nẵng được Thủ tướng Chính phủ cho phép chuyển đổi KCN Đà Nẵng thành khu đô thị; đồng thời, cho phép thành lập 3 KCN mới là Hòa Cầm – giai đoạn 2, với quy mô 125,14ha; Hòa Nhơn 405,5ha; Hòa Ninh 400ha.

Tại Diễn đàn Đầu tư Đà Nẵng tháng 10-2017, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đặt ra yêu cầu, Đà Nẵng phải thể hiện rõ vai trò đầu tàu trong thu hút đầu tư, là hạt nhân tăng trưởng của khu vực miền Trung-Tây Nguyên.

Thành phố phải nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo môi trường đầu tư thông thoáng cho doanh nghiệp (DN). Bên cạnh nội lực, các bộ, ngành nghiên cứu, đề xuất Chính phủ những cơ chế đặc thù phù hợp để hỗ trợ Đà Nẵng đẩy nhanh tốc độ hoàn thiện và thu hút các NĐT chiến lược vào các KCN, đặc biệt là Khu CNC.

Chỉ 3 tháng sau, đầu tháng 1-2018, Khu CNC Đà Nẵng chính thức trở thành 1 trong 2 Khu CNC của cả nước được Chính phủ ban hành cơ chế đặc thù theo Nghị định 04/2018/NĐ-CP. Cơ chế này đã giải phóng tiềm năng phát triển của Khu CNC Đà Nẵng, tạo cú hích để nền kinh tế miền Trung phát triển. Theo đó, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đến đầu tư, làm việc tại Khu CNC sẽ được hưởng nhiều ưu đãi, hỗ trợ.

Cụ thể, miễn toàn bộ tiền thuê đất cho cả thời hạn dự án đầu tư thuê. Người sử dụng đất không phải thực hiện hoàn trả tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng trong các trường hợp: được giao đất không thu tiền sử dụng đất, thuê đất, miễn toàn bộ tiền thuê đất trong cả thời hạn thuê và đã được bàn giao đất trước 1-7-2014; thuê đất theo hình thức trả tiền thuê đất hằng năm.

DN thực hiện dự án đầu tư mới, DN thực hiện dự án nhà ở xã hội để bán, cho thuê, mua đối với người lao động làm việc tại các DN trong Khu CNC sẽ được áp dụng thuế suất thu nhập DN 10% trong 15 năm; được miễn thuế 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo.

Đặc biệt, các dự án đầu tư mới có quy mô 3.000 tỷ đồng trở lên được áp dụng thuế suất ưu đãi 10% trong 30 năm; miễn thuế nhập khẩu hàng hóa để tạo tài sản cố định của dự án; miễn thuế nhập khẩu 5 năm kể từ khi bắt đầu sản xuất đối với nguyên liệu, vật tư, linh kiện trong nước chưa sản xuất (áp dụng cho cả dự án đầu tư mới và đầu tư mở rộng)… Ngoài ra, còn các ưu đãi về tín dụng đầu tư, ưu đãi về xuất nhập cảnh, về cơ chế huy động vốn đầu tư phát triển.

Theo ông Phùng Tấn Viết, Trưởng ban quản lý Khu CNC, thực hiện chủ trương “Năm đẩy mạnh thu hút đầu tư 2018” và kế hoạch tăng tốc thu hút đầu tư vào Khu CNC, thành phố đã tập trung nguồn lực đầu tư để hoàn thiện hạ tầng Khu CNC giai đoạn 2, giai đoạn 3, hoàn thành dự án Khu CNC vào năm 2020 theo quy hoạch đã được phê duyệt, nhất là các công trình thiết yếu trong các khu chức năng,

Trong đó, ưu tiên Khu nghiên cứu phát triển, đào tạo và ươm tạo DN; đồng thời, tập trung thu hút các dự án đầu tư theo chiều sâu, tạo ra giá trị gia tăng cao. Các lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư: công nghệ thông tin, truyền thông, phần mềm và điện tử; công nghệ sinh học; công nghệ cơ khí chính xác và tự động hóa; công nghệ năng lượng mới, vật liệu mới và nano.

“Hiện chúng tôi đã chuẩn bị mọi thứ sẵn sàng cho chiến lược tăng tốc thu hút NĐT, cùng với Nghị định 04/2018/NĐ-CP cơ chế đặc biệt dành riêng cho Khu CNC Đà Nẵng, các ưu đãi dành cho DN là vượt trội. Chúng tôi kêu gọi cả NĐT trong nước và nước ngoài, không có sự phân biệt nào ở đây.

Thực tế, không chỉ DN nước ngoài, nhiều DN lớn trong nước đang thể hiện tiềm năng rất tốt, đáp ứng các tiêu chí của Khu CNC Đà Nẵng”, ông Phùng Tấn Viết nhấn mạnh.

Đối với các dự án trong các KCN, thành phố Đà Nẵng ưu tiên kêu gọi, thu hút vốn FDI vào các ngành công nghiệp điện - điện tử; cáp điện, dây điện; sản xuất lắp ráp các thiết bị quang học, thiết bị, dụng cụ đo lường; thiết bị văn phòng; cơ khí chế tạo, sản xuất máy móc thiết bị, sản xuất lắp ráp ô-tô, phương tiện vận tải; cơ khí phục vụ nông thôn; vật liệu xây dựng cao cấp; các ngành công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng có giá trị gia tăng cao, dược phẩm, thực phẩm chức năng; công nghiệp môi trường…

Bên cạnh những KCN lớn, thành phố ưu tiên triển khai đầu tư xây dựng 3 cụm công nghiệp (CCN) gồm: Cẩm Lệ, Hòa Nhơn và Hòa Khánh Nam; ưu tiên đầu tư theo hình thức hợp tác công-tư, trong đó, thành phố bảo đảm vốn hỗ trợ công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, chuẩn bị bàn giao đất sạch cho nhà đầu tư; nhà đầu tư bố trí vốn xây dựng và kinh doanh hạ tầng tại CCN.

Đối với ngành công nghệ thông tin (CNTT), công nghiệp thân thiện với môi trường, dịch vụ chất lượng cao… cũng nằm trong danh sách ưu tiên thu hút vốn đầu tư của Đà Nẵng. Dự kiến trong năm 2018, thành phố sẽ hoàn thành thủ tục thành lập các Khu CNTT tập trung (gồm Khu Công viên phần mềm số 2, Khu CNTT tập trung Đà Nẵng, Khu CNTT tại Khu đô thị công nghệ FPT).

Riêng xuất khẩu phần mềm - lĩnh vực vốn được xem là mũi nhọn trong ngành công nghệ CNTT của Đà Nẵng, thành phố ban hành các chính sách hỗ trợ về cơ sở hạ tầng (giảm giá thuê mặt bằng, thuê lưu ký website, thuê máy chủ…).

Đến nay, Đà Nẵng đã ban hành kế hoạch phát triển nguồn nhân lực CNTT giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2025. Qua đó, thành phố sẽ đẩy mạnh công tác đào tạo, nâng cao năng lực DN và khuyến khích khởi nghiệp trong lĩnh vực CNTT. Mục tiêu đến năm 2020, tổng số nhân lực phần mềm và nội dung số của Đà Nẵng gần 20.000 người, đáp ứng được nhu cầu của các NĐT trong lĩnh vực này.

Nhìn lại 3-4 năm trước, Đà Nẵng gặp nhiều khó khăn trong việc thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), một trong những nguyên nhân chính là ngành công nghiệp phụ trợ chưa phát triển.

Trước tình hình đó, Đà Nẵng đã triển khai chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ nhằm đáp ứng nhu cầu cung cấp vật tư, nguyên liệu, phụ tùng, linh kiện ngay từ trong thành phố; mục tiêu đến năm 2020 sẽ có khoảng 100 DN hoạt động trong lĩnh vực này.

Với sự quan tâm, chỉ đạo của Thành ủy, UBND thành phố, thời gian qua các sở, ban, ngành phối hợp tìm kiếm các giải pháp, tạo niềm tin cho các NĐT thấy được lợi thế các chính sách ưu đãi của thành phố Đà Nẵng, qua đó mời gọi các NĐT đến làm ăn lâu dài. Đánh giá của các ngành chức năng cho thấy, các chính sách, cơ chế thu hút đầu tư của Đà Nẵng bước đầu đem lại nhiều kết quả tích cực.

Theo bà Lê Thanh Tùng, Trưởng phòng Tổng hợp - Quy hoạch, Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố, 6 tháng đầu năm 2018, đã cấp quyết định đầu tư cho 4 dự án trong nước với vốn đầu tư hơn 5.000 tỉ đồng; cấp mới 61 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 76,1 triệu USD (tăng 150% về số dự án và tăng trên 237% về vốn so với cùng kỳ).

Ngoài ra, còn có 6 lượt tăng vốn của các DN FDI với tổng vốn tăng thêm 8,1 triệu USD; đồng thời, cấp giấy chứng nhận đăng ký thành lập mới cho 2.166 DN, chi nhánh và văn phòng đại diện với tổng vốn điều lệ đăng ký trên 11.170 tỷ đồng, tăng 8% về số DN và giảm 5,2% về số vốn so với 2017.

Đến nay, trên địa bàn Đà Nẵng có khoảng 320 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn gần 100.000 tỷ đồng và hơn 600 dự án FDI có tổng vốn 3,1 tỷ USD. Trong thời gian tới, Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ có kế hoạch tiến hành rà soát đối với những dự án FDI chuyển nhượng cho NĐT trong nước.

T.Lân – K.Ninh–X.Duyên

;
.
.
.
.
.
.