"Bà đỡ" cho nông dân Hòa Tiến

.

Dù còn gặp nhiều khó khăn, nhưng nhờ tích cực thi đua đổi mới, sáng tạo, xây dựng phương án hoạt động hiệu quả nên những năm qua, HTX Dịch vụ sản xuất và kinh doanh tổng hợp Hòa Tiến 1 (xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang) duy trì hoạt động sản xuất hiệu quả và ngày càng phát triển.

Đây là mô hình tiên tiến, điển hình sinh động về mô hình HTX liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ theo chuỗi giá trị sản phẩm, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển.

Nhờ ứng dụng khoa học kỹ thuật, HTX Dịch vụ sản xuất và kinh doanh tổng hợp Hòa Tiến 1 nâng cao năng suất cây trồng, nâng cao thu nhập cho người lao động.  TRONG ẢNH: Xã viên HTX thu hoạch lúa bằng máy gặt liên hợp tiên tiến.
Nhờ ứng dụng khoa học kỹ thuật, HTX Dịch vụ sản xuất và kinh doanh tổng hợp Hòa Tiến 1 nâng cao năng suất cây trồng, nâng cao thu nhập cho người lao động. TRONG ẢNH: Xã viên HTX thu hoạch lúa bằng máy gặt liên hợp tiên tiến.

Hòa Tiến là xã nằm về phía đông nam của huyện Hòa Vang, có diện tích tự nhiên gần 14km2, diện tích đất nông nghiệp 802ha, trong đó diện tích đất lúa 472ha. Từ một địa phương chỉ sản xuất lúa bình thường, đến nay Hòa Tiến có 2 HTX nông nghiệp, hoạt động và thực hiện tốt chức năng “bà đỡ” cho hộ xã viên trong sản xuất nông nghiệp.

Với HTX Dịch vụ sản xuất và kinh doanh tổng hợp Hòa Tiến 1 (gọi tắt là HTX), ngoài nhiệm vụ điều hành, tổ chức sản xuất theo đúng lịch thời vụ, HTX còn cung ứng giống lúa mới kháng bệnh cho năng suất cao, triển khai mở rộng diện tích sản xuất lúa giống với giá trị cao hơn góp phần tăng thu nhập cho hộ xã viên.

Được thành lập từ năm 1977 đến nay, qua nhiều giai đoạn chuyển đổi, hiện nay HTX đã có 3.647 xã viên, bao phủ 536ha đất tự nhiên, 335ha đất nông nghiệp, trong đó có 265ha đất sản xuất lúa.

Từ khi Luật HTX năm 2012 có hiệu lực, HTX đã có kế hoạch tổ chức lại hoạt động với nhiều đổi mới phù hợp với yêu cầu thực tiễn sản xuất nông nghiệp và nông thôn. Đây cũng là cơ hội để HTX tái cơ cấu HTX, tạo bước chuyển trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, làm tốt 7/7 khâu dịch vụ cho thành viên nhằm phát huy tối đa công suất máy móc, thiết bị, cơ sở vật chất, tối đa hóa lợi nhuận và đặc biệt là thực hiện phân phối lợi nhuận theo mức độ sử dụng dịch vụ của HTX cho các thành viên.

Ông Nguyễn Thảo, Giám đốc HTX cho biết, HTX tổ chức các khâu dịch vụ như: thủy nông, làm đất, bảo vệ thực vật, đầu tư cung ứng vật tư, sản xuất giống cây trồng kết hợp tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp cho thành viên. Hiện nay, HTX có vai trò hỗ trợ tích cực cho kinh tế hộ gia đình, đã làm tốt các khâu dịch vụ cho xã viên, luôn là đơn vị nổi trội về sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Hòa Vang cũng như thành phố. 

“Để phát triển vững mạnh, HTX đã mạnh dạn áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa các loại giống mới có năng suất, chất lượng cao, áp dụng cơ giới vào sản xuất nông  nghiệp; lập kế hoạch và hướng dẫn cho thành viên chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con vật nuôi. Thời gian vừa qua, đơn vị đã liên kết với 5-6 công ty giống để sản xuất lúa giống; sau khi chuyển sang mô hình hoạt động mới theo Luật Hợp tác xã năm 2012, yếu tố liên kết chuỗi giá trị của HTX đã đạt đến 80%. Nhờ vậy, nâng cao giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích từ 50 triệu lên 80-120 triệu đồng/ha. Doanh thu bình quân hằng năm của HTX hiện đạt trên 6 tỷ đồng”, ông Thảo phấn khởi chia sẻ. 

Nhờ liên kết với các công ty kinh doanh lúa giống mà hội viên của HTX đã sản xuất được các loại lúa giống chất lượng cao như OM4900, Thiên ưu 8... mang lại hiệu quả kinh tế vượt trội. Bà Trần Thị Yến (thôn Yến Nê 2) chia sẻ, gia đình bà trồng 5 sào lúa giống và 5 sào lúa bình thường để ăn, nhờ HTX liên kết với các công ty cung cấp giống nên được hỗ trợ các biện pháp kỹ thuật, phân bón.

“Trừ các chi phí, gia đình tôi thu lãi khoảng 800.000 đồng/sào, cao hơn nhiều so với trồng lúa bình thường”, bà Yến nói.

Nét nổi bật trong hoạt động sản xuất nông nghiệp của HTX thời gian qua là thực hiện thành công việc sản xuất lúa giống trung, ngắn ngày, chất lượng cao phục vụ chuyển đổi giống dài ngày sang giống trung, ngắn ngày của thành phố nói chung và huyện Hòa Vang nói riêng trong 2 năm 2015-2016, làm lợi cho nông dân trên 900 triệu đồng.

Đặc biệt, HTX tổ chức cho thành viên các vùng chuyên canh sản xuất rau an toàn với quy mô 13 héc-ta, giúp nông dân tiếp cận quy trình sản xuất rau an toàn trong nhà lưới, mô hình VietGAP, từng bước xây dựng thương hiệu giống lúa, vùng rau an toàn của Hòa Tiến.

Ngoài ra, HTX liên kết với Công ty Sản xuất lưới SADAVI du nhập nghề đan lưới xuất khẩu cho thành viên HTX hằng năm sản xuất được 80.000 - 100.000 sản phẩm, giá trị từ 400-450 triệu đồng, giải quyết việc làm thường xuyên cho 60 lao động với thu nhập bình quân 3 triệu đồng/người/tháng.

Bên cạnh các hoạt động sản xuất kinh doanh, các hoạt động phúc lợi xã hội cũng được HTX quan tâm thực hiện như xây dựng đường giao thông nông thôn ở địa phương; tổ chức thăm hỏi, tặng quà nhân các ngày lễ, Tết hằng năm, trợ cấp khó khăn, trợ cấp tai nạn cho thành viên; tổ chức cho cán bộ, nhân viên trong HTX tham quan, học tập các mô hình sản xuất ở các địa phương trong và ngoài thành phố.

“Những năm qua, HTX vừa đóng vai trò cầu nối giữa chính quyền với người nông dân trong việc chỉ đạo, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất nông nghiệp, bảo vệ thực vật đối với cây trồng, trở thành “bà đỡ” thực sự cho kinh tế hộ phát triển thông qua việc tổ chức hướng dẫn cho xã viên ứng dụng khoa học kỹ thuật, sử dụng các loại giống mới có năng suất chất lượng cao.

Qua đó, góp phần tích cực vào quá trình xây dựng nông thôn mới nói riêng và phát triển kinh tế-xã hội địa phương nói chung”, Chủ tịch UBND xã Hòa Tiến Nguyễn Ái khẳng định.

Bài và ảnh: H.THIÊN

;
.
.
.
.
.
.