Giải bài toán tài chính trong khởi nghiệp

.

Tài chính luôn là “bài toán hóc búa” đối với những người khởi nghiệp. Sau gần 5 năm hệ sinh thái khởi nghiệp Đà Nẵng được xây dựng và phát triển, đã xuất hiện những “lời giải” cũng như nhiều hướng đi được mở ra, song điều cốt lõi vẫn là việc các nhà khởi nghiệp phải tự trang bị cho mình kiến thức, kỹ năng quản trị và kiểm soát tài chính tốt.

Các triển lãm khởi nghiệp là nơi các nhà khởi nghiệp giới thiệu trực quan sản phẩm, dịch vụ của mình, tăng cơ hội tìm được nhà đầu tư.
Các triển lãm khởi nghiệp là nơi các nhà khởi nghiệp giới thiệu trực quan sản phẩm, dịch vụ của mình, tăng cơ hội tìm được nhà đầu tư.

Chia sẻ về trải nghiệm của những ngày đầu gian nan khởi nghiệp, Đặng Hòa Gia Huy - người sáng lập dự án “Nôi thông minh TOB”, một dự án trong những lứa ươm tạo đầu tiên của Vườn ươm Doanh nghiệp Đà Nẵng (DNES) cho biết, dự án này đã có gần 2 năm sống lay lắt, sản xuất nhỏ giọt, kinh doanh cầm chừng vì không có vốn và chỉ được hồi sinh khi một nhà đầu tư quyết định rót thêm tiền. Đến nay, dự án đã khá ổn.

Đối với hành trình khởi nghiệp của chị Trịnh Thị Hồng, người sáng lập dự án Công nghệ sinh học Minh Hồng, chuyên sản xuất và thương mại hóa nước rửa chén, nước lau sàn nhà bằng chế phẩm sinh học, “cú hích” đầu tiên chính là được người bạn thân quyết định đầu tư vào dự án 100 triệu đồng.

Nhờ số vốn này, chị hoàn thiện mô hình kinh doanh hiệu quả và tiếp tục nhận thêm khoản hỗ trợ 100 triệu đồng từ nguồn quỹ của Sở Khoa học và Công nghệ thành phố.

Qua hai trường hợp khởi nghiệp trên cho thấy, nguồn vốn đầu tư cho các dự án khởi nghiệp rất đa dạng và có thể huy động dưới nhiều hình thức như: sự hỗ trợ từ gia đình, bạn bè hoặc thông qua các nguồn quỹ của Nhà nước, mời gọi nhà đầu tư… Tuy nhiên, có một thực tế là nhiều dự án khởi nghiệp rầm rộ lúc đầu, nhưng đuối dần vì không có vốn hoặc không biết cách gọi vốn.

Lý giải điều này, tại hội nghị và triển lãm khởi nghiệp SURF 2018 diễn ra tại Đà Nẵng, bà Vũ Kim Hạnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp đưa ra 2 câu chuyện thực tế khi hỗ trợ các dự án khởi nghiệp.

Đó là trường hợp một bạn trẻ khởi nghiệp với việc làm nông không hóa chất, được nhà đầu tư bỏ ra hơn 5 tỷ đồng góp vốn nhưng vì cho rằng các điều kiện của nhà đầu tư quá khó khăn nên không tiếp tục hợp tác. Một trường hợp khác, nhóm khởi nghiệp có mô hình kinh doanh được đánh giá có tiềm năng lớn, song định giá doanh nghiệp quá cao khiến nhà đầu tư phải bỏ dở trong luyến tiếc.

“Trong khi các em chưa có nhiều kinh nghiệm về tài chính doanh nghiệp, mình muốn hỗ trợ thì các em lại dè chừng và sợ bị… lừa. Khởi nghiệp là đam mê cháy bỏng, dám chơi dám chịu, dám chấp nhận rủi ro. Nhưng khởi nghiệp không được “giỡn” với đồng tiền. Khởi nghiệp càng không có nhiều tiền để mua kinh nghiệm”, bà Hạnh nói.

Để tránh tình trạng thiếu vốn hay khó huy động vốn, theo bà Vũ Kim Hạnh, những người khởi nghiệp nên nắm vững hai vấn đề: phải hiểu bản thân khởi nghiệp để làm gì, gọi vốn để làm gì, gọi bao nhiêu vốn và sử dụng vốn như thế nào; phải khách quan, cầu tiến khi định giá dự án.

Ở một khía cạnh khác, ông Trần Vũ Nguyên, Giám đốc điều hành DNES cho rằng, nhiều chủ dự án khởi nghiệp thường “than” thiếu vốn nhưng thực tế vốn không thiếu. Ông Nguyên cho biết, trong các cuộc trao đổi của các nhà đầu tư, vấn đề cốt lõi luôn được đặt ra là làm thế nào để đầu tư tiền cho khởi nghiệp một cách hiệu quả và phải đo lường được những rủi ro trong việc đầu tư này.

Hiện nay, ngoài việc tiếp cận nguồn vốn từ những cách “truyền thống” như trên, theo bà Đoàn Thị Xuân Trang, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển thuộc DNES, những nhà khởi nghiệp còn có thể tiếp cận vốn tài chính từ ngân hàng, quỹ đầu tư, quỹ hỗ trợ của các tổ chức phi chính phủ…

Song mỗi nguồn vốn đều có những khó khăn riêng. Điển hình, để thuyết phục ngân hàng cho vay, doanh nghiệp phải chứng minh được khả năng hoàn vốn, có tài sản thế chấp, trả lãi suất theo định kỳ, điều được xem là rất khó đối với một dự án khởi nghiệp.

Trong khi đó, quỹ đầu tư thường chỉ góp vốn khi dự án đã có một số thành quả nhất định, còn quỹ hỗ trợ của các tổ chức phi chính phủ thường có thủ tục phức tạp và chỉ nhắm đến những đối tượng chính sách nhất định…

Từ năm 2017, thành phố Đà Nẵng bắt đầu mở ra những hướng đi mới cho doanh nghiệp khởi nghiệp tìm vốn. Đơn cử như việc hình thành quỹ đầu tư thiên thần “Flying Fish Investment”, hay những nhóm đầu tư khởi nghiệp thuộc các công ty, các quỹ đầu tư cá nhân cũng đang xuất hiện ngày càng nhiều. Ngoài ra, hình thức gọi vốn cộng đồng (crowdfunding) cũng đang xuất hiện tại Đà Nẵng.

Nền tảng của hình thức gọi vốn này là một trang web, tại đó các nhà khởi nghiệp có thể đăng thông tin, hình ảnh, video về dự án của mình để khởi động chiến dịch kêu gọi vốn cộng đồng. Tùy thuộc vào từng loại hình gọi vốn, các nhà đầu tư có thể sẽ được hưởng cổ phần công ty, lãi suất trên số tiền góp, quà tặng sản phẩm thực tế khi dự án hoàn thành, thậm chí chỉ là một sự ghi danh. Hình thức gọi vốn này không bị giới hạn địa lý và có thể hướng tới số lượng nhà đầu tư lớn, với quy trình nhanh gọn, ít thủ tục.

Theo bà Đoàn Thị Xuân Trang, gọi vốn cộng đồng đã trở nên phổ biến trên thế giới, nhưng chỉ mới phát triển ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh trong những năm gần đây. Hiện Hội đồng Điều phối mạng lưới khởi nghiệp Đà Nẵng đã bắt tay xây dựng đề án thành lập một nền tảng gọi vốn cộng đồng cho các dự án khởi nghiệp tại thành phố. Nếu thành công, đây sẽ còn là một kênh truyền thông hữu hiệu cho các dự án tiềm năng.

“Tiếp cận và gọi vốn thành công là điều không đơn giản, đòi hỏi sự chuẩn bị đầy đủ, chuyên nghiệp và đầu tư bài bản. Cần xác định rõ mô hình, xây dựng kế hoạch kinh doanh, quản trị tài chính, nhân sự, tiếp thị phân phối, quản lý tài chính. Có vậy thì mới giữ được đồng tiền, vốn được coi là “liền khúc ruột”, ông Trần Vũ Nguyên nói.

Bài và ảnh: PHONG LAN

;
.
.
.
.
.
.