Ứng dụng công nghệ chống thất thu thuế

.

Từ tháng 6-2018, thành phố chính thức ban hành Đề án “Chống thất thu thuế đối với một số lĩnh vực, ngành nghề có độ rủi ro cao về thuế giai đoạn 2018-2020”.

Đề án này cho thấy tính chất quan trọng của công tác thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn, nhất là trong thời điểm thu ngân sách gặp khó khăn. Đồng thời, nhấn mạnh thực trạng thất thu thuế là vấn đề nan giải, gây thất thoát lớn nguồn lực của Nhà nước nếu không được kiểm soát chặt chẽ.

Du lịch, lữ hành là một trong những lĩnh vực có độ rủi ro cao về thất thu thuế.  Trong ảnh: Khách du lịch tham quan thành phố Đà Nẵng.
Du lịch, lữ hành là một trong những lĩnh vực có độ rủi ro cao về thất thu thuế. Trong ảnh: Khách du lịch tham quan thành phố Đà Nẵng.

Dư địa thất thu thuế còn rất lớn

Mặc dù công tác chống thất thu thuế được ngành thuế và địa phương, cơ quan liên quan triển khai quyết liệt, tuy nhiên tình trạng thất thu thuế vẫn diễn ra ở nhiều mảng ngành, lĩnh vực, từ nhà hàng, khách sạn, đến vận tải tư nhân, xây dựng tư nhân, lữ hành, bất động sản, xăng dầu… với hành vi trốn thuế, lách thuế ngày càng tinh vi, số thuế truy thu và xử phạt năm sau luôn cao hơn năm trước. Điều này cho thấy, dư địa của thất thu thuế vẫn rất lớn.

Đơn cử, năm 2016 qua thanh tra, kiểm tra 2.229 cơ sở kinh doanh, ngành thuế truy thu và xử phạt số tiền 164,48 tỷ đồng, giảm lỗ 354,45 tỷ đồng, giảm khấu trừ 27,26 tỷ đồng; khảo sát doanh thu của 62 nhà hàng, điều chỉnh doanh thu kê khai tăng 32% (468,1 tỷ đồng) so với cùng kỳ năm 2015.

Tương tự, năm 2017, qua thanh tra, kiểm tra 2.906 cơ sở kinh doanh, ngành thuế truy thu, xử phạt 225,08 tỷ đồng, giảm lỗ 631,97 tỷ đồng, giảm khấu trừ 44,58 tỷ đồng; khảo sát 100 nhà hàng, doanh thu kê khai tăng 23% (366,3 tỷ đồng) so với cùng kỳ năm 2016.

Ngành dịch vụ du lịch là một trong những lĩnh vực có độ rủi ro cao về thất thu thuế. Trong quý 2-2018, Cục Thuế tổ chức 9 tổ công tác thực hiện khảo sát 94 doanh nghiệp (DN) kinh doanh nhà hàng, khách sạn (44 nhà hàng, 29 khách sạn và 21 trung tâm hội nghị tiệc cưới).

Qua so sánh với cùng kỳ năm 2017, đối với 44 nhà hàng, ngành thuế phát hiện mức doanh thu trong 6 tháng tăng 17%, số thuế giá trị gia tăng (GTGT) phải nộp tăng 0,6%; doanh thu phát sinh của 21 trung tâm tiệc cưới tăng 0,6% và thuế GTGT phải nộp tăng 0,5%; trong số 29 khách sạn, 13 khách sạn ven biển có số doanh thu tăng đến 86% và thuế GTGT tăng 68%...

Kiểm tra 22 DN lữ hành, đã truy thu và phạt 512,6 triệu đồng, giảm lỗ 3,47 tỷ đồng và giảm khấu trừ đến 120 tỷ đồng; kiểm tra 8 đơn vị kinh doanh bất động sản, giảm lỗ được 100,5 tỷ đồng, xử lý truy thu và phạt 2 tỷ đồng.

Phân tích về nguyên nhân thất thu thuế vẫn diễn ra ở nhiều ngành, lĩnh vực, ông Nguyễn Đình Ân, Cục trưởng Cục Thuế Đà Nẵng cho biết, do việc chấp hành pháp luật thuế, kế toán của một bộ phận người nộp thuế chưa nghiêm.

Tình trạng bán hàng cung ứng dịch vụ không xuất hóa đơn, bỏ doanh thu ngoài sổ sách, kế toán trốn thuế vẫn còn, phổ biến là bán hàng, cung cấp dịch vụ cho tiêu dùng cá nhân (nhất là trong các lĩnh vực nhà hàng, khách sạn, thương mại, dịch vụ…).

Hoạt động kinh doanh bất động sản phát triển nhanh về số lượng lẫn quy mô dự án tại một số địa bàn các quận Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, Cẩm Lệ…; thế nhưng, việc kê khai giá qua ký kết hợp đồng mua bán bất động sản (kể cả trường hợp có công chứng) chưa đúng với thực tế phát sinh.  

Ở một khía cạnh khác, ông Võ Quang Nam, Chi cục trưởng Chi cục Thuế quận Ngũ Hành Sơn cho rằng, trong hai năm trở lại đây, trên địa bàn quận hoạt động giao dịch bất động sản diễn ra sôi động, giá tăng lên cả chục lần, nhưng chính sách, cơ chế để thu theo giá đất vẫn chưa sát với thực tế, nên xảy ra tình trạng một số cá nhân, tổ chức lợi dụng khe hở này để lách thuế với số tiền không nhỏ.

Trong 6 tháng đầu năm, Chi cục Thuế quận Ngũ Hành Sơn tiến hành kiểm tra 54/150 DN theo kế hoạch năm 2018, đã truy thu và phạt gần 454,9 triệu đồng, giảm khấu trừ hơn 1,3 tỷ đồng, giảm lỗ gần 13,9 tỷ đồng.

Đối với lĩnh vực  nhà hàng, khách sạn, tiệc cưới, lữ hành, qua kiểm tra 21 DN kinh doanh nhà hàng, số thuế GTGT phải nộp là 1,752 tỷ đồng, bằng 162% so với cùng kỳ năm trước; với 44 DN kinh doanh khách sạn, số thuế GTGT phải nộp là 3,227 tỷ đồng, bằng 216% so với cùng kỳ năm trước.

Năm 2018, Thanh Khê là địa bàn được chọn để triển khai toàn diện công tác chống thất thu thuế. “Ngay từ đầu năm, chi cục thuế quận đã tham mưu lãnh đạo quận ban hành Đề án “Công khai, minh bạch thuế và chống thất thu toàn diện trên địa bàn từ năm 2018-2020”. Chúng tôi đã tập trung vào các lĩnh vực kinh doanh, lữ hành, ăn uống, nhà hàng…

Kết quả, 6 tháng đầu năm, đối với các lĩnh vực trên, chúng tôi đã truy thu và phạt tiền gần 400 triệu đồng”, ông Nguyễn Khanh, Chi cục trưởng Chi cục Thuế quận Thanh Khê cho hay.

Du lịch, lữ hành là một trong những lĩnh vực có độ rủi ro cao về thất thu thuế. Trong ảnh: Khách du lịch tham quan thành phố Đà Nẵng. Ảnh: KHÁNH HÒA
Du lịch, lữ hành là một trong những lĩnh vực có độ rủi ro cao về thất thu thuế. Trong ảnh: Khách du lịch tham quan thành phố Đà Nẵng. Ảnh: KHÁNH HÒA

Nguồn thu bền vững phải từ phát sinh kinh tế

Trong 6 tháng đầu năm, tổng thu ngân sách nội địa trên địa bàn thành phố là 11.504,6 tỷ đồng, đạt 50,8%, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm 2017. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng nguồn thu từ phát sinh kinh tế thành phố đang có dấu hiệu chậm lại, chưa đạt tiến độ đề ra.

Cụ thể, thu từ khu vực DN địa phương chỉ đạt 48,8%; DN có vốn đầu tư nước ngoài đạt 42,7%; DN ngoài quốc doanh là 40,5%; thu quyền khai thác khoáng sản là 14,8%; thuế bảo vệ môi trường 45,2% và phí - lệ phí chỉ 47%; DN Trung ương là 36,4%...

Để nâng cao công tác chống thất thu thuế trên địa bàn thành phố, bảo đảm “thu đúng, thu đủ, thu kịp thời”, ngành thuế kết hợp cùng các sở, ngành, địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp, phù hợp với từng địa bàn cụ thể.

Ngoài quận Thanh Khê là địa phương được chọn để triển khai toàn diện công tác chống thất thu; các địa bàn có hoạt động du lịch sôi động như Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn tiếp tục tập trung vào khối các nhà hàng, khách sạn, bất động sản; các quận Hải Châu, Cẩm Lệ tập trung vào lĩnh vực vận tải, lữ hành…

Tại Chi cục Thuế quận Ngũ Hành Sơn, từ nay đến cuối năm, đơn vị tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra các đối tượng có quy mô ngành nghề kinh doanh đa dạng, có doanh thu lớn, có giao dịch đáng ngờ. Ngoài ra, đơn vị phân tích kỹ hồ sơ khai thuế, báo cáo tài chính, từ đó xác định DN, kỳ khai thuế có rủi ro để tiến hành kiểm tra nhằm đem lại hiệu quả cao; đồng thời, đẩy mạnh quản lý thu thuế đối với hoạt động cho thuê tài sản trên toàn địa bàn, đặc biệt là tại các khách sạn, khu nghỉ mát nhằm bảo đảm quản lý đầy đủ về đối tượng, doanh thu và số thuế phát sinh…

Là một DN hoạt động lâu năm trong lĩnh vực du lịch, vận tải, ông Nguyễn Hữu Thành, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ Minh Toàn cho rằng, các cơ quan Nhà nước cần xử lý nghiêm các hành vi cố tình trốn thuế, gây thất thu ngân sách Nhà nước, qua đó bảo đảm tính công bằng giữa các đối tượng người nộp thuế.

Đặc biệt, nên tăng cường áp dụng các biện pháp công nghệ tân tiến nhằm chủ động kiểm tra, giám sát nguồn thu của DN, cơ sở kinh doanh.

 Theo Cục Thuế Đà Nẵng, từ tháng 6-2018, UBND thành phố chính thức ban hành Đề án “Chống thất thu thuế đối với một số lĩnh vực, ngành nghề có rủi ro cao về thuế”. Điều này thể hiện sự quan tâm lớn của thành phố và khẳng định tầm quan trọng của hoạt động này đối với công tác thu ngân sách của địa phương.

Đây cũng là cơ sở để các đơn vị chức năng liên quan phối hợp chặt chẽ hơn cùng cơ quan thuế trong việc hỗ trợ, trao đổi thông tin.

Nhấn mạnh về các giải pháp, ông Nguyễn Đình Ân cho hay: “Bên cạnh các biện pháp truyền thống như: cử cán bộ xuống theo dõi tại địa bàn, kiểm tra, thanh tra tại trụ sở người nộp thuế, cơ quan thuế, chúng tôi còn tích cực ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, giám sát kê khai, sử dụng hóa đơn.

Đặc biệt, bắt đầu từ ngày 1-6, Cục Thuế lựa chọn 40 DN để áp dụng hóa đơn điện tử có mã xác thực nhằm tăng cường ứng dụng công nghệ hiện đại vào công tác chống thất thu thuế. Bước đầu, các DN đã hưởng ứng và thực hiện việc đăng ký.

Công tác chống thất thu là cả một lộ trình lâu dài, yêu cầu sự vào cuộc kiên quyết, quyết liệt của cả hệ thống. Nhưng trước hết, chúng tôi kêu gọi sự phối hợp tích cực từ người nộp thuế trong việc thực hiện nghĩa vụ thuế theo đúng pháp luật”.

Tại các cuộc họp, lãnh đạo thành phố luôn nhấn mạnh, nền tảng căn cơ nhất bảo đảm nguồn thu ngân sách bền vững là từ hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN. Để nuôi dưỡng nguồn thu này, thành phố cùng các địa phương, ngành chức năng phải tích cực hỗ trợ kịp thời khi DN, người kinh doanh cần đến; không chỉ trong việc giải quyết các vướng mắc về hồ sơ, thủ tục thuế mà nhiều vấn đề khác khi họ muốn mở rộng sản xuất.

6 tháng đầu năm, qua thanh tra 75 đơn vị kinh doanh, ngành Thuế truy thu, truy hoàn 29,3 tỷ đồng (tăng 11% so với cùng kỳ năm 2017), giảm lỗ 81,4 tỷ đồng, giảm khấu trừ 403 triệu đồng, nộp ngân sách Nhà nước 24,7 tỷ đồng.

Ngành Thuế kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế 1.084 đơn vị, truy thu, truy hoàn và phạt 53,2 tỷ đồng (tăng 4% so với cùng kỳ 2017), nộp vào ngân sách Nhà nước 38 tỷ đồng, giảm lỗ 104 tỷ đồng, giảm khấu trừ 682,8 triệu đồng.

Bài và ảnh: KHÁNH HÒA

;
.
.
.
.
.
.