Việt Nam chủ động triển khai, ứng dụng và phát triển công nghệ

.

Phát biểu mở đầu phiên đối thoại chính sách tại Diễn đàn cấp cao “Tầm nhìn và chiến lược phát triển đột phá trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4”, vào ngày 13-7, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhìn nhận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN) đã vào Việt Nam, đã rất gần chúng ta, nhất là thông qua những phát biểu tham luận, những sản phẩm được giới thiệu tại Triển lãm quốc tế về công nghiệp 4.0 bên cạnh diễn đàn.

Lần đầu tiên robot sử dụng trí tuệ nhân tạo mang tên Sophia đến Việt Nam và xuất hiện tại Triển lãm quốc tế về Công nghiệp 4.0. Ảnh: TTXVN
Lần đầu tiên robot sử dụng trí tuệ nhân tạo mang tên Sophia đến Việt Nam và xuất hiện tại Triển lãm quốc tế về Công nghiệp 4.0. Ảnh: TTXVN

Trong bối cảnh CMCN 4.0, Việt Nam có nhiều lợi thế nhưng còn nhiều bất cập cần khắc phục với tinh thần xử lý những mặt trái của CMCN 4.0 để không ai bị bỏ lại phía sau.

Khẳng định Đảng, Chính phủ Việt Nam luôn sẵn sàng lắng nghe các ý kiến, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, đây là cơ hội tốt để Việt Nam đảo chiều về đầu tư, thương mại, dịch vụ, giáo dục-đào tạo khi CMCN 4.0 áp dụng ở Việt Nam. Sự đảo chiều trong tư duy và hành động rất quan trọng, chứ không phải thói quen sản xuất theo truyền thống lạc hậu.

Phát biểu kết luận, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, không phải từ bây giờ mà trong quá trình áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới và chuyển giao khoa học công nghiệp, Việt Nam đã chủ động triển khai, chuyển giao, ứng dụng và nghiên cứu phát triển công nghệ. Các công nghệ mới của công nghiệp 4.0 đã phát huy tác dụng  ở Việt Nam và mang lại những đóng góp rất cụ thể và tích cực vào phát triển kinh tế-xã hội.

“Nhưng chúng tôi hiểu rằng những kết quả mới chỉ là bước đầu, cơ hội và tiềm năng phát triển còn rất lớn”, Thủ tướng nói. Việc tiếp cận với công nghiệp 4.0 ở Việt Nam chưa bắt kịp với xu thế, bản chất của công nghiệp mới mẻ này. Do đó, chúng ta cần có các giải pháp tổ chức triển khai nhanh, quyết liệt, hiệu quả hơn nữa. Để chủ động khai thác những cơ hội do cuộc CMCN 4.0 mang lại cũng như hạn chế những tác động không mong muốn, Chính phủ Việt Nam rất quyết tâm xây dựng các định hướng lâu dài và chính sách cụ thể. Bên cạnh sự nỗ lực của chính mình, Việt Nam mong muốn hợp tác với các đối tác phát triển, các doanh nghiệp, chuyên gia quốc tế trong bối cảnh khoa học, công nghệ tiến bộ vượt bậc, lan tỏa nhanh chóng khi mà tiến trình mở cửa hội nhập của Việt Nam ngày càng sâu rộng. “Chúng tôi rất đồng tình với cách đặt vấn đề của chuyên gia, diễn giả nêu ra hôm nay. Đó là liệu Việt Nam có thể nằm ngoài cuộc CMCN 4.0? Câu trả lời ngắn gọn là không - CMCN 4.0 là một cuộc chơi mà mỗi quốc gia sẽ phải mặc định là một phần trong đó”, Thủ tướng nói; đồng thời khẳng định: “Vấn đề đặt ra cho Việt Nam là lựa chọn nắm bắt cơ hội, sớm lên đoàn tàu 4.0 hay để trôi qua? Câu trả lời cũng hết sức rõ ràng, với quyết tâm của cả hệ thống chính trị và ý chí của người Việt Nam, chúng ta sẵn sàng vượt qua thách thức để nắm bắt lấy cơ hội, nhanh chóng bước lên con tàu 4.0”.

“Mặc dù phải chú ý đến những yếu tố tác động tiêu cực nhưng CMCN 4.0 thực sự là cơ cơ hội để dân tộc Việt Nam thực hiện khát vọng phồn vinh. Chúng ta hãy cùng nỗ lực, biến khát vọng thịnh vượng của quốc gia, dân tộc thành việc làm, hành động và kết quả cụ thể trên từng lĩnh vực”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Tại diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các bộ, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp tập trung vào một số nội dung. Đó là trước hết, tiếp tục bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp xây dựng, phát triển nền kinh tế số và công nghiệp thông minh. Tập trung hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, pháp luật, chú trọng các quy định nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhanh chóng hấp thụ và phát triển được công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới; tiếp tục chủ động rà soát, bãi bỏ các điều kiện kinh doanh không còn phù hợp. Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, đặc biệt là công nghệ thông tin-truyền thông, phát triển hạ tầng kết nối số, bảo đảm an toàn, an ninh mạng. Hoàn thiện mạng di động 4G, nghiên cứu triển khai 5G, đáp ứng yêu cầu Internet kết nối vạn vật trong thời gian sớm nhất. Phát triển nhanh nguồn nhân lực, thúc đẩy triển khai giáo dục về khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM) trong chương trình giáo dục phổ thông. Nâng cao năng lực nghiên cứu, giảng dạy trong các cơ sở giáo dục đại học; tăng cường giáo dục kỹ năng, kiến thức cơ bản, tư duy sáng tạo, khả năng thích nghi, chuyển đổi nghề nghiệp với những yêu cầu của cuộc CMCN 4.0. Phát triển khoa học công nghệ, hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia lấy doanh nghiệp làm trung tâm. Triển khai các hướng nghiên cứu khoa học công nghệ mũi nhọn về công nghệ thông tin, vật lý, sinh học, trí tuệ nhân tạo... Lựa chọn phát triển sản phẩm chủ lực, sản phẩm cạnh tranh chiến lược của quốc gia bám sát và tích hợp những công nghệ mới. Tập trung phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, có chính sách để phát triển mạnh doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo…

Nhân dịp này, Thủ tướng khẳng định ủng hộ và cam kết tạo điều kiện thuận lợi cho các tập đoàn, tổ chức khoa học nước ngoài có thế mạnh về khoa học công nghệ tham gia hoạt động nghiên cứu, hợp tác chuyển giao các công nghệ tiên tiến cho doanh nghiệp Việt Nam.

Theo Chinhphu.vn

;
.
.
.
.
.
.