DOANH NGHIỆP ĐÀ NẴNG XUẤT KHẨU UY TÍNDOANH NGHIỆP ĐÀ NẴNG XUẤT KHẨU UY TÍN

Đầu tư đổi mới công nghệ, mở rộng thị trường

.

Bộ Công thương vừa công bố danh sách 225 doanh nghiệp (DN) xuất khẩu uy tín năm 2017 trên cả nước. Đà Nẵng có 7 DN đạt danh hiệu ở các nhóm ngành hàng gồm: dệt, may mặc; thủy sản; dược, trang thiết bị y tế; gỗ và cơ khí.

Đà Nẵng có 7 doanh nghiệp đạt danh hiệu xuất khẩu uy tín năm 2017.  (Ảnh chụp tại Công ty CP Thủy sản và Thương mại Thuận Phước).			                      Ảnh: THÀNH LÂN
Đà Nẵng có 7 doanh nghiệp đạt danh hiệu xuất khẩu uy tín năm 2017. (Ảnh chụp tại Công ty CP Thủy sản và Thương mại Thuận Phước). Ảnh: THÀNH LÂN

Để đạt được kim ngạch xuất khẩu 58,63 triệu USD trong năm 2017, Công ty CP Dệt may 29-3 đã phát huy mối quan hệ tốt đẹp với các khách hàng để ký kết đủ đơn hàng, duy trì và ổn định sản xuất. Bên cạnh đơn hàng truyền thống, DN tập trung tìm kiếm các đơn hàng mới để bảo đảm việc làm, thu nhập cho công nhân và nâng cao hiệu quả năng lực thiết bị đã đầu tư.

Năm 2018, công ty tiếp tục tìm khách hàng mới, khách hàng veston có công nghệ và giá trị doanh thu cao để phát triển sản xuất và nâng cao doanh số, bảo đảm cân bằng về tỷ trọng xuất khẩu giữa các thị trường: Hoa Kỳ là 40%, châu Âu là 50%, Nhật Bản là 5%, Hàn Quốc là 5%.

“Đứng trước nhiều khó khăn như: thị trường xuất khẩu hàng dệt may ngày càng cạnh tranh khốc liệt về giá, một số khách hàng yêu cầu giảm giá hoặc không tăng giá so với năm 2017, giá nguyên phụ liệu, vật tư, hóa chất và các chi phí đầu vào khác ngày càng tăng cao theo đà tăng giá thế giới…, chúng tôi đã đề ra các giải pháp để ổn định sản xuất, bảo đảm mức tăng trưởng và hoàn thành tốt mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu 61,5 triệu USD năm 2018.

Ngoài phấn đấu tăng năng suất, chất lượng sản phẩm và cải thiện môi trường làm việc, công ty đầu tư thêm các thiết bị chuyên dùng, thiết bị dự phòng và hệ thống thông tin trên chuyền để hoàn thiện hệ thống kiểm soát xuất khẩu…”, bà Phạm Thị Xuân Nguyệt, Tổng Giám đốc Công ty CP Dệt may 29-3 chia sẻ.

Là DN chuyên sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu các loại sản phẩm may mặc, năm 2017, Tổng Công ty CP Dệt may Hòa Thọ đạt kim ngạch xuất khẩu lên đến 201 triệu USD, trong đó, thị trường Hoa Kỳ chiếm 46%, thị trường EU chiếm 11,3%, thị trường châu Á chiếm 23%...

“Công ty đã và đang sản xuất sản phẩm cho các nhãn hiệu thương mại nổi tiếng thế giới như: Snickers, Burton, Novadry, Haggar, Perry Ellis Portfolio, Calvin Klein... nên sẽ càng nỗ lực hơn. Hiện nay, đoàn cán bộ và lãnh đạo công ty đang đi tìm hiểu thực tế và xúc tiến tiêu thụ sản phẩm tại thị trường Canada và Hoa Kỳ”, bà Trần Tường Anh, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty cho biết.

Dây chuyền sản xuất hàng veston xuất khẩu tại Công ty CP Dệt may 29-3. Ảnh: HOÀNG HIỆP
Dây chuyền sản xuất hàng veston xuất khẩu tại Công ty CP Dệt may 29-3. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Công ty CP Thủy sản và Thương mại Thuận Phước là một cái tên lớn trong ngành chế biến, xuất khẩu thủy sản của khu vực miền Trung và cả nước. Năm 2017, kim ngạch xuất khẩu của công ty đạt hơn 91 triệu USD (chiếm hơn 6% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của toàn thành phố). Đây có thể được xem là một thành quả đáng khích lệ trong bối cảnh xuất khẩu thủy sản tại Đà Nẵng còn gặp nhiều khó khăn.

Ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thủy sản và Thương mại Thuận Phước nhìn nhận, để có thể nâng cao tỷ lệ lợi nhuận trên vốn, DN phải nỗ lực từng bước giảm xuất khẩu hàng thô, nâng tỷ trọng hàng giá trị gia tăng lên mức cao nhất có thể.

Nhờ sớm chuyển sang hướng đi này, Công ty Thuận Phước đã nắm trong tay những công nghệ chế biến hàng giá trị gia tăng, trực tiếp trở thành một mắt xích của chuỗi phân phối.

Chia sẻ về các bài học trong xuất khẩu, ông Trần Văn Lĩnh cho rằng, cần phải đa phương hóa thị trường. Hiện nay, sản phẩm của DN đã có mặt ở châu Âu, Mỹ, Canada, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Hồng Kông…

Mỗi thị trường có một nhu cầu, quy định riêng. Do đó, khi tiếp cận thị trường thì cần chuẩn bị đầy đủ năng lực, đồng thời phải thực sự có cái “tâm” gợi mở. Chính nhờ đa phương hóa thị trường, DN có thể tận dụng mọi thứ để bán.

Ông Lĩnh đưa ví dụ, người Nhật Bản thường ăn sushi tôm lớn. Song khi mua nguyên liệu, DN không thể chỉ mua tôm lớn, bởi các tàu đánh bắt không chuyên khai thác một cỡ sản phẩm. Song song với việc xuất tôm lớn sang Nhật Bản còn phải có thị trường đầu ra cho tôm nhỏ, mọi thứ liệu, phế liệu của công ty (đầu, vỏ tôm,…) đều có thị trường đầu ra, với giá xuất khẩu cao gấp nhiều lần so với bán trong nước.

Đối với Công ty CP Dược Danapha, con số 6,6 triệu USD kim ngạch xuất khẩu của năm 2017 là một bước tiến lớn. Cách đây hơn 10 năm, khi mới bắt đầu “vươn ra biển lớn”, Danapha đạt mức kim ngạch xuất khẩu 1,2 triệu USD.

Đến năm 2014, con số này vẫn mới chỉ ở mức một nửa hiện tại (3,2 triệu USD). Để có được thành công trong lĩnh vực xuất khẩu, Danapha đã đẩy mạnh đầu tư công nghệ, tăng cường nghiên cứu – phát triển (R&D) nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm.

Danapha là một trong những công ty đầu tiên được Cục Quản lý dược Việt Nam cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn GMP-WHO đông dược. Cao Sao Vàng hiện là một trong những sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Danapha với sản lượng 20 triệu hộp/năm, chủ yếu sang các nước Đông Nam Á, Nga và các nước Đông Âu. Đây là sản lượng cao nhất trong Tổng Công ty Dược Việt Nam. Từ uy tín của Cao Sao Vàng, Danapha đã sản xuất thêm Dầu xoa Sao Vàng và Ống hít Sao Vàng phục vụ cho thị trường nội địa và xuất khẩu.

Theo bà Nguyễn Thị Phương Thanh, Trưởng phòng Marketing, Công ty CP Dược Danapha, để đẩy mạnh xuất khẩu, mỗi năm, công ty đầu tư hơn 10 tỷ đồng cho hoạt động nghiên cứu, thử nghiệm sản phẩm mới – đặc biệt là các dự án ứng dụng công nghệ nano, công nghệ sinh học.

Mỗi năm, Danapha cho ra thị trường nội địa 17-20 sản phẩm mới, thị trường xuất khẩu 3-5 sản phẩm. Hiện nay, Danapha đang triển khai dự án khu phức hợp dược phẩm Danapha tại Khu Công nghệ cao (huyện Hòa Vang), với các nhà máy được xây dựng theo tiêu chuẩn c-GMP -  cao nhất của ngành dược phẩm thế giới do Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ công nhận.

Dự kiến, sau khi nhà máy đi vào hoạt động, các mặt hàng của Danapha sẽ có thể tiến sâu vào các thị trường khắt khe, trở thành thương hiệu dược phẩm có tên trên bản đồ khu vực Đông Nam Á.

7 doanh nghiệp Đà Nẵng đạt danh hiệu “Doanh nghiệp xuất khẩu uy tín” năm 2017

Công ty CP Thủy sản và Thương mại Thuận Phước; Công ty CP Xuất nhập khẩu thủy sản miền Trung; Tổng Công ty CP Dệt may Hòa Thọ; Công ty CP Dệt may 29-3; Công ty CP Dược Danapha; Công ty TNHH Sản xuất nguyên liệu giấy Việt - Nhật và Tổng Công ty Sông Thu.
 

KHANG NINH – HOÀNG HIỆP

;
.
.
.
.
.
.