Học thuyết trình để gọi vốn khởi nghiệp

.

Đối với những người khởi nghiệp, kỹ năng thuyết trình rất quan trọng và cần được rèn luyện, bởi chính từ câu chuyện và cách kể chuyện sẽ kêu gọi được vốn từ nhà đầu tư.

Một dự án khởi nghiệp thuyết trình trước các chuyên gia và nhà đầu tư tại Hội nghị và Triển lãm Khởi nghiệp Đà Nẵng SURF 2018.
Một dự án khởi nghiệp thuyết trình trước các chuyên gia và nhà đầu tư tại Hội nghị và Triển lãm Khởi nghiệp Đà Nẵng SURF 2018.

Tại cuộc thi “Thuyết trình khởi nghiệp” trong khuôn khổ Hội nghị và Triển lãm Khởi nghiệp SURF 2017 tại Đà Nẵng, dự án Homecares (chăm sóc sức khỏe tiện ích) giành được giải thưởng của Sáng kiến Kinh doanh Mekong thuộc Ngân hàng Phát triển châu Á. Đây cũng chính là bước ngoặt giúp dự án này tiếp tục chinh phục các nhà đầu tư; đồng thời, mở rộng mạng lưới đối tác đến các bệnh viện, phòng khám trên toàn địa bàn thành phố.

Chị Nguyễn Thị Vân Anh, Giám đốc Công ty CP Sức khỏe Homecares chia sẻ, kỹ năng thuyết trình của những người sáng lập đóng vai trò lớn trong mỗi chặng đường của dự án. Bắt đầu bằng việc tham gia những cuộc thi khởi nghiệp của địa phương, chị cho rằng, nếu có sản phẩm tốt mà không biết cách diễn đạt thì rất dễ bị đánh giá thấp và tuột mất cơ hội nhận được đầu tư.

“Homecares đã từng tham gia nhiều cuộc thi, nhưng lần nào đi thi về cũng cảm thấy mình làm chưa đủ tốt. Mỗi lần như vậy, cả nhóm ngồi xem lại thật kỹ từ đầu đến cuối phần thuyết trình và trả lời câu hỏi của mình để tự rút kinh nghiệm”, chị Anh nói.

Theo chị Anh, bài thuyết trình trong các cuộc thi khởi nghiệp thường đi theo một khung cơ bản, bao gồm việc giới thiệu bản thân, giới thiệu dự án, nêu lý do khởi nghiệp, các vấn đề mà dự án sẽ giải quyết, giải pháp dự án đưa ra, các thông tin về thị trường, định hướng phát triển…

Vì có khung sẵn nên dự án nào đi thi cũng chuẩn bị kỹ càng cho phần thuyết trình, riêng phần hỏi - đáp lại khó chuẩn bị nhất, bởi không biết giám khảo sẽ hỏi câu nào. Hơn nữa, thời lượng trả lời mỗi câu hỏi thường chỉ từ 30 giây đến 1 phút, nếu không biết sắp xếp thì sẽ dễ rơi vào tình trạng có quá nhiều ý để nói, mà chọn tới chọn lui không nói được ý nào.

Muốn vượt qua được thử thách này, không còn cách nào khác ngoài việc phải hiểu thật kỹ về dự án của mình, chuẩn bị trước những câu hỏi có thể được hỏi.

Kỹ năng thuyết trình thường mang tính quyết định trong các cuộc thi khởi nghiệp. Trong cuộc thi Startup Runway 2018 được tổ chức vào tháng 6 vừa qua tại Đà Nẵng, dự án JustOrder của một nhóm sinh viên năm 1, Trường ĐH Kinh tế (ĐH Đà Nẵng) xuất sắc vượt qua 5 dự án khác đến từ các tỉnh, thành phố miền Trung để giành giải quán quân.

Trương Nguyên Thảo, Trưởng nhóm dự án, được đánh giá gây ấn tượng nhất cuộc thi khi thực hiện bài thuyết trình thuyết phục, tự tin bằng tiếng Anh trước ban giám khảo, góp phần không nhỏ giúp cả nhóm đạt thành tích cao.

Thảo bày tỏ: “Trong thời gian chuẩn bị cho vòng chung kết, nhóm đã tập luyện thuyết trình rất nhiều. Để soạn bài trình chiếu, em phải tìm ra được điểm khiến mình thích về dự án rồi tập trung vào điểm đó. Bởi vì, muốn khiến người khác hứng thú với điều mình nói thì bản thân mình phải hứng thú trước đã. Sau đó, ngày nào em cũng mở bài ra, canh thời gian rồi nói đi nói lại nhiều lần, chỉnh sửa câu từ sao cho gợi nhớ nhất”.

Không chỉ thuyết trình trong các cuộc thi, các nhà khởi nghiệp còn phải rèn luyện kỹ năng của mình khi tương tác trực tiếp với các nhà đầu tư. Trên thực tế, khó có nhà đầu tư nào quyết định rót vốn ngay sau một cuộc thi thuyết trình công khai.

Thuyết trình trong cuộc thi chỉ là bước đầu, giúp dự án khởi nghiệp gây được ấn tượng. Sau đó, nhà đầu tư thường sẽ hẹn gặp riêng người sáng lập dự án để tiếp tục tìm hiểu. Các buổi trao đổi chuyên sâu như vậy cũng rất cần đến kỹ năng “ăn nói”.

Với kinh nghiệm từ những lần gọi vốn của Homecares, chị Vân Anh cho biết, trước khi đến gặp nhà đầu tư, cần tìm hiểu kỹ lịch sử và các hạng mục đầu tư của những người có khả năng rót vốn cho dự án của mình.

Tại các buổi trao đổi chuyên sâu này, nhà đầu tư sẽ hỏi những câu thực tế, tìm hiểu kỹ về cả điểm mạnh, điểm yếu lẫn những thông tin không công khai của dự án. Điều quan trọng là phải hiểu rất rõ mình đang làm những việc gì, đang cần cái gì, và phải trung thực.

Trong buổi trao đổi với các dự án khởi nghiệp tại Vườn ươm Sông Hàn – Đà Nẵng, Giám đốc điều hành Traptap Bryce North cho hay, đôi lúc, các nhà khởi nghiệp chỉ có một vài giây phút ngắn ngủi khi tham gia các sự kiện kết nối, hay thậm chí là đứng cạnh nhà đầu tư trong thang máy. Trong hoàn cảnh đó, phải có kỹ năng nắm bắt cơ hội, trong thời gian ngắn nhất đưa ra đầy đủ thông tin thuyết phục nhà đầu tư.

Ông Bryce North gợi ý: “Hãy hiểu kỹ về dự án của mình, tập nói về tên dự án, sản phẩm của dự án, điểm nổi bật của sản phẩm, nhóm sẽ thực hiện dự án là những ai và họ sẽ làm gì trong dự án, những viện dẫn thực tế chứng minh tính khả thi của dự án, một vài lưu ý cho nhà đầu tư nếu chọn hay không chọn dự án… Tất cả chỉ trong khoảng thời gian một chiếc thang máy đi từ tầng 1 lên tầng 5 chẳng hạn”.

Phụ trách mảng đầu tư và thị trường của Công ty TNHH MTV Ylinkee, anh Phạm Đức Linh (đồng sáng lập công ty) cho biết, lỗi thường gặp của các bạn trẻ khởi nghiệp khi thuyết trình với nhà đầu tư là quá tập trung vào tính năng của sản phẩm dự án, mà không nêu được sản phẩm này sẽ giải quyết nhu cầu nào của thị trường, đánh vào đối tượng khách hàng nào, chiến lược marketing, kế hoạch tài chính ra sao. Ngoài ra, cần hiểu rằng đầu tư là một sự hợp tác, vì vậy, cần tìm hiểu rõ nhà đầu tư là ai, họ có thể giúp được gì cho dự án của mình ngoài vấn đề tài chính.

“Người khởi nghiệp phải là người hiểu rõ dự án của mình hơn ai hết. Họ biết cốt lõi của dự án nằm ở đâu, nguồn lực hiện có của dự án, nguồn lực họ đang kêu gọi. Không nên thổi phồng các con số của mình, bởi đa phần các nhà đầu tư đều là những người có kinh nghiệm và sẽ nhận ra sự không trung thực”, anh Linh nói.

Bài và ảnh: KHANG NINH

;
.
.
.
.
.
.