Liên kết thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm nội địa

.

Hơn 170 đơn vị, doanh nghiệp (DN) của 24 tỉnh, thành phố trên cả nước có mặt tại Trung tâm Hội chợ-Triển lãm quốc tế Đà Nẵng để tham dự Hội nghị kết nối cung – cầu năm 2018 do Sở Công thương thành phố tổ chức vào sáng 3-8 bày tỏ sự quan tâm đến việc liên kết hợp tác, quảng bá sản phẩm, học hỏi kinh nghiệm, tìm kiếm thị trường trong và ngoài nước.

Các đơn vị trưng bày và giới thiệu sản phẩm khi tham gia hội nghị kết nối cung - cầu sáng 3-8. Ảnh: KHÁNH HÒA
Các đơn vị trưng bày và giới thiệu sản phẩm khi tham gia hội nghị kết nối cung - cầu sáng 3-8. Ảnh: KHÁNH HÒA

Lần thứ ba có mặt tại hội nghị kết nối cung - cầu do thành phố Đà Nẵng tổ chức, bà Nguyễn Thị Hà, Phó Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất, chế biến và thương mại Hà Trung (tỉnh Phú Yên) cho biết, qua các lần tham gia kết nối, công ty đã ký được thỏa thuận hợp tác với nhiều DN ở các tỉnh miền Trung; qua đó, sản phẩm của công ty đã “lên kệ” ở nhiều siêu thị, cửa hàng bán lẻ lớn trên cả nước. “Một năm tôi tham gia nhiều hội nghị kết nối cung - cầu, vì vừa giới thiệu được sản phẩm vừa tìm kiếm được các bạn hàng tin cậy.

Tại Đà Nẵng, sau những lần kết nối trước, đến nay sản phẩm bò “1 nắng 2 sương”, cá cơm chiên giòn... của chúng tôi đã có mặt tại một số cửa hàng như: Đặc sản 3 miền, Thiên Phú... Năm nay, chúng tôi liên kết với Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Davina mở chi nhánh phân phối chính thức các sản phẩm của Hà Trung ra thị trường Đà Nẵng và khu vực miền Trung”, bà Hà nói.

Gian hàng trưng bày các sản phẩm rượu vang nho nguyên chất, đậu phụng rang cháy tỏi, mật nho nguyên chất, mứt rong sụn... của Công ty TNHH Sản xuất - thương mại và dịch vụ Hưng Phát Tài (Ninh Thuận) thu hút khá đông khách tham quan.

Ông Nguyễn Hoài Linh, Giám đốc công ty cho biết: “Chúng tôi đánh giá cao các hoạt động kết nối cung - cầu mà thành phố Đà Nẵng tổ chức; bởi qua đó giúp những DN nhỏ và vừa tìm kiếm bạn hàng, tiêu thụ sản phẩm, giúp các mặt hàng nội địa tìm được chỗ đứng trên thị trường”.

Dù đã thân quen với thị trường Đà Nẵng cũng như một số tỉnh, thành phố miền Trung trong vài năm trở lại đây, nhưng theo ông Phạm Ngọc Thạch, Chủ tịch HĐQT Hợp tác xã Xuân Phúc (Đà Lạt), mỗi lần tham gia kết nối cung - cầu, DN lại tìm thêm được những bạn hàng mới.

“Ngoài việc cung ứng sản phẩm, chúng tôi mong muốn liên kết với các đơn vị cùng ngành hàng để lấy nguồn hàng cung ứng tiếp cho các cửa hàng của chúng tôi đang trải dài trên cả nước”, ông Thạch nói.

Bà Nguyễn Thị Thu Hằng, Phó Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Kiến trúc Á Châu (Đà Nẵng) bày tỏ, qua 4 lần tham gia các hội nghị kết nối, đơn vị đã có được những bạn hàng lớn như: Công ty TNHH Nhà máy bia Heineken Việt Nam tại Đà Nẵng, Công ty CP Prime Đại Quang... Ngay trong sáng 3-8, công ty đăng ký sản lượng cung ứng 12.000 tấn sản phẩm/năm cho Công ty TNHH Shin Heung Vina với giá trị khoảng 100 tỷ đồng/năm.

Các đơn vị trưng bày và giới thiệu sản phẩm khi tham gia hội nghị kết nối cung - cầu sáng 3-8. 	      Ảnh: KHÁNH HÒA
Các đơn vị trưng bày và giới thiệu sản phẩm khi tham gia hội nghị kết nối cung - cầu sáng 3-8. Ảnh: KHÁNH HÒA

Theo đánh giá của nhiều DN và Sở Công thương các tỉnh, thành phố, sản phẩm vùng, miền hiện nay tuy nhiều nhưng sản lượng ít, quy mô sản xuất nhỏ, dẫn tới chưa đủ khả năng cung ứng khi bạn hàng yêu cầu với số lượng lớn.

“Quảng Ninh có lượng khách du lịch đến rất đông, sản phẩm đặc sắc, nhưng quy mô sản xuất còn hạn chế, không đủ cung ứng cho thị trường, lâu dần cũng mất đi thương hiệu”, ông Nguyễn Mạnh Hà, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Quảng Ninh nêu hạn chế của địa phương.

Với góc nhìn của DN, bà Nguyễn Thị Hà đề xuất các đơn vị, địa phương khi tổ chức hội nghị kết nối cung - cầu cần mời thêm các đại diện của chuỗi cửa hàng kinh doanh lớn, các khách sạn, siêu thị nhằm giúp DN có thể dễ dàng tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm của mình.

Ông Nguyễn Hà Bắc, Phó Giám đốc Sở Công thương cũng nhìn nhận, việc nhập và cung ứng sản phẩm giữa các đơn vị có số lượng lớn còn khá khiêm tốn, hơn nữa liên kết hợp tác mới chỉ dừng lại ở các DN sản xuất và thương mại, chưa có sự hợp tác giữa các DN sản xuất; một số biên bản ghi nhớ, thỏa thuận hợp tác chưa được thực hiện hiệu quả…

Vì vậy, để kết nối hiệu quả hơn, Sở Công thương sẽ tìm nhiều giải pháp trong thời gian tới. Hiện Sở Công thương đã có đại diện tại một số tỉnh Nam Lào, các DN có nhu cầu kết nối để tìm kiếm, mở rộng thị trường có thể liên hệ để nhận sự hỗ trợ kịp thời.

Hơn 200 doanh nghiệp tham gia Hội chợ EWEC 2018

Tối 3-8, tại Trung tâm Hội chợ - Triển lãm quốc tế Đà Nẵng, Trung tâm Xúc tiến thương mại (Sở Công thương) tổ chức khai mạc Hội chợ quốc tế thương mại, du lịch và đầu tư kinh tế Đông - Tây (EWEC 2018).

Tham dự có Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Kỳ Minh cùng đại diện ngoại giao của: Tổng Lãnh sự quán Thái Lan tại Thành phố Hồ Chí Minh, Đại sứ quán Lào tại Hà Nội, Phòng thương mại và Công nghiệp Myanmar, Bộ Du lịch Campuchia, Đại sứ quán Indonesia tại Hà Nội, Tổng Lãnh sự quán Trung Quốc tại Đà Nẵng, Sở Công thương và doanh nghiệp các tỉnh Savanakhet, Attapeu, Khăm muộn và Salavan (Lào)…và 22 tỉnh, thành phố trên cả nước.

Hội chợ năm nay có sự tham gia của hơn 200 doanh nghiệp với 350gian hàng trong và ngoài nước, giới thiệu các sản phẩm gồm: điện, điện tử, công nghệ thông tin, đồ gỗ, trang trí nội thất, thủ công mỹ nghệ, khách sạn, nhà hàng, hàng tiêu dùng, thực phẩm chế biến, hàng thời trang, dược phẩm, hóa mỹ phẩm...  Trong khuôn khổ của hội chợ còn có các hoạt động như:

Hội thảo giới thiệu các tiềm năng du lịch của Campuchia, do Bộ Du lịch Campuchia phối hợp Sở Du lịch Đà Nẵng tổ chức và hoạt động trao đổi giữa các doanh nghiệp lữ hành hai nước.

Hội chợ diễn ra đến hết ngày 8-8, mở cửa tự do.

Qua 5 lần tổ chức hội nghị kết nối cung - cầu tại thành phố Đà Nẵng, đã có 118 DN ký kết biên bản ghi nhớ trực tiếp tại hội nghị; 78 biên bản ghi nhớ, thỏa thuận hợp tác với tổng trị giá hơn 397 tỷ đồng. Trong đó, đã có 14 cặp biên bản ghi nhớ được ký kết giữa DN Đà Nẵng với DN các tỉnh, thành phố miền Trung-Tây Nguyên và cả nước, với tổng giá trị đạt hơn 53 tỷ đồng.

Riêng tại hội nghị lần này, đã có 13 cặp DN cùng ký biên bản ghi nhớ và thỏa thuận hợp tác. Hoạt động này đã góp phần đẩy mạnh thực hiện đề án “Phát triển thị trường trong nước” và cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, giúp DN, địa phương hợp tác tiêu thụ sản phẩm, khai thác tối đa khả năng của các vùng miền trên cả nước.

  Ông Nguyễn Lộc An, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương)

KHÁNH HÒA
 

;
.
.
.
.
.
.