Sản xuất sinh thái: Lợi ích lớn cho doanh nghiệp

.

Qua gần 4 năm triển khai dự án Khu công nghiệp (KCN) sinh thái tại KCN Hòa Khánh (quận Liên Chiểu), các chuyên gia đã đưa ra hơn 334 giải pháp sản xuất sạch hơn, trong đó, có 228 giải pháp được các doanh nghiệp (DN) thực hiện. Kết quả, các DN tiết kiệm được hơn 14 tỷ đồng/năm và cắt giảm lượng nước thải hơn 50.000m3/năm, giảm phát thải khí CO2 hơn 5.000 tấn/năm.

Nhà máy Giấy và bao bì Tân Long được tư vấn kỹ thuật và lắp đặt hệ thống chống tiêu hao nhiệt trong quá trình sản xuất tại phân xưởng.
Nhà máy Giấy và bao bì Tân Long được tư vấn kỹ thuật và lắp đặt hệ thống chống tiêu hao nhiệt trong quá trình sản xuất tại phân xưởng.

Nhà máy Giấy và bao bì Tân Long (Công ty TNHH Kiến trúc và Thương mại Á Châu) là một trong những đơn vị đầu tiên tại KCN Hòa Khánh đăng ký tham gia dự án vào năm 2016. Từ những đề xuất của các chuyên gia tư vấn của dự án, nhà máy đã áp dụng các biện pháp kỹ thuật về hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn (RECP), công nghệ sẵn có tốt nhất (BAT) để kiểm soát nguyên liệu và nhiên liệu sản xuất giấy, bao bì công nghiệp, hạn chế và tái sử dụng chất thải nhằm tăng lợi nhuận, bảo vệ môi trường.

Một trong những giải pháp tạo “ấn tượng mạnh” đối với khách đến tham quan nhà máy là lắp đặt các thiết bị chống tiêu hao nhiệt trong sản xuất. Giải pháp này không những làm lợi cho quá trình sản xuất, mà còn giảm thiểu tản nhiệt ra nhà xưởng gây nóng bức như trước đây, bảo đảm sức khỏe cho cán bộ, nhân viên.

Ông Hà Ngọc Thống, Giám đốc Công ty TNHH Kiến trúc và Thương mại Á Châu cho biết, với 23 giải pháp được áp dụng, sau đợt kiểm toán năng lượng cuối năm 2017 do dự án thực hiện cho thấy, nhà máy đã tiết kiệm chi phí sản xuất và chi phí khác hơn 2,5 tỷ đồng/năm, trong đó, giảm lượng tiêu thụ điện đến 972.000kWh/năm và giảm phát thải 544,16 tấn CO2.

Tham gia dự án KCN sinh thái, Công ty CP In và Dịch vụ Đà Nẵng áp dụng14 giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên và sản xuất sạch hơn, trong đó 9 giải pháp về quản lý nội vi được thực hiện.

Ông Trần Trung, Giám đốc công ty chia sẻ: “Sau hơn 1 năm thực hiện dự án, công ty đã thu được những lợi ích đáng kể. Việc ưu tiên thực hiện các giải pháp có chi phí đầu tư thấp, công ty đã tiết kiệm hơn 100 triệu đồng/năm, giảm tiêu thụ điện năng 1.125 kWh/năm, giảm phát thải 1 tấn khí CO2.

Với kết quả này, chúng tôi đề nghị, dự án tiếp tục là cầu nối giữa DN với các chuyên gia tư vấn về hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn, đồng thời, mong muốn dự án sẽ tiếp tục hỗ trợ các DN”.

Công ty CP Secoin Đà Nẵng được Tập đoàn Secoin Việt Nam đầu tư hoạt động tại KCN Hòa Khánh với sản phẩm chính là ngói màu, gạch bông, terrazzo và gạch bê-tông cốt liệu. Với kinh nghiệm lâu năm và tiên phong đối với sản phẩm không nung, công ty đã đăng ký tham gia dự án KCN sinh thái từ giữa năm 2017.

Sau 1 năm thực hiện dự án, các chuyên gia đã đề xuất 11 giải pháp nâng cao hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn cho DN, trong đó, 5 giải pháp về quản lý nội vi và kiểm soát quá trình đã được thực hiện. Mới đây, công ty đã đầu tư cải tiến dây chuyền sơn theo tư vấn của các chuyên gia. Việc thực hiện các giải pháp đã giúp công ty tiết kiệm gần 200 triệu đồng/năm, trong đó giảm tiêu thụ điện năng là 18.343 kWh/năm, giảm phát thải khí CO2 là 15 tấn/năm…

Tương tự, sau hơn 1 năm tham gia dự án KCN sinh thái, Công ty CP Đầu tư và Thương mại DIC Đà Nẵng đã triển khai 12 giải pháp và áp dụng 8 giải pháp trong quá trình sản xuất các sản phẩm gạch, ngói từ xi-măng…, giúp công ty tiết kiệm 50 triệu đồng/năm, trong đó giảm tiêu thụ điện năng 19.800 kWh/năm, giảm phát thải khí CO2 đến 16,14 tấn/năm… 

Thực hiện 11 giải pháp nâng cao hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn, trong đó, có 7 giải pháp về quản lý nội vi và kiểm soát quá trình sản xuất các phụ tùng ô-tô như: lọc gió, lọc dầu, lọc nhớt…, ông Nguyễn Anh Vũ, Giám đốc Công ty CP Hifill cho hay: “Lúc đầu, công ty tham gia dự án KCN sinh thái với mục tiêu là nhận được tư vấn từ các chuyên gia để nâng cao hiệu quả quy trình sản xuất, tăng năng lực cạnh tranh. Nhưng hơn 8 tháng tham gia cho thấy, đây là một quyết định đúng đắn.

Với việc ưu tiên thực hiện các giải pháp về máy nén khí, công ty đã tiết kiệm gần 500 triệu đồng/năm, giảm tiêu thụ điện năng đến 21.951 kWh/năm và giảm phát thải khí CO2 lên đến 12.289 tấn/năm. Công ty cũng kỳ vọng trong thời gian đến, dự án sẽ tiếp tục hỗ trợ, mang lại nhiều lợi ích cho các DN tham gia”.

Theo Ban Quản lý Các KCN và chế xuất Đà Nẵng, qua gần 4 năm triển khai thực hiện dự án KCN sinh thái tại KCN Hòa Khánh, tuy số lượng DN tham gia chưa nhiều, nhưng kết quả kiểm toán năng lượng tính đến tháng 5-2018 cho thấy, DN đã cắt giảm lượng nước thải hơn 50.000m3/năm, giảm phát thải khí CO2 tương đương hơn 5.000 tấn/năm. Bên cạnh đó, dự án cũng đã tổ chức đào tạo sử dụng an toàn hóa chất trong sản xuất công nghiệp cho gần 100 cán bộ chuyên trách tại KCN Hòa Khánh.

Trong khuôn khổ dự án, Ban Quản lý Các KCN và chế xuất Đà Nẵng đã phối hợp với Công ty TNHH Royal Haskoning DHV đánh giá hiện trạng hoạt động của Trạm xử lý nước thải tập trung của KCN Hòa Khánh; rà soát tình hình phát sinh, thu gom và xử lý nước thải của các DN có lưu lượng nước thải lớn.

Cạnh đó, phối hợp với Trung tâm Công nghệ môi trường khảo sát tình hình phát sinh, thu gom, xử lý chất thải rắn tại các DN. Các đơn vị tư vấn cũng phân tích thông tin và xây dựng các giải pháp kỹ thuật nhằm giảm thiểu chất thải thông qua trao đổi sản phẩm phụ giữa các DN, nâng cao hiệu quả Trạm xử lý nước thải tập trung…

Ngày 22-5-2018, Chính phủ ban hành Nghị định số 82/2018/NĐ-CP quy định về quản lý KCN và khu kinh tế, trong đó, nêu khái niệm, tiêu chí và ưu đãi đối với các DN trong KCN sinh thái.

Ban Quản lý Các KCN và chế xuất Đà Nẵng đang tiếp tục phối hợp triển khai xây dựng đề án cấp thành phố về chuyển đổi KCN Hòa Khánh theo mô hình KCN sinh thái trong thời gian tới để tạo điều kiện góp phần cho thành phố Đà Nẵng hướng tới mục tiêu “Thành phố môi trường”; đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN, thu hút đầu tư trong và ngoài nước, phù hợp với xu thế hội nhập và phát triển toàn cầu..

Bài và ảnh:  HOÀNG HIỆP

;
.
.
.
.
.
.