Bất cập thu gom rác thải sinh hoạt - Bài 3: Quá tải từ đường phố đến bãi rác

.

Thiếu công nhân, phương tiện và giờ thu gom rác bất hợp lý với số lần thu gom không bảo đảm khiến nhiều tuyến đường và khu dân cư trên địa bàn thành phố phải 2-3 ngày mới được thu gom rác, khiến rác ùn ứ ở một số nơi, gây ô nhiễm môi trường.

Một đoạn đường Trần Văn Trứ (quận Hải Châu) trở thành điểm tập kết rác thải lớn. 							        Ảnh: HOÀNG HIỆP
Một đoạn đường Trần Văn Trứ (quận Hải Châu) trở thành điểm tập kết rác thải lớn. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Những năm qua, điểm tập kết thùng rác tại đường Yên Bái đoạn sát giao lộ với đường Hùng Vương làm người dân phường Hải Châu 1, quận Hải Châu bức xúc. Nhiều thùng chứa đầy ngộn rác từ các tuyến đường lân cận được đẩy về đây để chờ xe cuốn ép đến nâng thùng và vận chuyển rác đi.

Vào buổi sáng, khi xe cuốn ép không hoạt động, một số xe ba gác đầy ngộn rác tập kết ở đây qua đêm bắt đầu bốc mùi hôi thối và gây mất mỹ quan đô thị. Đáng nói, đoạn đường này có nhiều khách du lịch đi bộ và trường học.

Trên địa bàn quận Hải Châu có đến 34 điểm tập kết nhiều thùng rác lớn như vậy và gây bức xúc cho người dân như: đường Nguyễn Hữu Thọ - đoạn trước nhà để xe của Bệnh viện Quân y 17, đường Trưng Nữ Vương - đoạn trước Đài Khí tượng thủy văn Trung Trung Bộ, đường Tiểu La - đoạn đối diện giao lộ với đường Lê Vĩnh Huy và Châu Thượng Văn…

Tương tự, ở quận Sơn Trà hiện có hơn 20 điểm tập kết thùng rác lớn. Trong khi đó, đường Hoàng Văn Thái (phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu), rất gần bãi rác Khánh Sơn, nhưng vẫn xuất hiện một điểm tập kết nhiều thùng rác lớn phía trước Công ty CP Dây cáp điện Tân Cường Thành. Rác từ nhiều khu vực dân cư được đẩy về đây và gây ô nhiễm môi trường.

“Người dân ở đây vốn đã khổ vì mùi hôi từ bãi rác Khánh Sơn tỏa xuống, còn phải sống chung với mùi hôi thối từ điểm tập kết thùng rác này. Rác được thu gom từ khắp nơi chở về nên luôn đầy thùng và tràn ra bên ngoài. Hằng ngày có nhiều xe cuốn ép rác chạy lên, xuống nhưng vẫn cứ để rác tồn đọng, gây mùi hôi”, ông Thái Văn Đông (người dân ở đường Hoàng Văn Thái) cho hay.

Nhiều năm nay, người dân ở đường Nguyễn Đức Trung (quận Thanh Khê) cũng “kêu trời” vì phải sống chung với mùi hôi thối thường xuyên tỏa ra từ trạm trung chuyển rác ở trên tuyến đường này. “Điểm trung chuyển rác này được thiết kế khoảng 10 tấn rác.

Quy trình ép rác ở trạm thì người dân không có ý kiến, nhưng do tập trung quá nhiều rác từ các khu dân cư chở về đây, có nhiều lúc còn để qua đêm nên rác ủ mùi hôi thối. Có lúc rác đổ về trạm hơn 20 tấn mà chỉ vận chuyển đi 10 tấn rác nên lượng rác tồn đọng gây mùi hôi làm người dân bức xúc phản ứng, nhiều lần kiến nghị di dời trạm trung chuyển rác này”, ông Đỗ Trọng Tài (ở đường Nguyễn Đức Trung) cho biết.

Trong khi người dân và chính quyền địa phương bức xúc, luôn quyết liệt đề nghị di dời, xóa bỏ các trạm trung chuyển rác, điểm tập kết nhiều thùng rác vì gây mất vệ sinh môi trường và mỹ quan đô thị trên đường phố, thì Công ty CP Môi trường đô thị Đà Nẵng lại than phiền về công tác thu gom, vận chuyển rác thải trên địa bàn thành phố hiện nay đang gặp nhiều khó khăn do thiếu điểm tập kết tạm thời để chờ xe đến vận chuyển đi xử lý.

Nhiều trạm trung chuyển rác được đầu tư xây dựng trước đây đã xóa bỏ do bức xúc của người dân. Các trạm trung chuyển rác xây dựng ở các quận Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn có vị trí không hợp lý nên không phát huy được hiệu quả.

Đến nay, trên địa bàn thành phố chỉ còn lại 300 điểm nâng gắp thùng rác, giảm 100 điểm so với trước khi cổ phần hóa công ty, vừa gây quá tải lên các điểm đang tồn tại, vừa gây khó khăn cho việc thu gom rác.

Ở quận Liên Chiểu, người dân ở các khu vực của phường Hòa Khánh Nam, Hòa Minh (quận Liên Chiểu) cũng đang phải chịu “tra tấn” bởi mùi hôi thối của rác khi đổ rác lên trên rác đã chôn lấp hộc rác số 4.

Do đổ rác ở cao trình cao và ở đầu ngọn gió nên toàn bộ mùi hôi của rác bị gió cuốn về phía đường Hoàng Văn Thái, Tôn Đức Thắng, Trường Đại học Duy Tân (đường Hoàng Minh Thảo), Trung tâm Bảo trợ xã hội Đà Nẵng, Trung tâm Điều dưỡng người tâm thần (đường Đà Sơn)… và xuống tận đường Nguyễn Tất Thành.

“Chúng tôi ở đường Hoàng Văn Thái nên không lạ gì mùi hôi thối của rác ủ do chôn lấp. Khi xuống đường Nguyễn Tất Thành để tắm biển cũng nghe thấy mùi hôi thối của rác ủ. Còn nước rỉ rác thì không chỉ nhuộm đen kênh Đa Cô mà còn làm chuyển màu nước sông Phú Lộc ra đến cửa biển”, ông Huỳnh Bá Nhất (người dân ở đường Hoàng Văn Thái) cho biết.

Theo Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường), mặc dù Công ty CP Môi trường đô thị có thực hiện phun chế phẩm khử mùi và phủ đất, nhưng do thực hiện chôn lấp ở vị trí cao, lượng rác tập trung vào ban đêm nên trong một số thời điểm mùi hôi từ bãi rác Khánh Sơn có ảnh hưởng đến khu vực dân cư xung quanh.

Để giảm thiểu tình trạng mùi hôi ảnh hưởng đến khu vực dân cư xung quanh trong quá trình vận hành chôn lấp rác tại bãi rác Khánh Sơn, Sở Tài nguyên và Môi trường đã yêu cầu công ty tăng cường các biện pháp xử lý mùi hôi.

Tuy nhiên, với khối lượng rác vận chuyển lên bãi rác Khánh Sơn khoảng 950 tấn/ngày như hiện nay (991 tấn rác vào ngày 31-8-2018), bãi rác Khánh Sơn được dự báo là bị lấp đầy sớm hơn dự kiến và đang rất “nóng”, căng thẳng vì việc đầu tư Dự án Khu liên hợp xử lý chất thải rắn chưa có quyết định cuối cùng.

Cũng theo Chi cục Bảo vệ môi trường, dự kiến khối lượng rác thải xử lý đến năm 2022 (thời điểm dự kiến đưa Dự án Khu liên hợp xử lý chất thải rắn vào hoạt động) là khoảng 1,9 triệu tấn. So với thể tích chứa rác hiện nay của bãi rác Khánh Sơn là không đủ đáp ứng và sẽ bị lấp đầy sớm hơn dự kiến.

Sở Tài nguyên và Môi trường đã đề xuất phương án kéo dài thời gian hoạt động của bãi rác Khánh Sơn đến khi đưa Dự án Khu liên hợp xử lý chất thải rắn vào hoạt động. Hiện nay, UBND thành phố đang giao Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng và phát triển đô thị Đà Nẵng tiến hành chuẩn bị thủ tục đầu tư trong năm 2018 và đầu tư, thi công trong năm 2019 kéo dài thời gian hoạt động của bãi rác Khánh Sơn đến khi đưa Dự án Khu liên hợp xử lý chất thải rắn vào hoạt động.

HOÀNG HIỆP – KHÁNH HÒA

;
.
.
.
.
.
.