Bất cập thu gom rác thải sinh hoạt - Bài cuối: Cần giải pháp đồng bộ

.

Mức thu nộp tiền rác tăng lên, nhưng việc áp dụng phương thức và công nghệ vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt lạc hậu; khoản tiền chi lương cho công nhân chỉ chiếm có 10% dẫn đến không giữ chân được công nhân, ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động thu gom rác thải sinh hoạt.

Tìm lời giải cho bài toán thu gom rác thải sinh hoạt là yêu cầu bức thiết để góp phần thực hiện thành công mục tiêu xây dựng đề án “Đà Nẵng-Thành phố môi trường”.

Trạm trung chuyển rác thải sinh hoạt ở đường Nguyễn Đức Trung sẽ được di dời vào năm 2020.
Trạm trung chuyển rác thải sinh hoạt ở đường Nguyễn Đức Trung sẽ được di dời vào năm 2020.

Phải giải quyết những bất cập

Tại Báo cáo số 127/BC-UBND ngày 17-5-2018 về quản lý chất thải sinh hoạt trên địa bàn thành phố, UBND thành phố chỉ ra, trong thời gian dài, thành phố chỉ có 1 đơn vị vừa thực hiện thu gom và vận chuyển, vừa xử lý rác thải sinh hoạt của toàn thành phố và quản lý bãi rác của thành phố.

Công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn chậm xã hội hóa, chưa huy động các thành phần tư nhân tham gia. Đã tồn tại những rào cản và sự phụ thuộc, ảnh hưởng đến nhu cầu tham gia khu vực tư nhân, khó khăn trong kiểm soát và yêu cầu nâng cao chất lượng phục vụ.

Do nguồn lực đơn vị dịch vụ chưa thật sự bảo đảm nên hoạt động thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt chưa đáp ứng yêu cầu, thiếu phương tiện, nhiều nơi không bảo đảm tần suất thu gom và dọn vệ sinh nên dẫn đến tồn rác trong các khu dân cư…

Làm việc với Ban Đô thị, HĐND thành phố vào ngày 15-6-2018, Công ty CP Môi trường đô thị cho biết, kinh phí đầu tư mua sắm phương tiện rất khó khăn vì ngân sách thành phố không chi trả thu gom, vận chuyển rác thải mà công ty phải tự thu từ các hộ dân, doanh nghiệp… Mức lương bình quân của người lao động còn thấp, nhưng quỹ lương không thể chi hết vì ảnh hưởng đến mục tiêu kinh doanh có lãi…

Trong khi đó, Báo cáo tài chính của Công ty CP Môi trường đô thị Đà Nẵng cho biết, năm 2017, doanh thu của công ty đạt 212,3 tỷ đồng. Tổng chi phí của năm 2017 là 203,3 tỷ đồng, trong đó, chi phí nguyên liệu, vật liệu  37,1 tỷ đồng; chi phí nhân công 119 tỷ đồng, chi phí dịch vụ mua ngoài 28,4 tỷ đồng, chi phí khấu hao tài sản cố định 11,2 tỷ đồng…

Lợi nhuận trước thuế 8,29 tỷ đồng. Đáng nói, báo cáo thể hiện chi phí nhân công trong năm 2017 lên đến 119 tỷ đồng, trong khi đó, tổng chi lương cho người lao động chỉ hơn 10 tỷ đồng, chỉ chiếm 10% so với chi phí nhân công.

Ông Lê Trung Minh Tân, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường quận Thanh Khê nhìn nhận: “Về tài chính, Công ty CP Môi trường đô thị Đà Nẵng và Xí nghiệp Môi trường quận Thanh Khê có thể tự cân đối và bù đắp được từ nguồn thu tiền rác ở các khách sạn, nhà hàng, quán ăn lớn.

Vấn đề là phải bảo đảm thu nhập cho người lao động để “giữ” chân công nhân, chứ không để xảy ra tình trạng nghỉ việc liên tiếp như thời gian qua làm thiếu nhân lực thu gom rác”.

Tìm giải pháp hợp lý

Ông Đặng Quang Vinh, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, theo Quyết định số 19/QĐ-UBND ngày 7-5-2018 của UBND thành phố về quản lý dịch vụ công ích vệ sinh môi trường, năm 2019, các quận, huyện sẽ thực hiện việc mời thầu dịch vụ vệ sinh môi trường; trong đó có 2 gói thầu là thu gom rác thải và dọn vệ sinh trên các tuyến đường.

Chắc chắn cũng sẽ có nhiều doanh nghiệp đến tham gia đấu thầu dịch vụ này, từ đó sẽ tạo chuyển biến trong việc thu gom rác thải sinh hoạt.

Nhằm nâng cao hiệu quả quản lý chất thải rắn sinh hoạt, cũng tại Báo cáo số 127/BC-UBND ngày 17-5-2018, UBND thành phố cho biết, sẽ triển khai đồng bộ quy hoạch xử lý chất thải rắn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Thành phố sẽ ban hành chính sách hoặc cơ chế phối hợp liên kết trong thu hút nguồn lực nước ngoài về bảo vệ môi trường; đồng thời ưu tiên bố trí kinh phí cho đầu tư, thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt. Cùng với đó, thành phố tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện Khu liên hợp xử lý chất thải rắn thành phố; có lộ trình đầu tư nâng cấp, cải tạo hoặc di dời, xây dựng trạm trung chuyển rác thải với công nghệ hiện đại, ít gây ô nhiễm môi trường.

Thành phố đẩy mạnh phân loại rác tại nguồn với phương thức phân loại, thu gom phù hợp; kết hợp phân loại rác tại các trạm trung chuyền nhằm tăng cường hiệu quả xử lý, tái chế rác thải và giảm tỷ lệ chất thải phải vận chuyển đi xử lý…

Trong khi đó, ông Trần Văn Tiên, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Môi trường đô thị Đà Nẵng cho rằng, trong đầu tư các trạm trung chuyển rác, cần đầu tư công nghệ hiện đại và mua sắm thêm phương tiện cơ giới để khép kín quy trình thu gom rác.

Ông Trần Văn Tiên tiết lộ, một doanh nghiệp sẵn sàng kết hợp với công ty đầu tư 80 tỷ đồng cho trạm trung chuyển rác tại khu vực rộng 1.000m2 ở đường Lê Thanh Nghị (quận Hải Châu) có công suất hơn 200 tấn rác/ngày; đầu tư khoảng 42 tỷ đồng xây dựng tại quận Sơn Trà một trạm trung chuyển rác thải rộng khoảng 700m2 có công suất khoảng 150 tấn rác/ngày và một số xe thu gom rác bằng cơ giới.

Nếu được UBND thành phố chấp thuận việc đầu tư này thì sẽ giảm rất đáng kể thời gian rác thải tồn tại ở trên đường phố của các quận Hải Châu, Thanh Khê và Sơn Trà. Ngoài ra, cũng cần đầu tư tại phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ một trạm trung chuyển tương tự.

Ông Đặng Đức Vũ, Tổng Giám đốc Công ty CP Môi trường đô thị Đà Nẵng cũng đặt vấn đề: “Thành phố cần chỉ đạo các địa phương quy hoạch các điểm tập kết rác tạm thời để trung chuyển rác ra khỏi địa bàn dân cư một cách hợp lý và nhanh chóng. Mặt khác, cho phép công ty triển khai mở rộng cơ giới hóa công tác thu gom, quy hoạch và đầu tư trạm trung chuyển với công nghệ hiện đại”.

Như vậy, để thực hiện thu gom rác thải sinh hoạt nói riêng, xử lý ô nhiễm môi trường nói chung, các ngành chức năng của Đà Nẵng cần xây dựng giải pháp căn cơ;  từ đó tham mưu lãnh đạo thành phố có chủ trương, quyết sách đúng đắn, lâu dài; thúc đẩy thực hiện mục tiêu xây dựng “Đà Nẵng - Thành phố môi trường” một cách bền vững.

"Đối với Đà Nẵng, bắt đầu từ năm 2018, công tác thu dọn vệ sinh môi trường thành phố đã giao hết về cho các quận, huyện thực hiện.
 
Theo đó, UBND các quận, huyện được toàn quyền đặt hàng và giám sát vấn đề này theo cơ chế đấu thầu công khai trong công tác xử lý vệ sinh môi trường”. 
 
Trích ý kiến của Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ về vấn đề xã hội hóa trong công tác thu gom rác tại phiên họp thường kỳ HĐND tháng 8-2018

HOÀNG HIỆP – KHÁNH HÒA

;
.
.
.
.
.
.