Cần sửa đổi quy trình vận hành liên hồ chứa

.

Hơn 1 tuần qua, nước sông Cầu Đỏ nhiễm mặn nặng và mực nước sông Yên tại đập dâng An Trạch hạ thấp do 2 hồ thủy điện Sông Bung 4 và A Vương ở mực nước chết từ ngày 31-8, gây thiếu nước sinh hoạt cục bộ cho thành phố Đà Nẵng.

Trao đổi với phóng viên Báo Đà Nẵng về những giải pháp xử lý tình trạng trên, ông Huỳnh Vạn Thắng, nguyên Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố, chuyên gia Quản lý tài nguyên nước và lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn, thành viên Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Đà Nẵng kiến nghị thành phố cần khẩn cấp làm việc với tỉnh Quảng Nam và nhà máy thủy điện Đăk Mi 4 để bảo đảm cấp nước sinh hoạt cho thành phố.

Thủy điện Đăk Mi 4 cần vận hành khẩn cấp cống xả sâu qua thân đập Đăk Mi 4A với lưu lượng đến 25m3/s để cấp nước sinh hoạt cho thành phố Đà Nẵng. Ảnh: Hoàng Hiệp
Thủy điện Đăk Mi 4 cần vận hành khẩn cấp cống xả sâu qua thân đập Đăk Mi 4A với lưu lượng đến 25m3/s để cấp nước sinh hoạt cho thành phố Đà Nẵng. Ảnh: Hoàng Hiệp

* 10 ngày qua, sông Cầu Đỏ nhiễm mặn nặng và gây thiếu nước sinh hoạt do các nhà máy thủy điện giảm và ngừng xả nước về hạ du. Ông có thể cho biết thêm về việc này?

- Theo quy định tại Quy trình vận hành liên hồ chứa thủy điện trên lưu vực Vu Gia - Thu Bồn do Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định số 1537/QĐ-TTg ngày 7-9-2015, kể từ ngày 31-8 hằng năm, các hồ thủy điện không xả nước nữa nên vận hành đưa các hồ về mực nước chết.

Vì khi xây dựng quy trình, các chuyên gia cứ nghĩ là đến ngày 31-8, các sông đầy nước rồi, không cần xả nước nữa. Hơn nữa, đến thời điểm nói trên, các trạm bơm thủy lợi phục vụ sản xuất vụ hè thu cũng không phải bơm nước vào ruộng nữa.

Nước trên các sông chủ yếu phục vụ sinh hoạt. Tuy các hồ thủy điện đã vận hành về mực nước chết, nhưng thực tế, vẫn có nước về các hồ thủy điện A Vương, Sông Bung 4 và có cả mưa. Các hồ vẫn có thể có nước để phát điện, xả nước về hạ du nên đề nghị các hồ thuỷ điện này xả nước về thành phố.

* Một tuần qua, 2 hồ thủy điện A Vương và Sông Bung 4 đã cố gắng xả nước phát điện về hạ du, làm hồ ở dưới mực nước chết và khó xả thêm vì sợ mất an toàn nhà máy. Hiện nay, để giải quyết tình trạng thiếu nước, xâm nhập mặn ở hạ du, cần thực hiện biện pháp khẩn cấp nào?

- Công ty CP Cấp nước Đà Nẵng đang chủ động và tích cực thực hiện việc bơm nước ngọt từ đập dâng An Trạch về Nhà máy nước Cầu Đỏ để sản xuất, nhất là ở những thời điểm nước từ thượng nguồn về kha khá, đừng thụ động bơm vào giờ hành chính và thời điểm thiếu nước sản xuất.

Theo tôi, lãnh đạo thành phố cần làm việc với tỉnh Quảng Nam và đề nghị khẩn cấp đắp tạm bằng vài trăm bao cát tại cửa sông Quảng Huế để chặn nước từ sông Vu Gia chảy về sông Thu Bồn và đưa nước về sông Ái Nghĩa, sông Yên.

Đây là biện pháp khẩn cấp nhằm bảo đảm cấp nước sinh hoạt cho thành phố Đà Nẵng. Đến khi có lũ về thì cho bao cát tự trôi, không ảnh hưởng đến việc thoát lũ. Đồng thời, yêu cầu chủ hồ thủy điện Đăk Mi 4 duy trì xả nước về sông Vu Gia với lưu lượng hơn 3m3/s.

Tại nhiều diễn đàn, ông Huỳnh Vạn Thắng đề nghị sửa đổi quy trình vận hành liên hồ thủy điện trên lưu vực Vu Gia - Thu Bồn để chống nhiễm mặn, thiếu nước sinh hoạt.
Tại nhiều diễn đàn, ông Huỳnh Vạn Thắng đề nghị sửa đổi quy trình vận hành liên hồ thủy điện trên lưu vực Vu Gia - Thu Bồn để chống nhiễm mặn, thiếu nước sinh hoạt.

* Thực tế từ ngày 3-9 đến nay, hồ thủy điện Đăk Mi 4 chỉ xả nước về sông Vu Gia với lưu lượng 3,2m3/s. Hiện nay, mực nước hồ này đang cao hơn mực nước chết 5m. Liệu có cách nào yêu cầu chủ hồ thủy điện Đăk Mi 4 vận hành cống xả sâu để trả nước về sông Vu Gia nhiều hơn?

- Trước đây, thành phố Đà Nẵng đề nghị làm cống xả sâu qua thân đập Đăk Mi 4A bảo đảm trả nước về sông Vu Gia với lưu lượng rất lớn, nhưng chủ hồ thủy điện chỉ làm cống xả sâu với thiết kế lưu lượng tối đa 25m3/s.

Cống xả sâu này được xây dựng ở cao trình dưới mực nước chết của hồ nên hồ này vẫn còn có khả năng tăng lưu lượng xả nước về sông Vu Gia.

Theo tôi, cần đề nghị chủ hồ thủy điện Đăk Mi 4 vận hành cống xả sâu này với lưu lượng đến 25m3/s nhằm bảo đảm nước sinh hoạt cho thành phố trong thời gian ngắn này thôi, chứ thời gian ngắn nữa thì mưa nhiều, nước về hồ nhiều nên cũng đáp ứng đủ. Tôi nghĩ, chủ hồ thủy điện Đăk Mi 4 cũng sẵn sàng vận hành cống xả sâu để trả nước về sông Vu Gia với lưu lượng lớn.

* Thưa ông, về lâu dài cần khắc phục việc nhiễm mặn nặng và thiếu nước sinh hoạt như hiện nay ra sao ?

- Thực tế, trong 2 năm qua, nhờ chế độ thủy văn và các chủ hồ thủy điện tuân thủ đúng Quy trình vận hành liên hồ chứa thủy điện trên lưu vực Vu Gia – Thu Bồn nên có rất ít ngày bị nhiễm mặn nặng tại sông Cầu Đỏ.

Tình hình nhiễm mặn nặng ở sông Cầu Đỏ và thiếu nước sinh hoạt hiện nay là do “trục trặc” ở quy trình vận hành liên hồ với quy định đến ngày 31-8 hằng năm đưa hồ về mực nước chết nhưng thực tế thời tiết còn kéo dài mùa kiệt, chưa đến mùa mưa.

Vì thế, trong thời gian tới, chúng ta cần đề nghị Bộ Công thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường sửa đổi quy trình vận hành liên hồ chứa thủy điện sao cho có lợi và có tính đến tình huống đến cuối mùa kiệt mà vẫn tiếp tục kiệt nước trong khi mùa mưa lại đến trễ.

Theo đó, có thể kéo dài thời gian vận hành mùa kiệt thay vì đến ngày 31-8 như quy định hiện nay và các chủ hồ thủy điện cũng cần dự phòng lượng nước sẽ phát vào cuối mùa kiệt để ứng phó với tình hình nhiễm mặn, thiếu nước.

Mặt khác, để giải quyết căn cơ tình hình thiếu nước sinh hoạt và nhiễm mặn ở thành phố Đà Nẵng, cần nâng cao trình mực nước khống chế tại Trạm thủy văn Ái Nghĩa (huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) lên cao hơn trong mùa kiệt để các hồ thủy điện xả nước về hạ du nhiều hơn.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần có giải pháp điều chỉnh tỉ lệ phân lưu nước tại cửa sông Quảng Huế vì hiện nay tỉ lệ phân lưu nước từ sông Vu Gia chảy về sông Thu Bồn cao hơn trước đây...

Ngoài ra, cần có cơ chế phối hợp hiệu quả hơn giữa các chủ hồ thủy điện và chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng ở tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng để khi có sự cố nhiễm mặn, thiếu nước xảy ra hoặc có các tình huống bất ngờ thì liên lạc, giải quyết kịp thời…    

Trước mắt, thành phố cần đề nghị 2 thủy điện A Vương, Sông Bung 4 có bao nhiêu nước về hồ thì xả về hạ du vì ít hôm nữa mưa về thì nước đầy hồ. Cạnh đó, cần đề nghị thủy điện Đăk Mi 4 vận hành cống xả sâu và đắp đập tạm tại cửa sông Quảng Huế để nước từ thượng nguồn chảy về bảo đảm cấp nước sinh hoạt cho thành phố Đà Nẵng.

* Xin cảm ơn ông!

Ông Hồ Hương, Tổng Giám đốc Công ty CP Cấp nước Đà Nẵng: Đề nghị chủ hồ thủy điện Đăk Mi 4 xả nước về sông Vu Gia

Từ đầu năm nay đến tháng 8, độ mặn của sông Cầu Đỏ duy trì liên tục vài giờ rồi giảm, nhưng từ đó đến nay thì độ mặn duy trì suốt ngày và kéo dài.

Chúng tôi liên hệ với nhà máy thủy điện A Vương (ở thượng nguồn sông Vu Gia) thì được thông báo là hồ đang ở mực nước chết, nhưng vẫn cố gắng xả nước.

Công ty đã có báo cáo lên UBND thành phố và các sở để có biện pháp giải quyết về nguồn nước. Trước đây, khi bị nhiễm mặn, chúng tôi liên hệ ngay với thủy điện A Vương, thì được xả nước về mạnh làm độ mặn giảm và hết mặn.

Lần này cũng được thủy điện A Vương xả nước về nhưng độ mặn vẫn còn duy trì ở mức cao vì hồ thủy điện thiếu nước. Qua theo dõi thì thấy hồ thủy điện Đăk Mi 4 còn nhiều nước nên đề nghị chủ hồ thủy điện Đăk Mi 4 xả nước về sông Vu Gia để bảo đảm cấp nước sinh hoạt cho thành phố Đà Nẵng.
 

Ông Nguyễn Sơn, Phó Giám đốc Công ty Thủy điện Sông Bung: Cần có văn bản mới có thể xả nước phát điện

Hiện nay, hồ thủy điện Sông Bung 4 đã ở mực nước chết. Hồ thủy điện Sông Bung 2 thì do cột nước cao, đang vận hành 1 tổ máy với lưu lượng 15m3/s nước nên không bổ sung cho hồ Sông Bung 4 được bao nhiêu nước.

Một tổ máy của thủy điện Sông Bung 4 xả nước phát điện với lưu lượng nước đến 60m3/s nên vận hành rất khó khăn khi hồ ở dưới mực nước chết.

Hơn nữa, việc vận hành máy ở dưới mực nước chết phải xin phép rất phức tạp và nếu không cẩn thận, để lọt khí vào đường hầm dẫn nước thì ảnh hưởng đến áp lực của đường hầm, tuổi thọ công trình...

Vì thế, chỉ khi có lý do đặc biệt thì mới xin phép và được xem xét vận hành xả nước phát điện ở dưới mực nước chết vì nguyên tắc vận hành bảo đảm an toàn là trên hết.

Nếu Đà Nẵng thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng thì thành phố gửi văn bản để có lý do và cơ sở xin phép xả nước phát điện dưới mực nước chết.

HOÀNG HIỆP thực hiện

;
.
.
.
.
.
.