Đào tạo nghề và việc làm: Còn nhiều việc phải làm

.

Nghị quyết về nhiệm vụ năm 2018 của HĐND thành phố tại kỳ họp thứ 6, khóa IX, nhiệm kỳ 2016-2021 nêu mục tiêu: Tỷ lệ việc làm tăng thêm 4,04%; tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 51%; tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị còn 3,4%. Đến nay, nhiều chỉ tiêu đã đạt và vượt, tuy nhiên vẫn còn nhiều việc phải làm...

Học sinh THPT trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn được mời tham dự Ngày hội việc làm 2018 do Sở LĐ-TB&XH tổ chức để các em có thông tin chọn nghề nghiệp sau tốt nghiệp.
Học sinh THPT trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn được mời tham dự Ngày hội việc làm 2018 do Sở LĐ-TB&XH tổ chức để các em có thông tin chọn nghề nghiệp sau tốt nghiệp.

Báo cáo sơ kết thực hiện công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm của Sở LĐ-TB&XH 6 tháng đầu năm 2018 cho thấy, một số chỉ tiêu quan trọng đã đạt và vượt như: giải quyết việc làm đạt 52,11%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 51%. Đặc biệt, tỷ lệ thất nghiệp chung của cả thành phố chỉ còn 0,9%, vượt rất xa so với chỉ tiêu nghị quyết của HĐND thành phố đề ra. Tuy nhiên, công tác đào tạo nghề, cơ cấu ngành nghề, số việc làm mới được tạo ra cũng như khai thác thị trường lao động nước ngoài... còn nhiều tồn tại cần sớm tháo gỡ.

Theo thống kê của Phòng Việc làm - An toàn lao động, Sở LĐ-TB&XH, cơ cấu trình độ lao động của thành phố đang rơi vào tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ”. Điều nghịch lý là dù thừa “thầy”, nhưng khi các doanh nghiệp tuyển dụng lao động về làm việc đều phải đào tạo lại, trong đó chủ yếu là các kỹ năng mềm như giao tiếp, xử lý tình huống. Điều đáng quan ngại nữa là công tác tạo việc làm cho người lao động trong độ tuổi 18-25 vẫn chưa như mong đợi, thiếu tính ổn định. Nguyên nhân chính vẫn là nhiều lao động trẻ của thành phố (kể cả những người trong diện được hỗ trợ học nghề, chuyển đổi nghề) không muốn mất thời gian học nghề mà chỉ muốn làm việc không qua đào tạo và có thu nhập ngay. Trong khi đó, nguồn lao động chất lượng cao của thành phố dù đã đạt tỷ lệ khá tốt là 70% qua đào tạo (21% có trình độ đại học và cao đẳng, 2% có trình độ thạc sĩ trở lên, 16% trình độ trung cấp và 33% trình độ công nhân kỹ thuật)... nhưng chỉ có khoảng 3% có đủ khả năng ngoại ngữ để làm việc tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hoặc tham gia thị trường lao động quốc tế. Điều này cũng giải thích vì sao nghị quyết HĐND thành phố nêu rõ trong năm 2018 tập trung “nghiên cứu và mở rộng thị trường lao động nước ngoài”, nhưng đến nay, trong số 1.739 lao động làm việc ở nước ngoài (do các trung tâm giới thiệu việc làm thành phố thực hiện) chỉ có 244 lao động là người dân thành phố làm việc ở thị trường Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Malaysia và Hàn Quốc. Đây là con số vô cùng khiêm tốn, khi gần đây các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thành phố đã chủ động xây dựng giáo trình đào tạo một số ngành nghề các quốc gia trong khu vực rất cần như: điều dưỡng, chăm sóc cây cảnh, cơ khí, xây dựng... Theo đánh giá của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thành phố, lý do chính vẫn là học viên theo các lớp học nghề để tham gia thị trường lao động quốc tế chưa xác định rõ mục tiêu của mình. Vì vậy, nhiều học viên vấp phải khó khăn về ngoại ngữ nên bỏ học giữa chừng. Trong khi đó, Đà Nẵng đang là một trong những thị trường thu hút ngày càng nhiều lao động từ các nước trên thế giới tìm đến. Tính đến giữa năm 2018, đã có 1.750 lao động nước ngoài đến từ 55 quốc gia trên thế giới đang làm việc tại Đà Nẵng; tuy vậy, mới có trên 1.214 người được cơ quan chức năng cấp giấy phép lao động. Điều này không những đặt ra vấn đề quản lý lao động, mà còn cho thấy sự cạnh tranh trên thị trường lao động giữa người lao động thành phố, các tỉnh, thành và lao động người nước ngoài.

Đà Nẵng hiện có 66 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó có 21 trường cao đẳng, 6 trường trung cấp, 12 trung tâm giáo dục nghề nghiệp và 27 cơ sở giáo dục nghề nghiệp khác. Thành phố cũng đã hình thành và duy trì đều đặn các phiên chợ việc làm, ngày hội việc làm; triển khai đề án “Phát triển thông tin thị trường lao động”; đang triển khai chương trình “Có việc làm”...

Đây có thể nói là điều kiện rất thuận lợi mà người lao động ở nhiều tỉnh, thành khác không dễ có được; tuy nhiên thực tế vẫn chưa đem lại kết quả như mong đợi. Nguyên nhân thì có nhiều và đã được nhận diện, đó là sự kết nối cung cầu lao động chưa tốt; công tác đào tạo chưa theo sát thực tế, công tác dự báo thị trường lao động chưa đầy đủ và còn ngắn hạn... Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền chưa thực sự đạt hiệu quả. Nhiều thông tin tuyển dụng, đào tạo, cơ hội làm việc ở nước ngoài cũng như trong nước... vẫn chưa đến rộng rãi với người lao động.

Theo ông Nguyễn Văn An, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, ngành lao động thành phố đang nỗ lực để tháo gỡ những tồn tại nêu trên. Trước hết, thời gian đến, Sở LĐ-TB&XH sẽ phối hợp với các đơn vị chức năng tăng cường theo dõi, quản lý chặt chẽ tình hình lao động nước ngoài đang làm việc tại thành phố; tiếp tục triển khai hiệu quả Đề án thông tin thị trường lao động, sàn giao dịch việc làm, tổ chức phiên chợ di động. Ngành thực hiện việc kiểm tra tình hình chấp hành pháp luật về lao động tại các doanh nghiệp; có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp tham gia quá trình đào tạo ở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp nhằm bảo đảm việc “học đi đôi với hành”; tạo điều kiện, thúc đẩy mạnh hơn nữa công tác xã hội hóa giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thành phố.

Bài và ảnh: THANH VÂN

;
.
.
.
.
.
.