Khởi sắc làng đá mỹ nghệ Non Nước

.

Làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước đang từng bước nâng tầm về hình ảnh, thương hiệu, nâng cao đời sống của công nhân và người dân nơi đây; quan trọng nhất là giữ gìn và phát huy truyền thống làng nghề để chế tác những sản phẩm đá mỹ nghệ ngày càng tinh xảo.

Công nhân làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước hiện có thu nhập ổn định.
Công nhân làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước hiện có thu nhập ổn định.

Thu nhập ổn định

Anh Trần Hùng, công nhân học việc tại Làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước gần 3 năm nay, là người phường Hòa Hải. Sau thời gian làm đủ nghề ở những nơi khác, cuối năm 2016, anh về xưởng đá của người cậu của mình để học nghề và làm công ăn lương. Anh Hùng cho biết, mỗi tháng làm được khoảng 20 công; với công thợ như anh (đang học nghề), thu nhập khoảng 6-7 triệu đồng. Nếu nhanh tay, nhanh trí, khoảng 5 đến 5,5 năm nữa, anh sẽ “tốt nghiệp”. Khi đó, công thợ cao hơn nhiều, thu nhập hằng tháng có thể từ 10 triệu đồng trở lên.

“Ban đầu học việc chẳng được mấy đồng. Nhưng kiên trì, chịu khó thì sau khi lành nghề, công thợ chí ít cũng 300.000 - 500.000 mỗi ngày, chưa kể có thể mở xưởng chế tác, sản xuất riêng”, anh Hùng chia sẻ, đồng thời cho biết những thợ học việc như anh cần học ở những nghệ nhân trong việc hoàn thiện một tác phẩm không chỉ đơn thuần bằng thao tác đục đẽo, mài gọt, mà còn chuyển tải tình cảm của người chế tác, sáng tạo.

Anh Hùng cũng nhận thấy nhu cầu tiêu thụ sản phẩm đá mỹ nghệ trên thị trường ngày càng cao. “Hiện nay, người có điều kiện kinh tế thường có nhu cầu mua sản phẩm đá mỹ nghệ. Hơn nữa, làng nghề cũng cần hướng đến việc xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài”, anh bày tỏ.

Ông Phan Thương, chủ một cơ sở sản xuất (CSSX) đá mỹ nghệ cho biết, để tạo nên sản phẩm ưng ý và có nét đặc sắc, nghệ nhân, công nhân không chỉ là những “cái máy đẽo” đá, mà phải thẩm thấu sự giao thoa giữa nền văn hóa Việt cổ và Chămpa trong sáng tác và tạo hình sản phẩm. Tác phẩm không phải là sản phẩm thông thường, bởi phải có hồn, nét cuốn hút đặc biệt; mỗi sản phẩm là một nét riêng biệt dù cùng khuôn mẫu.

“Khi khắc trổ các tượng Phật, hay tượng Chúa Jesu, các nhân vật nổi tiếng, nghệ nhân, công nhân cũng phải nắm bắt lược sử của họ để có thể hình dung rồi làm sản phẩm theo yêu cầu của khách hàng. Mặt khác, sản phẩm phải mang được cái chất riêng của người sáng tạo dù làm theo đơn đặt hàng”, ông Thương nói. Đó là chưa kể nhiều người sau khi tốt nghiệp đại học kiến trúc, trở thành kiến trúc sư, về làng mở xưởng sản xuất, sáng tác, góp phần nâng cao chất lượng của làng nghề.

Sản phẩm đá mỹ nghệ Non Nước hiện phong phú về màu sắc và đa dạng về chủng loại. Không dừng lại ở việc sản xuất các đồ dùng thông dụng trong đời sống thường nhật, còn có những đồ trang sức như: vòng, nhẫn, chuỗi hạt…; có cả những con cóc chặn giấy bằng đá, những cặp sư tử thường được trưng ở những sảnh lớn, hay những cặp cá thần tiên bằng đá cẩm thạch…

Ông Huỳnh Quang Trung, Chủ tịch UBND phường Hòa Hải cho biết, mức thu nhập bình quân của mỗi thợ đá hiện nay dao động từ 500.000 đồng/ngày trở lên, tùy tay nghề từng người, mang lại cuộc sống ổn định cho người dân, giải quyết tốt vấn đề an sinh xã hội cho địa phương.

Trong khi đó, theo báo cáo của Ban quản lý Làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước, hiện làng nghề có khoảng 500 CSSX, thu hút hơn 1.500 lao động, tạo ra giá trị sản phẩm hằng năm từ 120-130 tỷ đồng, mức thu nhập bình quân thợ đá từ 7-10 triệu đồng/tháng, góp phần đáng kể ổn định kinh tế địa phương.

Tìm hướng mở cho làng nghề

Mặc dù công tác quy hoạch Làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước đã dần hoàn thiện nhưng vẫn còn những khó khăn nhất định. Bên cạnh đó, ý tưởng đưa làng nghề phát triển và mở ra hướng đi mới, mang lại lợi ích kinh tế cũng như giá trị thương hiệu ngày càng tăng cao là bài toán không thể giải ngày một ngày hai.

Theo ông Huỳnh Quang Trung, hiện còn hơn 100 CSSX xen kẽ trong các khu dân cư phát sinh tiếng ồn, ô nhiễm môi trường. Ngoài ra, việc quy hoạch ban đầu về diện tích nhà xưởng chưa hợp lý gây khó khăn cho các hộ trong quá trình hoạt động.

Khách du lịch đến tham quan, mua sắm tại địa phương chủ yếu là người Hàn Quốc và Trung Quốc. Họ có nhu cầu mua sắm nhưng sản phẩm đá mỹ nghệ tại Làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước khó cạnh tranh với hàng có xuất xứ Trung Quốc (như vòng đeo tay, chuỗi hạt làm bằng nhựa giả đá)…

Ông Võ Đức Huy, Trưởng ban quản lý Làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước cho biết, trong tổng số 500 CSSX, tại làng đá tập trung chỉ đủ bố trí 368 cơ sở. Nhu cầu mở rộng làng nghề (giai đoạn 2) rất cần thiết để bố trí hết các hộ CSSX vào hoạt động.

Theo kiến nghị của UBND phường Hòa Hải, cần sớm quy hoạch dứt điểm giai đoạn 2 Làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước để các cơ sở chưa có đất sớm vào tập trung trong làng nghề; đề nghị xây tường rào (bên cạnh trồng cây bao quanh chống bụi bay) để ngăn bụi phát tán ra khu dân cư lân cận cũng như an toàn cho làng nghề; đề xuất hỗ trợ vốn vay ưu đãi để tăng cường đầu tư công nghệ sản xuất ít gây ô nhiễm môi trường, các hộ nhỏ lẻ có điều kiện phát triển, mở rộng sản xuất.

“Kế hoạch xây dựng ý tưởng “làm du lịch làng nghề” đã có nhưng để hiện thực hóa ý tưởng này, cần sự quan tâm hỗ trợ của các cấp, các ngành; hỗ trợ kinh phí, biện pháp để quản lý tốt môi trường, nước thải, bụi phát tán; đường giao thông nội bộ thông thoáng; bố trí khu trưng bày tượng đẹp, sản phẩm đẹp; hình thành khu dịch vụ, thương mại; đẩy mạnh quảng bá, truyền thông để thu hút và hướng khách du lịch đến với làng nghề...”, ông Huy cho hay.

Làng đá mỹ nghệ Non Nước (phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn) có tuổi đời trên 300 năm. Dẫu vậy, phải đến năm 2013, làng đá mới chính thức được công nhận là Làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước, được ghi danh một cách chính thống, thoát khỏi hình thức tự phát như hàng trăm năm tồn tại.

Năm 2014, Làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước được Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản phi vật thể cấp quốc gia. Theo đó, làng nghề hội đủ 4 tiêu chí theo quy định của Luật Di sản văn hóa: có tính đại diện, thể hiện bản sắc cộng đồng, địa phương; phản ánh sự đa dạng văn hóa và sự sáng tạo của con người, được kế tục qua nhiều thế hệ; có khả năng phục hồi và tồn tại lâu dài; được cộng đồng đồng thuận, tự nguyện đề cử và cam kết bảo vệ.

Bài và ảnh: TRỌNG HUY

;
.
.
.
.
.
.