Vóc dáng mới ở Hòa Vang

.

Từ một vùng quê nghèo, cùng với quá trình phát triển của thành phố, các cấp Hội Nông dân và nông dân huyện Hòa Vang nỗ lực phấn đấu xây dựng, nâng chuẩn nông thôn mới, đem lại nhiều kết quả khả quan.  

Một vùng rau chuyên canh của nông dân Hòa Vang.
Một vùng rau chuyên canh của nông dân Hòa Vang.

Từ hiến đất mở đường

Đi trên con đường DH8 khang trang chạy ngang qua xã Hòa Khương, chúng tôi thật ngỡ ngàng về sự đổi thay của diện mạo nông thôn nơi đây. Con đường hẹp, lồi lõm ngày nào giờ đã được thảm bê-tông nhựa bằng phẳng, thẳng tắp, rộng 7,5 mét, chạy giữa những xóm làng xanh tươi, trù phú. Để có con đường này, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa Khương Trần Văn Mười cho biết, đội ngũ cán bộ Hội vận động nhân dân hiến đất và tháo dỡ vật kiến trúc, bàn giao mặt bằng để mở rộng đường DH8 và chỉ trong vòng 2 tháng, toàn bộ tuyến đường dài gần 8km đã hoàn thành.

Ở xã Hòa Phong, Hội Nông dân đã phối hợp vận động hơn 1.000 hộ dân đồng lòng hiến đất, tháo dỡ tường rào, cổng ngõ để mở rộng, nâng cấp 12 tuyến đường. Nhân dân thôn Trà Kiểm (xã Hòa Phước) cũng đã hiến hàng ngàn mét vuông đất để mở rộng các tuyến đường giao thông theo chuẩn nông thôn mới (rộng từ 3,5 mét trở lên). Riêng hộ bà Lê Thị Hiền đã hiến 700m2 đất trong công trình mở đường từ Nhà Văn hóa thôn Trà Kiểm đi lên xã Điện Hòa (thị xã Điện Bàn, Quảng Nam). Trước quang cảnh đường làng ngõ xóm khang trang và sự thay da đổi thịt trên đồng đất quê hương, bà Hiền hồ hởi nói: “Mọi người dân phải cùng nhau đóng góp, đồng tâm hợp sức xây dựng các công trình chung thì xóm làng mới phát triển...”.

Những năm qua, phong trào xây dựng nông thôn mới được nông dân toàn huyện đồng tình hưởng ứng. Các cấp Hội và bà con nông dân thể hiện rõ vai trò chủ thể trong chương trình xây dựng và nâng chuẩn nông thôn mới, nhất là trên lĩnh vực hiến đất, chặt dọn cây trồng, tháo dỡ vật kiến trúc để xây dựng và hoàn thiện hệ thống giao thông nông thôn. Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Nguyễn Văn Lý cho biết, nhân dân toàn huyện đã hiến 223.000m2 đất và đóng góp hơn 60.000 ngày công để làm đường giao thông, với tổng giá trị đất hiến trên 200 tỷ đồng; người hiến nhiều nhất là ông Chu Văn Hệ ở thôn Phước Sơn, xã Hòa Khương, đã hiến 1.800m2 đất.

Các mô hình sản xuất mới

Với sự hỗ trợ của chính quyền và các cơ quan chức năng, nông dân Hòa Vang đã làm nhiều mô hình sản xuất mới đạt hiệu quả, tiêu biểu như sản xuất lúa hữu cơ, trồng hoa/cây cảnh, trồng rau chuyên canh. Mô hình sản xuất lúa hữu cơ triển khai đầu tiên vào năm 2013 tại thôn An Trạch (xã Hòa Tiến), nằm trong khuôn khổ hợp tác giữa Hội Nông dân thành phố với Tập đoàn Quế Lâm. Đây là phương pháp sản xuất lúa chỉ sử dụng phân hữu cơ và thuốc sinh học (hoàn toàn không dùng phân vô cơ và thuốc hóa học). Sản xuất lúa hữu cơ giảm được chi phí đầu vào mà giá bán sản phẩm lại cao hơn các loại lúa sản xuất theo kiểu truyền thống. Ông Nguyễn Đính, một trong những hộ sản xuất lúa hữu cơ ở thôn An Trạch cho biết, các loại lúa khác hiện có giá bán 6.000 đồng/kg, nhưng lúa sản xuất theo phương pháp hữu cơ giá bán đến 8.000 đồng/kg và có bao nhiêu đều bán hết, vì lúa này cho ra gạo ngon hơn nhiều. Từ mô hình thí điểm ở thôn An Trạch, đến nay toàn huyện đã có gần 200ha sản xuất lúa hữu cơ.       

Các mô hình trồng hoa/cây cảnh, trồng rau chuyên canh phát triển mạnh ở nhiều nơi trên địa bàn huyện. Tại thôn Trung Nghĩa (xã Hòa Ninh), anh Nguyễn Anh Duy đầu tư hơn 200 triệu đồng, làm nhà lưới để trồng hoa dạ yến thảo. Tùy theo thời tiết, anh điều chỉnh khoảng trống của mái lưới và lượng nước tưới nhằm bảo đảm nhiệt độ và độ ẩm phù hợp cho hoa phát triển. Hằng tuần, anh Duy đưa sản phẩm đến bán cho các đại lý hoa trên đường Hà Huy Tập (quận Thanh Khê). Hoa của anh đẹp, nhiều người ưa thích, nên được nhận tiêu thụ dài hạn. Còn mô hình trồng rau chuyên canh ở thôn Thạch Nham Tây (xã Hòa Nhơn) được dự án QSEAP tài trợ xây dựng đồng bộ cơ sở hạ tầng (giàn sắt, giếng bơm, nhà sơ chế, đường giao thông nội bộ...), tư vấn kỹ thuật và hỗ trợ một phần chi phí vốn, giống. Những hộ trồng rau tại đây ngày nào cũng có sản phẩm bán. Chị Trần Thị Thủy vừa tưới bí đao, vừa hồ hởi cho biết, chị canh tác 6 sào với nhiều loại rau đậu ngắn ngày, riêng bí đao bán được 5,5 triệu đồng/tháng, các loại rau đậu khác bình quân mỗi ngày bán từ 300.000 - 350.000 đồng...

Sau khi đạt chuẩn xây dựng nông thôn mới (năm 2015), huyện Hòa Vang tiếp tục phấn đấu nâng chuẩn nông thôn mới và chọn 17 thôn xây dựng “Thôn kiểu mẫu nông thôn mới” với bộ tiêu chí cao hơn tiêu chí nông thôn mới. Qua kiểm tra đánh giá đầu năm 2018, đã có 9 thôn được công nhận “Thôn kiểu mẫu nông thôn mới”. Trong đó, có sự góp sức rất lớn của Hội Nông dân và nông dân trên toàn huyện.

Bài và ảnh: LÊ VĂN THƠM

;
.
.
.
.
.
.