10 năm thực hiện Chiến lược biển Việt Nam

Chú trọng phát triển kinh tế thủy sản

.

Trong những năm qua, thủy sản được xem là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn trong chiến lược phát triển kinh tế biển của thành phố. Vì vậy, thành phố đã có nhiều chủ trương, chính sách, giải pháp tăng cường năng lực và hiệu quả khai thác hải sản xa bờ.

Đội tàu cá đánh bắt xa bờ phát triển nhanh chóng trong 6 năm trở lại đây.
Đội tàu cá đánh bắt xa bờ phát triển nhanh chóng trong 6 năm trở lại đây.

Tăng số lượng đội tàu đánh bắt xa bờ

Nhiều ngư dân ở quận Thanh Khê chia sẻ, việc đóng mới hoặc nâng cấp tàu cá có công suất lớn là cần thiết để không chỉ bám biển dài ngày hơn nhằm nâng cao hiệu quả đánh bắt hải sản mà còn bảo đảm an toàn cho tài sản và tính mạng ngư dân khi biển động.

Chính phủ và thành phố có chính sách hỗ trợ cũng như tạo điều kiện cho ngư dân đóng mới tàu cá có công suất lớn để vươn khơi, đánh bắt ở vùng biển xa.

Anh Đào Ngọc Minh Tâm (trú phường Thanh Khê Đông, quận Thanh Khê) cho biết: “Được hỗ trợ theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ, giữa năm 2017, tôi hạ thủy tàu vỏ thép ĐNa 90945 TS trị giá 17,6 tỷ đồng để vươn đến đánh bắt ở vùng biển xa. Có tàu lớn, chúng tôi yên tâm bám biển dài ngày để đánh bắt và nâng cao hiệu quả kinh tế”.

Còn ngư dân Hồ Ngọc Hiệp (trú phường Thanh Khê Đông) bày tỏ: “Thời gian qua, tôi đã nâng cấp tàu cá ĐNa 90361 TS từ 100CV lên 450CV để đánh bắt ở ngư trường Hoàng Sa và cho hiệu quả kinh tế cao hơn”.

Hiện phường Thanh Khê Đông có 36 tàu cá hoạt động ở vùng biển xa và dài ngày với các nghề như: lưới vây, lưới rê trôi tầng mặt, lưới rê 3 lớp… Những năm qua, địa phương đã đẩy mạnh phát triển kinh tế theo hướng ngư nghiệp, trong đó, vận động ngư dân đóng mới 13 tàu cá có công suất lớn, 11 tàu đã hạ thủy, 2 chiếc còn lại hạ thủy vào cuối năm nay.

“Số lượng tàu cá hoạt động ở vùng biển xa tăng dần qua từng năm. Ngư dân trên địa bàn đều thể hiện rõ quyết tâm bám biển, vươn khơi không chỉ để mưu sinh mà còn góp phần khẳng định chủ quyền lãnh hải”, bà Hồ Đàm Như Nga, Phó Chủ tịch UBND phường Thanh Khê Đông nói.

Ông Nguyễn Minh Tâm, Phó Chủ tịch UBND phường Xuân Hà (quận Thanh Khê) cho biết nhiều ngư dân dù vẫn còn gặp khó khăn nhưng quyết tâm bám biển để sản xuất và góp phần bảo vệ chủ quyền lãnh hải.

“Các ngư dân trên địa bàn của chúng tôi rất hăng hái, tích cực và quyết tâm theo nghề. Chúng tôi cũng thường xuyên động viên ngư dân bám biển sản xuất và phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội cùng các đơn vị liên quan triển khai cho các hộ ngư dân vay vốn phát triển sản xuất, hỗ trợ đóng mới tàu thuyền có công suất lớn, nâng tổng số tàu khai thác xa bờ lên 39 tàu với tổng công suất hơn 17.000CV”, ông Nguyễn Minh Tâm thông tin.

Trong khi đó, ông Trịnh Quang Vinh, Chi cục phó Chi cục Thủy sản thành phố cho rằng, Đà Nẵng gần như là địa phương đầu tiên trên cả nước có chính sách hỗ trợ ngư dân đóng mới tàu cá có công suất lớn để vươn khơi.

Nhờ chính sách này, thành phố đã có những đội tàu mới với công suất lớn, tàu to hơn, vững chãi và an toàn hơn để vươn khơi đến vùng biển xa đánh bắt, nâng hiệu quả kinh tế lên rất cao và góp phần gìn giữ chủ quyền biển, đảo.

Theo đó, từ năm 2012 đến nay, ngư dân Đà Nẵng đã được hỗ trợ đóng mới 84 tàu cá có công suất lớn để vươn khơi khai thác, tác động tích cực đến hoạt động khai thác hải sản và đời sống kinh tế của ngư dân thành phố.

Cơ cấu tàu cá thành phố đã chuyển đổi theo hướng giảm số lượng tàu công suất dưới 90CV khai thác ở vùng biển ven bờ và vùng lộng, tăng mạnh số lượng tàu từ 90CV trở lên khai thác ở vùng khơi, phù hợp với định hướng phát triển thủy sản của Chính phủ và thành phố Đà Nẵng.

Hướng đến phát triển cảng cá sinh thái, hiện đại

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), hiện nay, cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ dịch vụ hậu cần nghề cá được đầu tư phát triển khá đồng bộ, khép kín tại Khu Công nghiệp dịch vụ thủy sản Thọ Quang, trong đó, khu neo đậu tránh trú bão tại Âu thuyền và cảng cá Thọ Quang có diện tích mặt nước là 58ha; diện tích trên bờ là 24ha.

Từ năm 2013 đến nay, tốc độ phát triển của cảng cá Thọ Quang tăng bình quân trên 15% năm, lượng tàu thuyền các tỉnh bạn như: Bình Thuận, Khánh Hòa, Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Thừa Thiên Huế, Quảng Bình... vào Âu thuyền và cảng cá Thọ Quang để mua bán hải sản và sử dụng các dịch vụ hậu cần nghề cá ngày càng tăng. Khu hậu cần nghề cá thành phố đáp ứng được các điều kiện cần thiết để hỗ trợ nghề cá Đà Nẵng phát triển, kể cả nghề cá khu vực miền Trung.

Hiện nay, Sở NN&PTNT thành phố đang xúc tiến dự án nâng cấp mở rộng cảng cá Thọ Quang trở thành trung tâm nghề cá lớn của cả nước gắn với ngư trường Biển Đông và Hoàng Sa để vừa phát triển kinh tế vừa bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Đặc biệt, khi dự án hoàn thành và đưa vào sử dụng còn bảo đảm các yếu tố xây dựng cảng cá, chợ cá sinh thái theo hướng hiện đại gắn với điểm tham quan du lịch, góp phần phát triển kinh tế địa phương.

Tính đến nay, thành phố có 583 tàu cá công suất từ 90CV trở lên, trong đó 474 tàu cá có công suất hơn 400CV. Đội tàu dịch vụ hậu cần, thu mua hải sản trên biển được phát triển với 16 tàu (tăng 12 tàu so với năm 2013) nhằm giảm chi phí và tăng hiệu quả khai thác hải sản.

Tổng sản lượng khai thác hải sản của thành phố hằng năm đạt từ 38.500 - 43.000 tấn với tổng giá trị khai thác từ 1.500 - 1.750 tỷ đồng.

Ngành thủy sản thành phố cũng đang tập trung đẩy mạnh phát triển hình thức tổ chức sản xuất sang khai thác theo tổ, đội trên biển với 112 tổ đoàn kết sản xuất trên biển (734 tàu), trong đó, khai thác vùng khơi có 77 tổ (449 tàu), vùng lộng và bờ có 35 tổ
(285 tàu).

Bài và ảnh: HOÀNG HIỆP

;
.
.
.
.
.
.