Cao điểm mùa đón khách tàu biển

.

Trong những năm gần đây, du lịch tàu biển tại Đà Nẵng luôn duy trì được tốc độ tăng trưởng tốt. Đây là loại hình dịch vụ cao cấp, đối tượng khách có khả năng chi trả cao, vì thế để tận dụng nguồn thu, ngành du lịch cần làm tốt hơn nữa để giữ dòng khách này.

Khách châu Âu đến Đà Nẵng thường thích tìm hiểu về văn hóa địa phương và chi tiêu cao. Ảnh: THU HÀ. Đồ họa: T. HUYỀN
Khách châu Âu đến Đà Nẵng thường thích tìm hiểu về văn hóa địa phương và chi tiêu cao. Ảnh: THU HÀ.

Mức chỉ tiêu cao

Một điều dễ nhận thấy, mùa tàu biển năm 2018-2019, cảng Tiên Sa liên tục đón những chuyến tàu lớn cập cảng chở theo hàng ngàn lượt khách như: tàu Genting Dream, World Dream, Costa Alantica, Superstar Virgo, Aida Vita, Seabourn Ovantion...

Cao điểm những ngày có tới 2 tàu lớn cùng cập cảng, đưa 3.000-5.000 khách đến với Đà Nẵng tạo ra không khí tấp nập, nhộn nhịp tại các khu, điểm tham quan, mua sắm.

Mỗi năm, Công ty Dịch vụ lữ hành Saigontourist - Chi nhánh Đà Nẵng đón nhiều chuyến tàu biển cập cảng Tiên Sa. Theo ông Trần Lực, Phó Giám đốc công ty, du lịch đường biển đang là lựa chọn của nhiều du khách và là xu thế của du lịch thế giới trong những năm đến. Vì thế, lượng khách sử dụng dịch vụ này ngày càng tăng theo mỗi năm.

Riêng năm 2018, Saigontourist - Chi nhánh Đà Nẵng đã đón và phục vụ khoảng 59.503 lượt khách, tăng 121% so với năm 2017.

Ông Nguyễn Tất Thưởng, phụ trách đón khách tàu biển của Công ty TNHH Dentisnation Asia - Chi nhánh Đà Nẵng cũng cho hay, dòng khách châu Âu thường là khách lớn tuổi, thích những điểm đến liên quan đến văn hóa địa phương như: bảo tàng, phố cổ Hội An hay các làng nghề. Dòng khách này có chi tiêu cao, bình quân từ 100-150 USD/khách nên đòi hỏi các dịch vụ cũng cao hơn.

Chị Thu Yến (chủ một gian hàng đặc sản ở chợ Hàn) cho biết, những ngày có khách tàu biển, không khí mua bán ở chợ đông vui, tấp nập hơn rất nhiều. Khách tàu biển thường có ít thời gian nên ai cũng tranh thủ mua nhiều hàng.

Ông Nguyễn Hà Bắc, Phó Giám đốc Sở Công thương thành phố đánh giá, qua khảo sát sơ bộ tại một số chợ có đông khách du lịch như chợ Hàn, chợ Bắc Mỹ An..., sức mua của dòng khách du lịch rất tốt, đem lại doanh thu cho các tiểu thương tại địa phương.

Đầu tư các sản phẩm địa phương

Lý giải về việc nhiều hãng tàu biển chọn cập cảng tại Đà Nẵng, ông Trần Lực cho rằng, cảng Đà Nẵng nằm giữa thành phố Huế và phố cổ Hội An-hai di sản thế giới, nên việc tổ chức các chương trình tham quan cho khách du lịch tàu biển rất thuận lợi. Khách không tốn quá nhiều thời gian cho việc di chuyển, khắc phục được một trong những nhược điểm của khách du lịch đường biển là thời gian đi tour bị hạn chế.

Các sản phẩm trái cây tươi, sấy khô được nhiều khách du lịch tàu biển ưa chuộng.  TRONG ẢNH: Du khách mua sắm tại chợ Hàn.
Các sản phẩm trái cây tươi, sấy khô được nhiều khách du lịch tàu biển ưa chuộng. TRONG ẢNH: Du khách mua sắm tại chợ Hàn.

Để hấp dẫn khách du lịch tàu biển đến Đà Nẵng, một số đơn vị khai thác khách như: Saigontourist Chi nhánh Đà Nẵng, Pacific Legend, Destination Asia, Khang Huy... chủ động xây dựng nhiều chương trình tour phù hợp với khoảng thời gian của khách. Đơn cử như chùa Linh Ứng - Bảo tàng Đà Nẵng/Bảo tàng Điêu khắc Chăm - Tour xích lô thành phố - Cửa hàng đặc sản địa phương - Ăn trưa - Về tàu; Bảo tàng Điêu khắc Chăm - Tour xích lô thành phố - Mua sắm chợ Hàn - Ăn trưa - Bãi biển Mỹ Khê - Về tàu; Bà Nà - Cầu Tình yêu/Cá chép hóa rồng - Cửa hàng mua sắm - Về tàu; Nhà thờ Con Gà - Nhà hát Trưng Vương - Mua sắm chợ Hàn -  Ăn trưa - Về tàu…

Ông Nguyễn Xuân Bình, Phó Giám đốc Sở Du lịch cho hay, ngoài các sản phẩm do các đơn vị khai thác khách tàu biển xây dựng, thành phố cũng chú trọng đầu tư, phát triển các điểm tham quan như: Bảo tàng Điêu khắc Chăm, Bảo tàng Đà Nẵng, Khu du lịch thắng cảnh Ngũ Hành Sơn, Làng đá mỹ nghệ Non Nước, Khu du lịch Bà Nà Hills, các bãi tắm công cộng, sân golf...; các điểm mua sắm (chợ Hàn, Big C, Lotte Mart...), làng quê cổ Phong Nam... Đặc biệt, chương trình biểu diễn nghệ thuật truyền thống tại nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh, chương trình Danang Charming, Áo dài Story và các hoạt động vui chơi - giải trí thể thao biển... góp phần đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ du lịch để du khách có thể lựa chọn.

Với lượng khách tàu biển đến Đà Nẵng liên tục tăng qua các năm, ngành du lịch thành phố đã có nhiều nỗ lực thay đổi để phục vụ khách.

Tuy nhiên, những vẫn còn một số hạn chế nhất định. Vì vậy, đại diện ngành du lịch cho biết, sẽ sớm thực hiện nghiên cứu, khảo sát thị trường nhằm đưa ra những sản phẩm, dịch vụ du lịch phù hợp với thị hiếu, nhu cầu của từng thị trường khách và phù hợp với chương trình tour dành cho khách du lịch tàu biển; tiếp tục đầu tư, nâng cấp các sản phẩm phục vụ khách tàu biển hiện nay; đồng thời khôi phục một số làng nghề truyền thống; hình thành các sản phẩm du lịch sinh thái tại bán đảo Sơn Trà, phía tây thành phố; du lịch cộng đồng kết hợp khám phá, trải nghiệm phong tục tập quán, văn hóa địa phương.

Ngành du lịch đưa các giá trị văn hóa phi vật thể vào các chương trình tour phục vụ khách du lịch tàu biển: diễn tuồng, múa Chăm, hát dân ca bài chòi và trưng bày, giới thiệu và bán những trang phục, nhạc cụ, mô hình liên quan...

Năm 2018, Đà Nẵng đón 93 chuyến tàu với 122.338 lượt khách; tăng 40% về lượt khách và tăng 19 chuyến tàu so với năm 2017. Dự kiến năm 2019 sẽ đón 110 chuyến tàu với 160.000 lượt khách, tăng 31% về lượt khách và tăng 17 chuyến tàu so với năm 2018.

Trong giai đoạn 5 năm (từ 2012-2017), tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm về tổng số lượt khách du lịch tàu biển đạt 10,8% và về số chuyến tàu đạt 5,4%. Nếu như năm 2012, Đà Nẵng đón 57 chuyến tàu với 52.570 lượt khách thì đến năm 2017 đón 87.798 lượt khách (74 chuyến tàu).

Giai đoạn 2008-2011, thị trường khách chủ yếu của loại hình du lịch tàu biển là Anh, Úc, Mỹ, Đức, nhưng từ năm 2012 đến nay, thị trường khách Trung Quốc luôn chiếm trên 80%, còn lại là các thị trường Úc, Anh, Đức, Ý, Tây Ban Nha…

Bài và ảnh: THU HÀ

;
;
.
.
.
.
.