Tháo gỡ khó khăn tiêu thụ heo cho các hộ chăn nuôi

.

Các xã, phường trên địa bàn thành phố tổng hợp danh sách các hộ chăn nuôi heo đã đến kỳ xuất chuồng gửi UBND các quận, huyện gửi cho Công ty TNHH MTV Chế biến gia súc, gia cầm Đà Nẵng liên hệ các hộ kinh doanh đến hỗ trợ mua heo chưa bị nhiễm bệnh dịch tả heo châu Phi. Riêng 4 xã đã có dịch cũng tổng hợp danh sách gửi lên UBND huyện Hòa Vang để Chi cục Chăn nuôi và Thú y thành phố có hướng dẫn về việc lấy mẫu xét nghiệm trước khi đưa heo đi tiêu thụ.

Đó là biện pháp tháo gỡ khó khăn về tiêu thụ heo cho các hộ chăn nuôi heo trên địa bàn thành phố được các sở, ngành và địa phương thống nhất tại cuộc họp khẩn triển khai công tác phòng, chống dịch tả heo châu Phi và quản lý giết, mổ heo, tiêu thụ sản phẩm từ heo do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) phối hợp với UBND huyện Hòa Vang tổ chức vào chiều 13-6.

Theo thống kê của Chi cục Chăn nuôi và Thú y (thuộc Sở NN-PTNT), hiện trên địa bàn thành phố có gần 44.000 con heo, chủ yếu là được chăn nuôi tại các hộ gia đình. Trong đó, quận Liên Chiểu có 580 con heo, quận Ngũ Hành Sơn có 1.240 con heo, quận Cẩm Lệ có 270 con và huyện Hòa Vang có 41.840 con.

Do nhiều người tiêu dùng quay lưng sử dụng thịt heo nên số lượng heo giết mổ hằng đêm tại các lò mổ trên địa bàn giảm xuống còn hơn 900 con (giảm từ 500-600 con/đêm).

“Vừa dập dịch, khống chế dịch, vừa tiêu hủy heo bị dịch nhưng đồng thời bảo đảm sản xuất và đẩy mạnh việc giết mổ, tiêu thụ thịt heo là không dễ dàng và vướng nhiều quy định. Vì thế, cần sự đồng lòng, đồng sức của tất cả các sở, ngành, đơn vị liên quan và chính quyền các địa phương để tháo gỡ khó khăn về tiêu thụ heo chưa bị nhiễm bệnh dịch tả heo châu Phi trên địa bàn thành phố”, ông Nguyễn Phú Ban, Giám đốc Sở NN-PTNT chia sẻ.

Ông Phạm Tuấn Anh, Tổng Giám đốc Công ty CP Chế biến gia súc gia cầm Đà Nẵng (lò mổ Đà Sơn) cho hay, công ty sẵn sàng đứng ra giới thiệu, làm việc với các công ty, hộ kinh doanh giết mổ, tiêu thụ thịt heo chưa bị bệnh dịch tả heo châu Phi của người chăn nuôi heo trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. “Thay vì đi mua heo ở tỉnh Bình Định, các công ty và hộ kinh doanh giết mổ, tiêu thụ thịt heo tại lò mổ Đà Sơn rất muốn mua heo của các hộ chăn nuôi ở Đà Nẵng vì tốn ít chi phí vận chuyển.

Vì thế, các quận, huyện cần gửi danh sách các hộ chăn nuôi heo và số lượng heo cần bán để công ty tác động các hộ giết mổ, kinh doanh tại lò mổ thu mua heo sau khi bàn bạc thống nhất xong giá cả”, ông Phạm Tuấn Anh nói.

Ông Nguyễn Văn Lý, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Hòa Vang đề nghị: “Các hộ chăn nuôi heo ở các xã đã có dịch gặp nhiều khó khăn hơn, vì thế đề nghị Chi cục Chăn nuôi và Thú y có hướng dẫn về việc lấy mẫu. Đồng thời, đề nghị thành phố hỗ trợ kinh phí lấy mẫu vì hiện giá heo hơi đẩy xuống rất thấp, một hộ chỉ bán vài ba con heo mà kinh phí lấy mẫu cao quá thì quá khó khăn cho người chăn nuôi”.

Ông Nguyễn Phú Ban đề nghị các quận, huyện lập danh sách các hộ chăn nuôi cần tiêu thụ heo và gửi đến Công ty CP Chế biến gia súc gia cầm Đà Nẵng để vận động các hộ kinh doanh giết mổ, tiêu thụ thịt heo tiêu thụ heo giúp cho người chăn nuôi trên địa bàn thành phố.

Đồng thời, đề nghị Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu Chiến binh và các hội, đoàn thể trên địa bàn thành phố có sự kêu gọi hội viên và những chương trình, hoạt động giúp đỡ cho người chăn nuôi heo trên địa bàn thành phố tiêu thụ heo, làm giảm thiệt hại xã hội do dịch bệnh. Các sở, ngành và đơn vị liên quan tham mưu các biện pháp chuyên môn, kỹ thuật và hỗ trợ công tác phòng, chống bệnh dịch tả heo châu Phi và tiêu thụ thịt heo an toàn dịch bệnh cho người chăn nuôi...

 HOÀNG HIỆP
 


 

;
;
.
.
.
.
.