Sớm nâng cấp, mở rộng các nhà ga tại Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng

.

Sản lượng khai thác hành khách của Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng trong năm 2019 đạt hơn 15,5 triệu hành khách, không những vượt công suất thiết kế mà còn vượt quy hoạch đến năm 2020 hơn 2,5 triệu hành khách. Sản lượng hàng hóa khai thác cũng vượt công suất thiết kế đến 22.600 tấn. Do đó, việc đầu tư nâng cấp, mở rộng thêm nhà ga hành khách T3 và nhà ga hàng hóa tại Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng là cần thiết.

Việc đầu tư, nâng cấp, mở rộng thêm nhà ga hành khách T3 và nhà ga hàng hóa tại Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng là cần thiết.  Trong ảnh: Hành khách làm thủ tục tại Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng. Ảnh: THU HÀ
Việc đầu tư, nâng cấp, mở rộng thêm nhà ga hành khách T3 và nhà ga hàng hóa tại Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng là cần thiết. Trong ảnh: Hành khách làm thủ tục tại Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng. Ảnh: THU HÀ

Quá tải ở các nhà ga

Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng hiện có 2 nhà ga hành khách và 1 nhà ga hàng hóa. Theo đó, nhà ga hành khách quốc nội T1 có công suất khai thác từ 4-6 triệu khách/năm với tổng vốn đầu tư 1.345 tỷ đồng do Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) làm chủ đầu tư và khai thác, chính thức đi vào hoạt động từ ngày 15-12-2011. Nhà ga hành khách quốc tế T2 có công suất khai thác từ 4 - 4,5 triệu khách/năm với tổng vốn đầu tư 3.504 tỷ đồng do Công ty CP Đầu tư khai thác nhà ga quốc tế Đà Nẵng (AHT) làm chủ đầu tư và khai thác, chính thức đi vào hoạt động từ tháng 5-2017. Nhà ga hàng hóa do ACV khai thác với diện tích chỉ 2.320m2, công suất khai thác hàng hóa 18.000 tấn/năm.

Tuy nhiên, Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng (chi nhánh của ACV) trong năm 2019 phục vụ gần 100.000 chuyến bay cất hạ cánh với tổng khối lượng hàng hóa thông qua cảng đạt đến 40.660 tấn, vượt xa công suất khai thác theo thiết kế và 15,5 triệu hành khách (tăng 17,41% so với năm 2018), vừa vượt công suất thiết kế (từ 8-10,5 triệu hành khách/năm), vừa vượt quy hoạch tổng lượt hành khách của năm 2020 (13 triệu hành khách). Trong đó, có 7,146 triệu hành khách quốc tế (tăng 23,53% so với năm 2018) và 8,397 triệu hành khách quốc nội (tăng 12,66% so với năm 2018).

Nhà ga hành khách quốc tế T2 đã bị quá tải sau gần 3 năm đưa vào hoạt động.  Ảnh: HOÀNG HIỆP
Nhà ga hành khách quốc tế T2 đã bị quá tải sau gần 3 năm đưa vào hoạt động. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Theo tìm hiểu, hiện có 58 đường bay trực tiếp đi, đến Đà Nẵng, trong đó có 10 đường bay nội địa và 48 đường bay quốc tế với tổng tần suất gần 300 chuyến bay/ngày.

Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng đã đặt mục tiêu trong năm 2020 là phục vụ 115.353 chuyến bay cất hạ cánh với 17,3 triệu lượt khách. Hiện do ảnh hưởng của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (Covid-19) nên một số chuyến bay đi, đến giữa Cảng hàng không Đà Nẵng với một số địa phương và vùng lãnh thổ thuộc Trung Quốc đã bị hủy nhưng thực tế, số lượng khách từ các địa phương và lãnh thổ thuộc Trung Quốc chỉ chiếm 15% tổng số lượng khách thông qua cảng.

Đặc biệt, từ ngày 14-1 (20 tháng Chạp) đến 29-1 (mồng 5 tháng Giêng), vẫn có đến 4.989 chuyến bay cất, hạ cánh với 666.607 hành khách đi và đến Đà Nẵng, tăng 20% so với cùng kỳ Tết Kỷ Hợi. Do vậy, dự báo số lượng hành khách qua cảng trong năm 2020 vẫn tăng trưởng dù có bị ảnh hưởng bởi Covid-19 và gây áp lực lên hạ tầng của các nhà ga vốn đã bị quá tải.  

“Dù số lượng đường bay, chuyến bay tăng, nhưng hệ thống đường băng, sân đỗ máy bay… vẫn đang vận hành và đáp ứng tốt. Tuy nhiên, các nhà ga đang quá tải. Sản lượng khai thác tại các nhà ga hành khách đã vượt công suất thiết kế. Đặc biệt, nhà ga hàng hóa đã quá tải trầm trọng”, ông Lê Xuân Tùng, Giám đốc Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng cho biết.

Tập trung tháo gỡ điểm nghẽn đầu tư

Có thể thấy, bên cạnh sự quá tải của các nhà ga, tốc độ tăng trưởng hành khách và khối lượng hàng hóa cũng cao hơn nhiều so với dự báo và quy hoạch phát triển giao thông vận tải hàng không đối với Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng.

Vì vậy, nếu không nâng cấp, mở rộng các nhà ga sớm sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc tăng chuyến bay, mở thêm đường bay và đón trả khách. Thực tế, ACV cũng đã chuẩn bị sẵn nguồn kinh phí để đầu tư xây dựng nhà ga T3 (khoảng 5.000 tỷ đồng) với công suất khai thác từ 10-15 triệu hành khách/năm và đầu tư xây dựng ga hàng hóa (khoảng 300 tỷ đồng) với công suất khai thác từ 80.000 - 100.000 tấn/năm. Thế nhưng để đầu tư nâng cấp, mở rộng các nhà ga, trước hết, cần phải sớm được điều chỉnh quy hoạch.

Đồ họa: HOÀNG HIỆP
Đồ họa: HOÀNG HIỆP

Theo Sở Giao thông vận tải thành phố, trong năm 2019, đơn vị đã thường xuyên làm việc với Cục Hàng không Việt Nam và các cơ quan của Bộ Giao thông vận tải để sớm triển khai lập quy hoạch chi tiết Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng, làm cơ sở đầu tư nâng cấp nhà ga T3 và các cơ sở hạ tầng liên quan khác, đáp ứng nhu cầu cấp thiết của người dân, khách du lịch và bảo đảm phát triển kinh tế-xã hội của thành phố. Hiện nay, Bộ Giao thông vận tải đã bố trí kinh phí để lập hồ sơ điều chỉnh quy hoạch và Cục Hàng không Việt Nam đang triển khai thực hiện, dự kiến hoàn thành trong quý 2 của năm 2020.

Ông Lê Văn Trung, Giám đốc Sở Giao thông vận tải thành phố cho hay, việc triển khai mở rộng nhà ga hành khách và đầu tư nhà ga hàng hóa tại Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng phải chờ có bản quy hoạch điều chỉnh được phê duyệt. Sở sẽ tiếp tục đề nghị và phối hợp với các đơn vị liên quan để sớm được phê duyệt điều chỉnh quy hoạch. Tuy nhiên, theo ông Lê Xuân Tùng, bên cạnh vướng vì quy hoạch chưa được điều chỉnh, còn có một số vướng mắc lớn về cơ chế đầu tư, giao đất… khiến cho việc đầu tư nâng cấp, mở rộng các nhà ga tại Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng thêm khó khăn.

Vì vậy, cần phải có giải pháp tháo gỡ các điểm nghẽn nói trên để đầu tư. Hiện nay, Bộ Giao thông vận tải đang chủ trì việc sửa đổi một số nghị định, thông tư về quản lý hạ tầng trong sân bay để có thể đầu tư được các nhà ga. Dự kiến, nếu công tác điều chỉnh quy hoạch và sửa đổi các nghị định, thông tư quá chậm, ACV sẽ triển khai phương án đầu tư mở rộng 2 nhà ga theo quy hoạch đã được phê duyệt trước đây. Theo đó, mở rộng nhà ga cũ về phía nam trong 2 giai đoạn với tổng diện tích 2ha. Nếu chờ đợi lâu quá thì hạ tầng sẽ không đáp ứng được tốc độ tăng hành khách, hàng hóa vì quy trình thủ tục từ khâu chuẩn bị đầu tư đến khi hoàn thành mất ít nhất 3 năm. Trong năm 2020, ACV sẽ tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn để sớm đầu tư các nhà ga tại Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng.

Thành phố đã nhiều lần đề cập với Chính phủ về tính chất rất cấp bách của Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng. Cách tháo gỡ điểm nghẽn để đầu tư các nhà ga của ACV và Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng là rất phù hợp. Với cách này, việc đầu tư ga hàng hóa và mở rộng ga hành khách có thể sớm triển khai được, nên đề nghị ACV và Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng cố gắng thực hiện.

Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng cần kịp thời thông tin cho thành phố để cùng kiến nghị Bộ Giao thông vận tải tháo gỡ. Trước mắt, các đơn vị, lực lượng chức năng cần phối hợp với nhau cho thật tốt để vận hành yên ả và đáp ứng khai thác các chuyến bay. Với cơ sở vật chất như hiện nay, vẫn có thể làm tốt hơn thời gian qua về chuyên môn, nghiệp vụ đến thái độ phục vụ khách”.

Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa nhấn mạnh tại buổi đến thăm, kiểm tra tình hình sản xuất, kinh doanh đầu năm tại Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng ngày 31-1.

HOÀNG HIỆP – TRỌNG HÙNG

;
;
.
.
.
.
.