Trước diễn biến phức tạp của đợt dịch lần thứ 4 bùng phát từ giữa tháng 6, cộng đồng doanh nghiệp càng quyết tâm đồng hành thành phố duy trì “mạch máu” kinh tế khi vừa nỗ lực đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, vừa chấp hành nghiêm chủ trương phòng, chống dịch.
Doanh nghiệp quyết tâm cao để duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh. TRONG ẢNH: Sản xuất tại Công ty CP Xuất nhập khẩu thủy sản Miền Trung. Ảnh: K.HÒA |
Hoạt động trong điều kiện kiểm soát chặt chẽ
Trên địa bàn quận Sơn Trà có 2 khu công nghiệp (KCN) trong vùng cách ly y tế đang hoạt động là KCN dịch vụ thủy sản Thọ Quang và KCN Đà Nẵng.
Ông Nguyễn Trọng Cường, Giám đốc Công ty phát triển và khai thác hạ tầng KCN Đà Nẵng (đơn vị quản lý KCN Dịch vụ thủy sản Thọ Quang) cho biết, hiện có 6 doanh nghiệp sản xuất thủy sản hoạt động trong KCN dịch vụ thủy sản Thọ Quang. Trong đó, Công ty CP thủy sản và thương mại Thuận Phước đang tạm dừng hoạt động từ sáng 5-8 cho đến khi có thông báo mới vì có 1 ca F0 tại công ty. Các doanh nghiệp khác kinh doanh kho bãi, dịch vụ do trong vùng cách ly, phương tiện không ra vào được nên tạm dừng. Qua nắm bắt, các doanh nghiệp đều tuân thủ nghiêm yêu cầu của UBND thành phố trong việc sản xuất, kinh doanh. Đơn vị cũng được yêu cầu khoanh vùng cứng ranh giới KCN, lập rào chắn giữa KCN với các khu dân cư, chỉ ra vào hướng tuyến đường Ngô Quyền - Bùi Quốc Hưng.
Trong khi đó, ông Nguyễn Quang Lâm, Phó Tổng Giám đốc Công ty Massda Land (đơn vị quản lý KCN Đà Nẵng) thông tin, trên địa bàn KCN có khoảng 43 doanh nghiệp đang hoạt động. Một số doanh nghiệp đang tạm thời ngừng hoạt động khoảng 1 tuần hoặc cho đến khi có thông báo mới về tình hình các khu vực cách ly y tế trên địa bàn quận Sơn Trà. Đối với các đơn vị đang hoạt động thì chỉ bố trí 20-50% lực lượng lao động; có 2 doanh nghiệp đang tạm đóng cửa vì có ca mắc Covid-19 gần đây là Công ty CP sản xuất - thương mại Hữu Nghị và Công ty TNHH T.T.T.I Đà Nẵng.
Được biết, các doanh nghiệp trong 2 KCN trên hoạt động với điều kiện phải tuyệt đối không để người lao động thường trú, tạm trú tại các khu vực đang cách ly y tế vào doanh nghiệp; có đầy đủ hồ sơ và triển khai các biện pháp phòng, chống dịch theo các văn bản chỉ đạo của UBND thành phố, Sở Y tế và Ban quản lý Khu Công nghệ cao (CNC) và các KCN. Trước khi hoạt động trở lại, phải xét nghiệm toàn bộ người lao động và có kết quả âm tính; đồng thời thực hiện xét nghiệm 3 ngày/lần cho 100% người lao động có mặt tại nhà máy; gửi kết quả xét nghiệm về UBND quận Sơn Trà, Ban quản lý Khu CNC và các KCN để được tiếp tục hoạt động
Bên cạnh đó, doanh nghiệp thực hiện nguyên tắc tổ chức sản xuất với phương án giãn 50% ca, kíp sản xuất, bộ phận quản lý làm việc trực tiếp không quá 50% số người tại nhà máy. Đồng thời cấp giấy đi đường cho người lao động, lập danh sách phương tiện vận chuyển hàng hóa gửi về Ban quản lý Khu CNC và các KCN để được xác nhận và cấp theo quy định; bố trí thời gian sản xuất theo quy định của thành phố; người lao động đi làm phải mặc đồng phục của doanh nghiệp để các chốt kiểm soát nhận diện.
Các doanh nghiệp nỗ lực vừa phòng, chống dịch vừa bảo đảm sản xuất, kinh doanh. TRONG ẢNH: Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH Universal Alloy Corporation Việt Nam (xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang). Ảnh: M.QUẾ |
Duy trì liền mạch sản xuất, kinh doanh
Từ đầu năm đến nay, ngay cả khi đợt dịch thứ 4 bùng phát hay thời điểm xuất hiện ca F0 và nhiều F1, hoạt động sản xuất tại KCN Hòa Cầm (quận Cẩm Lệ) với gần 70 doanh nghiệp vẫn duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đây là điều kiện quan trọng hàng đầu để bảo đảm cho vùng an toàn trong KCN, giúp doanh nghiệp yên tâm sản xuất cũng như góp phần ổn định an sinh xã hội khi công nhân có việc làm, có thu nhập trong thời điểm dịch bệnh vẫn diễn biến hết sức phức tạp.
Ngay sau khi phát hiện ca mắc Covid-19 tại Công ty TNHH Fujikura Automotive Việt Nam vào tối 4-8, UBND quận Cẩm Lệ cùng Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố (CDC) và Ban quản lý KCN Hòa Cầm nhanh chóng khoanh vùng. Đến sáng ngày 6-8, kết quả xét nghiệm cho 2.400 công nhân của công ty đều âm tính và công ty đã hoạt động trở lại bình thường.
“Chúng tôi vẫn bảo đảm được tiến độ giao hàng cho các đối tác tại thị trường Nhật Bản, chưa từng để đứt mạch sản xuất dù có xuất hiện ca mắc Covid-19. Đây là cố gắng lớn của đơn vị cũng như sự hỗ trợ nhiệt tình từ chính quyền các cấp. Trong đợt dịch lần này, thành phố Đà Nẵng áp dụng nhiều biện pháp mới và quyết liệt hơn, đơn cử như Chỉ thị số 05/CT-UBND của UBND thành phố về thực hiện giãn cách xã hội trên địa bàn để phòng, chống Covid-19. Tôi cho rằng chủ trương này là cần thiết để chặn đứng dịch bệnh khi đợt dịch lần này phức tạp hơn với số ca nhiễm cao, phạm vi phong tỏa rộng hơn các đợt dịch khác... Về phía doanh nghiệp, chúng tôi luôn chấp hành và triển khai ngay các chủ trương của thành phố vì nó có lợi cho doanh nghiệp”, ông Nguyễn Vũ Khoa Nguyên, Trưởng phòng Nhân sự Công ty TNHH Fujikura Automotive Việt Nam bày tỏ. Đồng thời kỳ vọng, từ nay đến cuối năm, sẽ bảo đảm hoàn tất các đơn hàng cho đối tác để doanh nghiệp không lỗ, còn công nhân có việc làm và thu nhập.
Ông Nguyễn Quang Hoàng, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Điện tử Foster cho biết, trong 7 tháng đầu năm, hoạt động của đơn vị vẫn duy trì sự ổn định, từ đơn hàng, việc làm cho lao động (khoảng hơn 700 công nhân) đến doanh thu, giữ vững thị trường xuất khẩu qua Nhật Bản, Mỹ và một số quốc gia châu Á khác.
“Với kinh nghiệm ứng phó qua nhiều đợt dịch trước, đến nay, công ty vẫn giữ được phòng tuyến phòng, chống dịch tại đơn vị. Chúng tôi nghiêm túc thực hiện xét nghiệm Covid-19 với tỷ lệ 20% trên tổng số công, nhân viên đang lao động mỗi tuần theo chỉ đạo chung. Qua theo dõi, tôi nhận thấy tình hình dịch bệnh trên địa bàn thành phố đang khả quan dần và chúng tôi cũng nỗ lực hết sức để thực hiện mục tiêu “kép” với kỳ vọng đến cuối năm sẽ có tăng trưởng”, ông Hoàng cho hay.
Tại KCN Hòa Khánh (quận Liên Chiểu) đang xuất hiện ca nhiễm tại Công ty TNHH Matrix Việt Nam với nhiều F1 từ chiều ngày 5-8. Hiện các cơ quan, đơn vị đang phối hợp để có biện pháp khoanh vùng dịch thích hợp. Cũng tại KCN Hòa Khánh, Công ty TNHH Điện tử Việt Hoa đã hoạt động trở lại từ cuối tháng 7, nhiều công ty triển khai hình thức sản xuất “3 tại chỗ” như Công ty TNHH MTV Dệt vải Vinatex Quốc tế hay Công ty TNHH kiến trúc và thương mại Á Châu để bảo đảm sức khỏe của công nhân, người lao động và tránh việc ảnh hưởng tiến độ công việc.
“Những tháng qua, KCN do chúng tôi quản lý luôn trong tình trạng nâng cao cảnh giác cao độ về phòng, chống dịch. Chính quyền cũng hỗ trợ chúng tôi trong việc triển khai xét nghiệm lấy mẫu SARS-CoV-2, thực hiện nghiêm ngặt cách ly, giám sát các đối tượng F1, F2, F3, góp phần ngăn chặn chuỗi lây nhiễm các ca bệnh trước đó”, ông Nguyễn Trọng Cường thông tin.
Đánh giá từ nhiều doanh nghiệp cho thấy, chính tâm lý vững vàng, sự vào cuộc chủ động cùng tinh thần hợp tác, tin tưởng vào chủ trương phòng, chống dịch của thành phố, của doanh nghiệp là chìa khóa quan trọng để công tác phòng, chống dịch tại các khu, cụm doanh nghiệp trên địa bàn thành phố luôn bảo đảm. Qua đó, góp phần quan trọng vào kết quả chống dịch đang dần khả quan chung trên toàn thành phố.
Một tín hiệu đáng mừng khác cho nền kinh tế thành phố 7 tháng đầu năm là chuỗi cung ứng toàn cầu đang dần được khôi phục, nhất là các thị trường xuất khẩu chủ lực của doanh nghiệp Đà Nẵng như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, châu Á… Theo Cục Thống kê thành phố Đà Nẵng, trong 7 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) vẫn tăng 3,4% so với cùng kỳ 2020. Trong đó, một số ngành sản xuất công nghiệp chủ lực ghi nhận tăng mạnh mẽ so với cùng kỳ năm ngoái, phải kể đến các ngành sản xuất sản phẩm điện tử tăng 22,2%, sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 52,5%, sản xuất thiết bị điện tăng 34,7%, sản xuất giường tủ bàn ghế tăng 33,7%... |
KHÁNH HÒA - MAI QUẾ