.
Xã hội hóa đầu tư xây dựng bến xe khách

Công khai quy hoạch bến và luồng tuyến

.

Đó là ý kiến của hầu hết đại biểu là các nhà đầu tư tham dự Hội nghị công tác xã hội hóa xây dựng và nâng cao hiệu quả quản lý đối với bến xe khách do Bộ Giao thông vận tải (GTVT) phối hợp với UBND thành phố Đà Nẵng tổ chức vào sáng 27-6.

Bến xe phía Nam của thành phố được xây dựng từ mô hình xã hội hóa, nhưng do chưa được phân bổ luồng tuyến nên đã “đắp chiếu” suốt 2 năm qua.
Bến xe phía Nam của thành phố được xây dựng từ mô hình xã hội hóa, nhưng do chưa được phân bổ luồng tuyến nên đã “đắp chiếu” suốt 2 năm qua.

Theo đánh giá của Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ, trong những năm gần đây, công tác xây dựng và quản lý vận hành bến xe trên cả nước có nhiều tiến bộ, cơ bản đáp ứng được nhu cầu đi lại của nhân dân. Tính đến giữa tháng 6-2014, cả nước đã có 457 bến xe khách, trong đó có 322 bến xe loại 4 trở lên, trung bình mỗi tỉnh, thành có 7 bến xe. Mặc dù vậy, nhìn tổng thể thì hạ tầng tại các bến xe còn rất nhiều hạn chế. Nhiều bến xe đơn thuần là nơi đón và trả khách, thiếu các điều kiện đồng bộ; các dịch vụ đi kèm gần như không có. Đặc biệt, trong công tác xã hội hóa đầu tư xây dựng bến xe, dù đã có chủ trương, nhưng vẫn không đem lại kết quả mong muốn.

Trong khi đó, công tác quy hoạch thì rơi vào tình trạng “bánh vẽ”, dẫn đến thiếu thực tế và không triển khai được. Ví dụ như tỉnh Bình Định, quy hoạch đến năm 2010 có 10 bến xe, thế nhưng đến nay mới có 6 bến xe. Hay như tỉnh Thái Bình, quy hoạch đến 20 bến xe, nhưng đến nay mới có 14 bến, đó là chưa kể quy mô các bến xe rất nhỏ và thiếu đồng bộ. Ngược lại, tại các thành phố lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, số lượng bến xe quá ít dẫn đến tình trạng các bến xe thường trong tình trạng quá tải.

Đánh giá về tình hình này, hầu hết các doanh nghiệp vận tải lẫn đơn vị quản lý bến đều cho rằng, nguyên nhân cơ bản nhất ở công tác quy hoạch bến xe và tổ chức luồng tuyến hiện nay rất... tù mù, dẫn đến nhà đầu tư không có thông tin để đầu tư.

Về vấn đề này, ông Vũ Đức Hoàng, Phó Giám đốc Công ty Vận tải Hoàng Long (Hà Nội) cho biết thêm: Đứng trước vấn đề bức bí bến xe hoạt động, chúng tôi rất nỗ lực tìm hiểu thông tin quy hoạch tại Hà Nội để xây dựng bến xe, tuy nhiên không có kết quả, vì vậy chúng tôi phải tìm đến một số tỉnh ở miền Trung và Tây Nguyên để xây dựng bến xe cho riêng mình.

Chia sẻ vấn đề này, ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Ô-tô vận tải hành khách Việt Nam cho rằng, nhà đầu tư cần có thông tin rõ ràng về quy hoạch bến xe tại các địa phương cũng như quy hoạch việc phân bổ luồng tuyến cố định, trên cơ sở đó mới quyết định đầu tư ở đâu. Tiếc rằng, hiệp hội không có thông tin này nên rất khó tìm ra chỗ để bỏ vốn xây dựng bến xe.

Trong khi đó, ông Nguyễn Anh Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Bến xe khách Việt Nam dẫn chứng hậu quả của sự thiếu thông tin ngay tại thành phố Đà Nẵng rằng: Trong khi Bến xe Trung tâm Đà Nẵng mới khai thác được 1/5 công suất, và với đà phát triển như hiện nay thì đến năm 2050 mới đạt 100% công suất của bến, nhưng do thiếu thông tin nên nhà đầu tư Đức Long Gia Lai đầu tư Bến xe phía Nam và kết quả là gần 2 năm nay phải “đắp chiếu” chịu lỗ tiền tỷ hằng tháng. Đây là hệ quả của việc tù mù thông tin về quy hoạch bến xe và luồng tuyến.

Theo các nhà đầu tư, việc xã hội hóa công tác xây dựng bến xe là một chủ trương rất đúng đắn và thực tế đã có một số nơi làm rất thành công như Bến xe Trung tâm thành phố Đà Nẵng, Bến xe Nước Ngầm (Hà Nội), Bến xe Phương Trang (Đà Lạt), Bến xe Tân Hà (Lâm Đồng)... không những bảo đảm tốt việc đưa đón khách, mà đã tiến đến cung cấp các dịch vụ chất lượng cao như nghỉ qua đêm, giải trí, chăm sóc sức khỏe... được hành khách rất ủng hộ. Tuy nhiên, để các mô hình này được nhân rộng ra cả nước, ngành GTVT và các địa phương cần làm tốt công tác quy hoạch bến xe và luồng tuyến cố định. Bên cạnh đó, phải tạo nên môi trường kinh doanh thuận lợi tránh việc nhiều doanh nghiệp “núp” danh nghĩa xe tour mở, xe hợp đồng, xe du lịch... lấy hết khách của các doanh nghiệp hoạt động theo tuyến cố định.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đánh giá cao ý kiến của các doanh nghiệp, nhà đầu tư, và cho đây là những thông tin rất quý cho những người làm công tác quản lý để có những chỉnh sửa kịp thời, từ đó bảo đảm hành lang pháp lý thuận lợi cho các doanh nghiệp vận tải, các nhà đầu tư mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực xây dựng hạ tầng bến xe khách. Tuy nhiên, Bộ trưởng Đinh La Thăng cũng nhắn nhủ các nhà đầu tư, các doanh nghiệp vận tải rằng, dù có hoạt động dưới hình thức gì thì cũng phải tuân thủ pháp luật, nhất là bảo đảm trật tự an toàn giao thông nói chung cũng như an toàn cho hành khách. Làm sao để phương tiện vận tải đường bộ trở thành lựa chọn hàng đầu của đông đảo người dân, đó mới là quan trọng.

Bài và ảnh: Trần Luân Sơn

;
.
.
.
.
.