.

Đi bộ để khám phá

.

Đi bộ (walking tour) là hình thức du lịch tuyệt vời, khác hẳn với nhiều loại hình du lịch khác. Bên cạnh những lợi ích về mặt thể chất,  chi phí, du lịch đi bộ còn là cách để bạn khám phá một điểm đến, một vùng đất, một nền văn hóa theo cảm nhận của riêng bạn.

Đi bộ vừa được tham quan du lịch vừa có cơ hội vận động để rèn luyện sức khỏe. (Ảnh chỉ mang tính minh họa)
Đi bộ vừa được tham quan du lịch vừa có cơ hội vận động để rèn luyện sức khỏe. (Ảnh chỉ mang tính minh họa)

Du lịch “tự phát”

Dễ dàng, thuận tiện, mọi lúc mọi nơi và cho tất cả mọi người là lợi thế của du lịch đi bộ. Vì vậy, trong vài năm gần đây, loại hình này được nhiều bạn trẻ ưa thích và lựa chọn. Thậm chí các bạn đã tổ chức thành một nhóm từ 5 đến 7 người và tự lên kế hoạch “tác chiến”. Nhiều khẩu hiệu được các bạn trẻ đưa ra thể hiện quyết tâm đeo balô lên đường: “Bỏ đường to, chỉ đi vào đường bé, “Không nơi nào là không đến”, “Đi một ngày đàng học một sàng khôn”... Loại hình du lịch này thực sự gây ấn tượng với nhiều du khách khi thực hiện các chuyến chinh phục, khám phá thiên nhiên và cuộc sống xung quanh.
Để có một chuyến du lịch đi bộ thú vị và an toàn, các bạn trẻ tự thu thập thông tin trên mạng và vạch ra kế hoạch cụ thể cho chuyến đi. Đặc biệt, một số bạn trẻ hợp nhau sau một thời gian đồng hành đã lập thành một đội bán chuyên nghiệp. Thời gian từ một đến vài ngày, các hình thức du lịch đi bộ phổ biến là leo núi, cắm trại, đi xuyên rừng, thăm làng mạc...

Trong những tuyến đường đi bộ, du khách thường ưa thích những vùng núi hoặc nông thôn để đi bộ đường dài và trải nghiệm sự mạo hiểm. Các bạn có thể thuê xe chở đến một điểm dừng, sau đó tỏa ra các cung đường để đi bộ. Bạn Thu Hiền (Công ty TNHH Tiến Thu) “nghiện” đi chia sẻ: “Mình thích nhất là đi du lịch đến chợ quê. Được khám phá ẩm thực và thưởng thức các món ăn bình dị của miền quê”. Nhiều nhóm ưa mạo hiểm lại thích đi bộ đến những vùng rừng núi để trải nghiệm những chuyến leo núi kỳ thú hoặc đến vùng sâu, vùng xa khám phá nền văn hóa độc đáo của dân bản địa.

Khai thác các tuyến du lịch đi bộ

Đà Nẵng quyến rũ khách thập phương bởi nơi đây có nhiều bãi biển đẹp, có rừng, có núi, ẩm thực phong phú, cư dân địa phương thân thiện và mến khách. Vì lẽ đó, ngày càng nhiều khách nơi xa đổ về thành phố biển xinh đẹp này để một lần trải nghiệm tất cả những điều lý thú ấy.

Tuy vậy, loại hình du lịch đi bộ vẫn còn khá mới mẻ. Ngoài một số cung đường quen thuộc và mức độ dễ như bán đảo Sơn Trà, núi Phước Tường, Bà Nà hoặc du lịch đi bộ qua các miền quê ở Hòa Vang..., các nhóm ưa thích du lịch đi bộ đang tìm trải nghiệm mới trên những tuyến đường khó hơn và thú vị hơn.

Mặc dù có các điều kiện tự nhiên, văn hóa để phát triển những tuyến du lịch đi bộ đáp ứng nhu cầu du khách nhưng nhiều khu du lịch ở Đà Nẵng đang bỏ qua lợi thế địa phương. Ông Võ Minh Trung, Phó Giám đốc Công ty Du lịch Đà Nẵng (Danatours) cũng cho rằng Đà Nẵng có nhiều điểm đến lý tưởng để kinh doanh loại hình du lịch đi bộ nhưng chúng ta vẫn chưa khai thác hết tiềm năng.

Nhiều điểm đến thu hút khách du lịch trẻ tuổi nhưng cũng chưa đưa ra tuyến đường tham quan cụ thể, lộ trình chi tiết để kéo họ ở lại lâu hơn. Chị Minh Giang (Hà Nội) chia sẻ: “Tôi rất thích du lịch đi bộ và Đà Nẵng là một điểm đến tuyệt vời. Thế nhưng chủ yếu là chúng tôi tự lên kế hoạch, tự xử lý các tình huống bất lợi xảy ra”. Chưa kể các tuyến điểm tham quan này phần lớn do chính khách du lịch xây dựng, tự chọn điểm đến nên gây những bất lợi  trong việc bảo vệ tài nguyên thiên nhiên ở những nơi mà họ đi qua. Điển hình như điểm du lịch Bàn Cờ ở bán đảo Sơn Trà, hiện nay các quân cờ bị khách du lịch đem về “làm kỷ niệm” khiến bàn cờ không còn nhiều quân cờ như trước.

 Không cần vốn đầu tư lớn và xây cất hoành tráng, nếu các địa phương phối hợp với ngành chức năng lên được quy hoạch tổng thể các tuyến du lịch đi bộ, vạch ra cung đường cụ thể, cung cấp thông tin đầy đủ và quảng bá rộng rãi thì sẽ thúc đẩy người dân tham gia nhiều hơn, thu hút được khách du lịch lưu lại dài hơn.

Bài và ảnh: HOÀNG HÂN

;
.
.
.
.
.