.

Khai thác văn hóa làng quê

.

Từ nhiều năm nay, thôn Phong Nam, xã Hòa Châu (huyện Hòa Vang), nơi lưu giữ giá trị văn hóa lâu đời hình ảnh làng quê Việt là điểm đến của du khách gần xa, nhất là người nước ngoài. Thế nhưng thời gian gần đây, du khách đến thôn này đang thưa dần.

Ngôi nhà cổ của gia đình bà Ông Thị Mãn.
Ngôi nhà cổ của gia đình bà Ông Thị Mãn.

Những ngày trung tuần tháng 9, về Phong Nam, gặp chủ những ngôi nhà cổ ở đây, chúng tôi mới hay khách du lịch đến thôn này thưa dần, một phần do chính người dân sở tại gây nên. Tại ngôi nhà cổ của bà Ông Thị Mãn, anh Bùi Trọng Trung, con trai bà Mãn, nói rằng: Cứ  giữ nếp cũ thì đâu đến nỗi. Đằng này, thôn, xã chỉ đạo, quản lý hoạt động du lịch, nhưng thiếu minh bạch về tài chính, gây bất bình trong các hộ quản lý nhà cổ, từ đó không ai mặn mà tiếp đón du khách. Trước đây, mỗi khi có đoàn khách đến, gia đình được thông báo trước, nên chuẩn bị rất chu đáo, niềm nở tiếp đón khách vào tham quan. Tham quan xong, họ thường ở lại thưởng thức các đặc sản làng quê như bánh ú, bánh gai, xôi, chè… do gia đình tự làm lấy. Mỗi lần như vậy, phụ trách đoàn thường đưa cho chủ nhà chiếc phong bì có một vài trăm nghìn đồng gọi là phí tham quan nhà cổ. Còn phần ăn uống của khách, họ thanh toán với giá phải chăng. Đầu năm 2012, thôn chỉ đạo chủ nhà cổ vừa đón tiếp khách, vừa chuẩn bị đặc sản làng quê phục vụ khi khách có yêu cầu. Thôn trực tiếp thu từ đoàn du lịch, trích trả cho chủ nhà sau. Cách làm này thực hiện được mấy tháng thì các chủ nhà cổ không đồng tình, do tiền nhận được không đủ bù đắp chi phí họ bỏ ra. Cũng từ đó, việc tiếp đón khách không còn chu đáo như trước, thậm chí có lần khách đến, chủ nhà không mở cửa nhà cổ cho khách vào tham quan, hướng dẫn viên phải chữa cháy bằng cách dẫn sang các nhà bên cạnh.

Chúng tôi còn được biết, đáng lẽ đón tiếp đoàn nào họ thanh toán gọn đoàn đó, đằng này để 5-6 đoàn mới thanh toán, mà đâu có nhiều nhặn gì, chỉ 800 nghìn đến 1 triệu đồng. Chừng đó không đủ bù đắp chi phí gia đình đầu tư để làm bánh, nấu xôi, chè và phục vụ các loại nước giải khát cho khách. Vừa qua, cán bộ ngành du lịch có đến tìm hiểu, bà con cũng nói rõ sự tình về những bất cập này.

Cách nhà bà Mãn không xa, ngôi nhà cổ do ông Trần Ngọc Duật quản lý đang bị xuống cấp, mấy cánh cửa gỗ xộc xệch gần đổ. Khuôn viên không được chăm chút cẩn thận, lối vào ngập đầy rác. Bà Ngô Thị Thùy Như, vợ ông Duật cho biết, trước đây thỉnh thoảng vẫn có các đoàn khách đến tham quan. Từ Tết Nguyên đán đến nay vắng hẳn. Vắng khách nên gia đình ít quan tâm đến quét dọn, tu bổ. Riêng lối vào nhà cổ, sát chuồng heo nhà phía trước, mấy lần khách vào đi qua đó phải bịt mũi. Hai bên cổng rác rưởi tràn ra liên tục, dọn mấy cũng không xuể.

Nói về tiềm năng du lịch làng quê tại địa phương, anh Lê Đức Bánh, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Châu, không phủ nhận những bất cập đã và đang diễn ra ở thôn Phong Nam. Theo anh, du khách đến Phong Nam chủ yếu tham quan nhà cổ, kiến trúc người xưa để lại. Tuy vậy, từ trước đến nay, các nhà cổ tại đây chưa hề nhận được sự hỗ trợ nào dù là rất nhỏ để tu bổ và tôn tạo cảnh quan. Còn tại địa bàn thôn, không gian du lịch chưa có gì ấn tượng, thậm chí tình trạng ô nhiễm vẫn khá nghiêm trọng. Ngay cả trục giao thông chính chạy qua địa bàn thôn do nguyên Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải là người Phong Nam hỗ trợ kinh phí thâm nhập nhựa từ năm 1995, nay xuống cấp, nắng lên là bụi, mưa xuống là ngập. Cảnh quan hai bên đường này còn khá nhếch nhác. Để giải quyết những vướng mắc trong tổ chức tiếp đón và thu chi tiền như các chủ nhà cổ phản ánh, nghe đâu, sắp tới lãnh đạo xã sẽ họp với thôn và các chủ nhà cổ.

Để địa danh này là điểm đến hấp dẫn cho du khách, cùng với chính quyền địa phương, người dân sở tại, ngành du lịch cần đầu tư có chiều sâu tạo nên sản phẩm du lịch hấp dẫn trước khi tính chuyện khai thác, thu lợi. Còn như khai thác theo kiểu “ăn xổi” như thời gian vừa qua, khách du lịch quay lưng với điểm đến Phong Nam là điều tất yếu.

Bài và ảnh: NGUYỄN CẦU
 

;
.
.
.
.
.