.

Những dịch vụ "ăn theo" mùa biển

.

(ĐNĐT) - Đà Nẵng đang trải qua những ngày oi bức đầu tiên của mùa hè. Để tránh nóng, rất đông người dân Đà Nẵng chọn giải pháp ra biển “giải nhiệt”, trong khi khách du lịch cũng đổ về đây để chiêm ngưỡng một trong sáu bãi biển đẹp nhất hành tinh. Các dịch vụ “ăn theo” mùa biển vì thế được dịp “nở rộ”.

Ban Quản lý (BQL) bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng cho biết, khác với Nha Trang và Vũng Tàu - nơi hoạt động du lịch diễn ra quanh năm, tại Đà Nẵng, những tháng hè mới thực sự là cao điểm của mùa du lịch. Đây cũng là cơ hội để một số hộ dân trên địa bàn thành phố kiếm thêm thu nhập từ việc kinh doanh các dịch vụ trên bờ cũng như dưới bãi biển.

anhbikini.jpg
Phong phú thị trường đồ bơi. Ảnh: Q.T

Nhộn nhịp các dịch vụ trên bờ…

Những ngày này, rất đông người dân và du khách từ khắp nơi đổ về khu vực biển dọc tuyến đường Hoàng Sa - Trường Sa, kéo theo đó là các dịch vụ "thời vụ" như: giữ xe, bán quần áo bơi, hàng rong bán đồ ăn, thức uống…

Mặc dù BQL bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng đã quy hoạch các bãi giữ xe cố định, thế nhưng vào những tháng du lịch cao điểm này, một số hộ dân sống dọc tuyến đường Hoàng Sa vẫn “tranh thủ” khoảng sân rộng trước nhà hay vỉa hè, những lô đất trống… để giữ xe. “Hiện các bãi giữ xe được quy hoạch đã trở nên quá tải nên việc này phần nào giải quyết được lượng xe đổ về biển mỗi buổi chiều. Về phía BQL, chúng tôi vẫn thường xuyên kiểm tra để tránh tình trạng lấn chiếm lòng đường cũng như nâng giá giữ xe của các hộ trên”, ông Nguyễn Đức Vũ, Trưởng phòng Truyền thông-Sự kiện, BQL bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng cho biết.

Cùng với việc “nở rộ” các điểm giữ xe, dọc đường Nguyễn Văn Thoại (quận Sơn Trà), các cửa hàng quần áo, hay nhà sách tranh thủ kinh doanh thêm mặc hàng đồ bơi để phục vụ người dân và du khách. Chị Ngọc Thắm, chủ cửa hàng Chít Shop, đường Nguyễn Văn Thoại nói: “Shop của tôi trước nay bán quần áo nữ, vào mùa hè, tôi bán thêm đồ bơi người lớn, kính, mũ, phao bơi cho trẻ em để phong phú thêm nguồn hàng, phục vụ khách du lịch”.

Ngoài những dịch vụ được chính quyền quản lý, hiện vẫn tồn tại tình trạng buôn bán hàng rong dọc tuyến đường biển, gây mất trật tự cũng như không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Mỗi ngày, những xe hàng rong vẫn ngang nhiên “tập kết” tại khu vực đường Nguyễn Văn Thoại, Hoàng Sa, Phạm Văn Đồng… dù BQL bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng cùng Đội Quy tắc đô thị quận Sơn Trà đã nỗ lực dẹp bỏ.

hangrong.jpg
Những xe bán hàng rong dọc đường xuống biển T20. Ảnh: Q.T

Theo ông Nguyễn Văn Quang, Đội trưởng Đội Y tế dự phòng quận Sơn Trà, rất khó giám sát điều kiện an toàn vệ sinh  thực phẩm của những người bán hàng rong. Một phần vì lực lượng mỏng, một phần vì họ không có giấy phép kinh doanh, chỉ nổi lên vào những ngày hè. Đuổi chỗ này họ chạy chỗ khác, hôm nay đuổi thì hôm sau lại bán, khó kiểm soát.

Cùng nhận định với ông Quang, bà Đỗ Thị Thu Hà, chuyên trách về an toàn vệ sinh thực phẩm phường Phước Mỹ (quận Sơn Trà) cho biết: “Những người bán hàng rong không ở trong danh sách quản lý vì họ ở nhiều nơi đến. Trong phạm vi hoạt động, chúng tôi cũng thường xuyên đến nhắc nhở về vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường nhưng thực sự rất khó. Sắp tới, Đội Y tế của 2 phường Phước Mỹ và An Hải Đông phải hợp tác với nhau thì may ra mới giải quyết được vấn đề này”.

Phong phú các dịch vụ dưới bãi biển

Trên bờ là vậy, dưới bãi biển, các dịch vụ phục vụ người dân và du khách cũng “tấp nập” không kém, như: chụp ảnh, bán diều, thuê phao, thuê dù, ghế, bán nước giải khát... 

Chụp ảnh hiện là một trong những dịch vụ phổ biến tại các bãi biển du lịch ở Đà Nẵng. Thợ chụp ảnh vào mùa này cũng nhiều “như nấm sau mưa” bởi lẽ du khách đến đây đều muốn lưu lại khoảnh khắc đẹp trên biển. Cũng vì lẽ đó, BQL có biện pháp kiểm soát đội ngũ này bằng cách bất cứ thợ nào muốn làm việc trên bãi biển đều phải đăng ký với BQL để được cấp thẻ hành nghề. Biện pháp này đã giải quyết được tình trạng “chặt chém” giá, làm phiền du khách.

Bên cạnh đó, mùa hè là mùa lý tưởng để chơi diều nên các xe bán diều, được sự cho phép của BQL, đã xuống bãi biển bán phục vụ cho nhu cầu của du khách. Những con diều bay phấp phới trên bầu trời đã phần nào đem lại hình ảnh đẹp cho bãi biển Đà Nẵng.

Ngoài ra, dưới bãi biển, rất nhiều quầy cho thuê bàn ghế, phao, dù và bán nước giải khát nhưng không gây ra tình trạng xô bồ, chèo kéo, “chặt chém” khách. Đó là nỗ lực của BQL bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng khi yêu cầu các hộ kinh doanh ký cam kết với BQL về đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm, niêm yết giá nhằm tránh tình trạng nâng cao giá giữa khách du lịch so với người dân địa phương.

Thời điểm vào hè cũng là lúc người dân và du khách tập trung đông đúc về khu vực biển. Do vậy, để thu hút khách du lịch đến với các bãi biển ở Đà Nẵng, thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cần có những biện pháp cụ thể nhằm kiểm soát các dịch vụ nói trên, tạo môi trường du lịch thân thiện, văn minh, lịch sự trong mắt du khách trong và ngoài nước.

Quỳnh Trang

;
.
.
.
.
.