.

Chung tay xây dựng Đà Nẵng ngày càng hấp dẫn

.

Giảm giá thuê đất cho doanh nghiệp, kiên quyết xử lý các hoạt động du lịch trái phép, tạo nguồn lực cho doanh nghiệp xúc tiến thị trường ra nước ngoài, đầu tư cho công tác quảng bá điểm đến… là những việc làm cần thiết giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, chung tay xây dựng thương hiệu điểm đến, đưa du lịch Đà Nẵng vươn xa trên thị trường quốc tế.

Để đưa thương hiệu du lịch Đà Nẵng vươn tầm quốc tế cần tăng cường công tác xúc tiến, quảng bá du lịch ra nước ngoài. Trong ảnh: Khách quốc tế tham quan thành phố bằng xích lô.
Để đưa thương hiệu du lịch Đà Nẵng vươn tầm quốc tế cần tăng cường công tác xúc tiến, quảng bá du lịch ra nước ngoài. Trong ảnh: Khách quốc tế tham quan thành phố bằng xích lô.

Đó là những ý kiến được đưa ra tại buổi “Gặp gỡ đối thoại doanh nghiệp du lịch” giữa các khối lữ hành, vận chuyển và khu điểm du lịch trên địa bàn thành phố do Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) Đà Nẵng tổ chức vào ngày 2-4 nhằm thực hiện chương trình “Năm Doanh nghiệp Đà Nẵng 2014” của UBND thành phố.

Tăng cường công tác xúc tiến, quảng bá điểm đến

Theo các doanh nghiệp (DN) lữ hành trên địa bàn thành phố, việc Đà Nẵng nhận được nhiều giải thưởng du lịch trong thời gian qua đã tạo điều kiện thuận lợi cho các DN khai thác điểm đến một cách tốt hơn, đưa được nhiều nguồn khách đến thành phố. Tuy nhiên, thương hiệu du lịch Đà Nẵng hiện nay vẫn chưa thực sự có sức lan tỏa lớn trên thị trường quốc tế. Sở dĩ như vậy vì công tác xúc tiến quảng bá điểm đến của ngành du lịch thành phố thời gian qua còn yếu, chưa đủ sức cạnh tranh với các DN nước ngoài.

“Để quảng bá điểm đến và thương hiệu du lịch, hầu hết DN phải tự bỏ tiền ra làm. Tuy nhiên, khi tham gia các hội chợ ở nước ngoài, chúng tôi thấy mình quá nhỏ bé so với các nước bạn trong khu vực. Trong khi đó Malaysia, Thái Lan… làm công tác xúc tiến điểm đến rất chuyên nghiệp, bài bản vì các doanh nghiệp của họ nhận được sự hỗ trợ rất lớn từ nguồn lực của chính quyền địa phương. Chúng ta có điểm đến tốt, con người Đà Nẵng thân thiện nhưng thế yếu trong việc quảng bá du lịch ra nước ngoài là thiệt hại lớn”, ông Trần Ngọc Tâm, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Du lịch Việt Nam (Vitours), nhìn nhận.

Nỗ lực lớn nhất của ngành du lịch Đà Nẵng trong những năm gần đây là mở rộng thị trường du lịch quốc tế, cố gắng khai thác nhiều nguồn khách ở thị trường xa như châu Mỹ, châu Âu. Việc mở rộng thị trường du lịch quốc tế đã đem lại lợi nhuận kinh tế cao, tạo điều kiện cho các DN địa phương tiếp thu công nghệ, kinh nghiệm làm du lịch chuyên nghiệp của các nước nhưng đồng thời cũng là thách thức lớn trong việc cạnh tranh nguồn khách quốc tế.

Ông Trần Chí Cường, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL cho biết: “Hoạt động lữ hành hiện nay gặp rất nhiều khó khăn. Ngay cả các doanh nghiệp “khỏe” trên địa bàn thành phố vẫn chưa đủ sức để khai thác nguồn khách quốc tế một cách trực tiếp mà chủ yếu là thông qua các nước sở tại”. Không chỉ thua thiệt trên thị trường inbound, theo nhiều công ty lữ hành, nếu không có sự hỗ trợ trong công tác xúc tiến, quảng bá du lịch thì ngay cả thị trường outbound, DN cũng khó cạnh tranh về giá, về sản phẩm du lịch so với các DN nước ngoài.

Để tạo nguồn lực giúp DN vượt qua giai đoạn khó khăn, đủ sức cạnh tranh trên thị trường du lịch quốc tế, các ý kiến cho rằng thành phố cần tăng thêm nguồn ngân sách cho công tác quảng bá, chọn thị trường xúc tiến trọng điểm, hỗ trợ DN tham gia các hội chợ quốc tế, duy trì công tác quảng bá một cách liên tục trong nhiều năm chứ không nên làm “ngày một ngày hai”. “Nếu Đà Nẵng không làm được điều này thì khách quốc tế sẽ không đến thành phố, dù điểm đến của chúng ta hấp dẫn, có bãi biển đẹp, có khách sạn 5 sao, khu nghỉ dưỡng cao cấp”, đại diện một doanh nghiệp lữ hành đề xuất.

Kiên quyết xử lý hoạt động du lịch trái phép

Hiện nay, lợi dụng chính sách du lịch thông thoáng, nhiều công ty lữ hành nước ngoài tổ chức hoạt động du lịch trái phép dưới nhiều hình thức hết sức tinh vi như tự đưa tour về Đà Nẵng, tự đặt phòng khách sạn, chèn ép DN địa phương cũng như làm thất thu ngân sách du lịch của thành phố. “Không chỉ các doanh nghiệp nước ngoài mà một số DN địa phương đã tiếp tay cho họ tổ chức tour về Đà Nẵng hoặc không có giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế cũng tổ chức tour ra nước ngoài. Thậm chí nhiều khách sạn cũng lợi dụng các mối quen với hướng dẫn viên tự bán tour cho du khách”, ông Nguyễn Phước Nhàn, Chánh Thanh tra Sở VH-TT&DL, cho hay. Để kiên quyết xử lý các hoạt động du lịch trái phép, trong thời gian tới, Sở VH-TT&DL sẽ tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, giúp DN làm ăn chính đáng có cơ hội đưa nhiều nguồn khách về Đà Nẵng.

Khó khăn nhất của du lịch Đà Nẵng hiện nay là còn mang tính thời vụ, vì vậy các ý kiến đưa ra trong buổi đối thoại đề xuất ngành du lịch thành phố nên triển khai chương trình kích cầu du lịch đến các DN trong thời gian sớm cũng như vận động các hãng hàng không, đơn vị cung ứng dịch vụ hỗ trợ cho DN lữ hành. “Nhiều chương trình trong hoạt động kích cầu đã tạo cơ hội cho DN đưa sản phẩm của mình đến du khách với giá ưu đãi hơn. Tuy nhiên, hiện nay lượng khách du lịch bằng đường hàng không đến Đà Nẵng tăng cao nhưng vẫn chưa khai thác được giá vé kích cầu. Đặc biệt là trong những mùa cao điểm, hầu như các công ty lữ hành hết sức chật vật trong việc tổ chức tour vì khan hiếm vé máy bay”, ông Trần Ngọc Sơn, đại diện Công ty TM&DVDL Biển Ngọc nói.

Mong muốn lớn nhất của DN là tăng cường mối liên kết giữa DN với chính quyền thành phố thông qua các buổi đối thoại, các chính sách hỗ trợ về du lịch, các cơ chế thông thoáng để tiếp sức cho DN vượt qua khó khăn như giảm giá thuê đất, miễn thị thực, hỗ trợ trong đào tạo nguồn nhân lực, tạo điều kiện cho DN đầu tư khai thác xe du lịch...

Ông Trần Chí Cường cho biết, ngành du lịch thành phố luôn nỗ lực đồng hành với DN chung tay đưa điểm đến Đà Nẵng trở thành điểm du lịch an toàn và uy tín, đồng thời sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất cho DN khai thác khách về Đà Nẵng. Tuy nhiên, DN cũng cần chia sẻ khó khăn với ngành du lịch thành phố trong việc đưa vào chương trình tour các sản phẩm du lịch mới để quảng bá hình ảnh của điểm đến như xem tuồng tại Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh, du lịch đường sông, du lịch Sơn Trà… hoặc tham gia nhiệt tình các chương trình du lịch do thành phố phát động. “Quảng bá du lịch không thể ở một phía là DN cũng không thể một mình thành phố đứng ra làm mà cần sự chung tay góp sức của DN trong việc đưa điểm đến Đà Nẵng ngày càng hấp dẫn hơn trong mắt du khách trong và ngoài nước”, ông Cường nhấn mạnh.

Bài và ảnh: HOÀNG HÂN

;
.
.
.
.
.