.

Nên bỏ tiền vào ngân hàng?

.

Tỷ giá, giá vàng được dự báo sẽ diễn biến phức tạp trong thời gian tới. Vậy, có tiền nhàn rỗi nên bỏ vào kênh đầu tư nào để sinh lời và an toàn? Theo khuyến cáo của các chuyên gia kinh tế, trước sự biến động khó lường ở thời điểm này, có tiền nên bỏ vào ngân hàng (NH) vẫn là đáp số an toàn nhất.

Khách hàng đến giao dịch tại Tecombank Đà Nẵng.
Khách hàng đến giao dịch tại Tecombank Đà Nẵng.

Tiền vẫn “chảy” vào ngân hàng

Khảo sát về mặt bằng lãi suất (LS) ở các chi nhánh ngân hàng trên địa bàn thành phố ở thời điểm này cho thấy, nếu so với đầu năm 2015, mặt bằng LS huy động đã giảm 0,2% - 0,3%. Hiện mức LS huy động bằng tiền đồng phổ biến ở kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng là 4,5% - 5,4%/năm; kỳ hạn 6 đến dưới 12 tháng từ  5,5% - 6,5%/năm, kỳ hạn trên 12 tháng là 7,0%/năm. Trong khi đó, LS huy động USD phổ biến là 0,25%/năm đối với tiền gửi của tổ chức và 0,75%/năm đối với tiền gửi của người dân.

Mặc dù vậy, theo các NH, tiền đồng “chảy” vào ngân hàng tăng theo từng quý trong năm 2015. Giám đốc một NH thương mại cổ phần (TMCP) trên địa bàn thành phố cho rằng, trong bối cảnh tỷ giá, giá vàng, chứng khoán, bất động sản thời gian qua đều có biến động, vì vậy, những người quen với gửi tiết kiệm lĩnh lãi thì nên tiếp tục duy trì, không nên đầu tư vào vàng, USD vì rủi ro rất cao.

Cùng quan điểm trên, ông Nguyễn Tuấn Cường, một nhà đầu tư cho hay: “Giá vàng trong nước luôn chịu ảnh hưởng của giá vàng thế giới, đồng thời luôn bị tác động bởi yếu tố tâm lý đám đông, nên có lúc tăng - giảm đột biến. Trong tháng 8-2015, giá vàng giảm bình quân 3,92%, làm cho những ai đầu tư vào kênh này bị thua lỗ.

Còn đối với thị trường chứng khoán, bất động sản... mặc dù có những tín hiệu tốt sau thời kỳ sụt giảm, nhưng kênh đầu tư này chỉ phù hợp với những nhà đầu tư có kiến thức, nhanh nhạy, có vốn lớn, nhất là đầu tư vào lĩnh vực bất động sản. Trong giao dịch ngoại tệ (chủ yếu là USD), người dân chỉ có thể dễ dàng bán cho các NHTM, còn việc mua lại phải đáp ứng điều kiện theo quy định pháp luật về quản lý ngoại hối”.

Gửi tiền vẫn sinh lời?

Hiện nay, tâm lý chung của người có tiền nhàn rỗi muốn gửi tiết kiệm thường cân nhắc gửi tiền ở đâu an toàn, có lợi nhất? Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, sự lựa chọn của người gửi tiền thường tập trung vào các NH có quy mô lớn, uy tín, mạng lưới giao dịch trải rộng, được bảo vệ an toàn hoặc gửi tiền tại ngân hàng nào đang có chương trình khuyến mại về LS, tặng quà, cấp mã số dự thưởng với những phần quà giá trị cao.

Ngoài ra, tiện ích của sản phẩm tiền gửi đáp ứng các yêu cầu khác nhau về tiền gửi ngắn hạn, trung và dài hạn; gửi tiền một nơi nhưng có thể rút ở bất kỳ nơi nào trong cùng hệ thống NH đó.

Chị Thúy Linh (quận Hải Châu) cho biết, qua tham khảo thông tin từ nhiều nguồn, chị quyết định gửi tiết kiệm 300 triệu đồng vào một NH trên đường Nguyễn Văn Linh.

“Khi gửi tiết kiệm tại NH này, tôi đã chia ra thành 2 sổ tiết kiệm với các kỳ hạn khác nhau. Bởi gửi tiền theo cách này vừa có một khoản tiết kiệm ngắn hạn từ 3-6 tháng phòng khi cần sử dụng thì rút ra kịp thời, vừa có một khoản tiền gửi dài hạn từ 6 - 12 tháng để hưởng được LS tốt nhất, đồng thời có cơ hội nhận được ưu đãi theo chương trình khuyến mại của NH”, chị Linh giải thích.

Ông Võ Minh, Giám đốc NH Nhà nước-Chi nhánh Đà Nẵng cho biết: “Từ đầu năm đến nay, sau 2 lần NH Nhà nước Việt Nam điều chỉnh tỷ giá và nới biên độ lên tới +/- 3%, tuy tiền đồng có giảm giá so với USD, nhưng lạm phát của Việt Nam ổn định ở mức thấp.

Mới đây, Tổng cục Thống kê đã công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8 giảm 0,07% so với tháng trước và CPI bình quân 8 tháng đầu năm 2015 chỉ tăng 0,83% so với cùng kỳ năm trước. Đồng thời, mức lạm phát cơ bản tháng 8 là 0,1% và lạm phát cơ bản của 8 tháng qua là 2,19%. Như vậy, LS tiền gửi đang ở mức cao hơn so với lạm phát, người gửi tiết kiệm vẫn được hưởng LS thực dương”.

Bài và ảnh: ANH NHƯ

;
.
.
.
.
.