.

Người dân hai miền Triều Tiên đoàn tụ

.

ĐNĐT - Hàng trăm gia đình Triều Tiên từ hai miền bị ly tán từ cuộc chiến 1950-1953 đã gặp nhau ngày hôm nay trong một cuộc đoàn tụ đầy cảm xúc tại khu du lịch Kim Cương trên đất Triều Tiên.

Hôm nay (20-2), các gia đình hai miền Triều Tiên có dịp đoàn tụ sau nhiều năm xa cách.  Ảnh: Reuters
Người dân hai miền Triều Tiên xúc động khi được đoàn tụ sau nhiều năm xa cách. Ảnh: Reuters

82 người già Hàn Quốc cùng 58 thân nhân đã gặp gỡ 180 người thân từ phía bắc tại một khách sạn trên núi Kim Cương, khu du lịch nằm ở bờ biển phía đông Triều Tiên.

Trong số đó, 2 ngư dân Hàn Quốc, vốn bị phía Triều Tiên bắt giữ cách đây hàng chục năm về trước, đã đoàn tụ với các thành viên gia đình mình ở Hàn Quốc. 

Cụ Son Ki-ho, 90 tuổi, cho biết mình quá phấn khích khi gặp lại người con gái mà cụ đã để lại ở Triều Tiên khi cô mới có 2 tuổi.

“Hình ảnh con gái tôi vẫy tay lúc chia lìa vẫn còn in đậm trong mắt tôi”, cụ Son nói với báo giới trước chuyến đi về khu du lịch Kim Cương.

Hàng triệu người Triều Tiên vẫn còn bị chia cắt ở hai bờ biên giới, bởi về mặt kỹ thuật, hai miền Triều Tiên vẫn còn nằm trong tình trạng chiến tranh, sau cuộc chiến kéo dài 3 năm mà chỉ kết thúc trong một hiệp ước ngừng bắn.

Tới nay, vẫn chưa có phương tiện liên lạc trực tiếp nào giữa các thường dân ở hai miền Triều Tiên.

Hiện tại, việc đoàn tụ các gia đình đang là một vấn đề nhân đạo thôi thúc trên bán đảo này, bởi đa số các gia đình bị chia cắt đã ở độ tuổi 70, 80 tuổi và họ mong muốn gặp lại người thân trước khi qua đời.

Cuộc đoàn tụ kể từ hôm nay cho tới thứ Bảy sẽ được tiếp tục vào một đợt khác của 450 người từ hai miền Triều Tiên.

Việc đoàn tụ diễn ra khi Seoul và Washington chuẩn bị khởi động một cuộc tập trận thường niên vào tuần tới, vốn bị Triều Tiên lên án và gọi đây là sự thao dượt các hành động xâm lược.

Bình Nhưỡng đã yêu cầu Seoul hãy trì hoãn cuộc tập trận này tới sau khi tổ chức đoàn tụ nhưng đã nhượng bộ Hàn Quốc.

Trong khi đó, Seoul luôn nhấn mạnh rằng, việc tổ chức đoàn tụ là một bước đi đầu tiên tiến tới việc cải thiện quan hệ giữa hai miền.

Quang Hiển (theo Yonhap)

;
.
.
.
.
.