.
Vụ máy bay chở 239 người mất tích

Malaysia bác bỏ chỉ trích

.

Một quan chức cấp cao của Malaysia phụ trách việc tìm kiếm chiếc máy bay Boeing 777-200ER mang số hiệu MH370 ngày 18-3 bác bỏ những chỉ trích của Mỹ cho rằng, họ đã không chia sẻ thông tin với các chính phủ nước ngoài trong vụ việc đầy bí ẩn này.

Bộ trưởng Giao thông Malaysia Hishamuddin Hussein công bố bản đồ khu vực tìm kiếm máy bay mất tích. 			                           Ảnh: AP
Bộ trưởng Giao thông Malaysia Hishamuddin Hussein công bố bản đồ khu vực tìm kiếm máy bay mất tích. Ảnh: AP

Mỹ thất vọng

Reuters cho biết, Trung Quốc hiện kêu gọi sự hợp tác tốt hơn trong hoạt động tìm kiếm với sự tham gia của 26 nước. Việc tìm kiếm trên quy mô chưa từng có, kéo dài khắp châu Á, từ biển Caspia đến nam Ấn Độ Dương, nhưng chưa tìm thấy dấu vết nào của máy bay.

Trong khi đó, giới chức Mỹ thất vọng khi sự hỗ trợ của cường quốc này bị Malaysia từ chối, cụ thể là Kuala Lumpur đã không đề nghị Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) cử một nhóm chuyên gia đến để điều tra. Song, Bộ trưởng Giao thông Malaysia Hishammuddin Hussein bác bỏ điều này. Ông Hussein nói rằng, chính ông đã liên lạc với những người đồng cấp của cả Mỹ lẫn Trung Quốc. “Tôi đã và đang làm việc với họ. Nếu thấy cần thêm chuyên gia hỗ trợ, FBI phải đề nghị chúng tôi vì chúng tôi không thể biết họ cần gì”, ông Hussein nói.

FBI vốn có kinh nghiệm trong việc điều tra các tai nạn máy bay, trong đó có vụ rơi máy bay TWA Flight 800 ở bờ biển phía đông nước Mỹ năm 1996, và máy bay Egyptair Flight 990 đi từ Los Angeles đến Cairo năm 1999.

Tìm kiếm ở lãnh thổ Trung Quốc

Trung Quốc đã triển khai 20 vệ tinh để tìm kiếm chiếc MH370. Tại buổi họp báo ở Bắc Kinh ngày 18-3, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi xác nhận thông tin này. Thực tế, Trung Quốc đã triển khai hơn 10 tàu tìm kiếm chuyên nghiệp, huy động nhiều máy bay, kêu gọi tất cả các tàu thương mại của nước này hỗ trợ tìm kiếm máy bay MH370.

Theo đại sứ Trung Quốc tại Malaysia Hoàng Huệ Khang, Bắc Kinh cũng đã bắt đầu hoạt động tìm kiếm cứu nạn chiếc máy bay mất tích trên phần lãnh thổ của họ. Ông Hoàng Huệ Khang còn khẳng định, kết quả kiểm tra nhân thân của tất cả công dân Trung Quốc có mặt trên chiếc máy bay cho thấy, họ không có liên quan đến không tặc hay có bất kỳ hành vi khủng bố nào.

Nhận định của đại sứ Trung Quốc được đưa ra trong lúc có những đồn đoán rằng, người Hồi giáo Ngô Duy Nhĩ ở khu tự trị Tân Cương có thể liên quan đến sự biến mất của chiếc MH370 cùng với 239 hành khách và phi hành đoàn, trong đó có 154 hành khách Trung Quốc.

AP cho biết, các nhóm Ngô Duy Nhĩ liên quan đến những vụ tấn công ở Trung Quốc. Không những thế, một số người đang hiện diện ở khu vực biên giới Afghanistan - Pakistan, nơi Al-Qaeda và các nhóm thánh chiến xuyên quốc gia trú ẩn.

Phía cảnh sát Malaysia cũng đang điều tra khả năng máy bay bị không tặc, phá hoại, khủng bố hoặc liên quan đến vấn đề sức khỏe tâm thần của các phi công hay bất kỳ ai khác có mặt trên chuyến bay. Tuy nhiên, các nhà chức trách vẫn chưa phát hiện điều gì. Giới chức Trung Quốc và phương Tây đều nhận định, tất cả những người đi chuyến bay không có bất kỳ động cơ chính trị hay động cơ phạm tội nào để tấn công máy bay. Vì vây, sự mất tích của MH370 từ ngày 8-3 đến nay vẫn là điều bí ẩn.

BÌNH YÊN

;
.
.
.
.
.